Giao quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT cho Hiệu trưởng cần điều kiện kèm theo

Giao quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT cho Hiệu trưởng cần điều kiện kèm theo
4 giờ trướcBài gốc
Giờ học tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương).
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ và trách nhiệm giải trình
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục giao thẩm quyền cho Hiệu trưởng trường THPT/người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục THPT cấp bằng tốt nghiệp THPT, bỏ thủ tục cấp bằng tốt nghiệp THPT thực hiện tại Sở GD&ĐT.
Ông Lê Văn Lục, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) nhận định: Đây là một chủ trương mang tính cải cách hành chính mạnh mẽ, hướng đến phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các cơ sở giáo dục.
Từ thực tiễn quản lý ở trường THPT, ông Lê Văn Lục nhận thấy, giao quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT cho Hiệu trưởng là phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi rõ rệt, cụ thể:
Các trường THPT đã tham gia sâu vào quy trình đánh giá, đảm bảo chất lượng. Giao quyền cấp bằng là bước tiếp theo hợp lý, thể hiện sự tin tưởng và tăng vai trò trách nhiệm của nhà trường.
Hiện tại, các trường đại học của Việt Nam có quyền cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên. Nhiều quốc gia, văn bằng phổ thông do nhà trường cấp, nên việc giao quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT cho Hiệu trưởng là phù hợp với xu thế quốc tế
Quy định này đồng thời tăng tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục. Nhà trường sẽ phải nâng cao chất lượng giảng dạy, đánh giá và quy trình thi cử khi Hiệu trưởng có trách nhiệm cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh.
Hiện nay việc in ấn, quản lý, cấp phát văn bằng mất khá nhiều thời gian và công sức. Do đó, giao quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT cho Hiệu trưởng góp phần giảm tải hành chính cho Sở GD&ĐT.
Với học sinh, quy định mới sẽ rút ngắn thời gian nhận bằng; các em sau khi thi tốt nghiệp THPT xong không phải chờ đợi lâu như hiện nay.
Nhiều cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cũng đồng tình với dự kiến này và cho rằng đây là chính sách phù hợp với thực tiễn, thực hiện triệt để việc phân cấp, phân quyền, tuân thủ nguyên tắc “nơi nào đào tạo nơi đó cấp bằng” và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chính sách mới cũng sẽ góp phần tăng tính tự chủ, chủ động của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục. Cơ sở giáo dục không còn phải thực hiện các thủ tục để trình Sở GD&ĐT thực hiện việc cấp bằng tốt nghiệp, tiết kiệm chi phí thời gian.
Một số điều kiện cần kèm theo
Dù cho rằng giao quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT cho Hiệu trưởng là phù hợp, tuy nhiên, ông Lê Văn Lục cũng lưu ý, triển khai quy định này cần một số điều kiện kèm theo.
Thứ nhất, cần xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Phân cấp phải đi đôi với kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng "buông lỏng".
Thứ hai, chuẩn hóa quy trình xác nhận học bạ và cấp bằng. Bộ GD&ĐT cần ban hành hướng dẫn cụ thể, thống nhất toàn quốc.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin: Triển khai cấp bằng, xác nhận kết quả học tập qua hệ thống số hóa, liên thông giữa các trường và các cơ quan quản lý.
Thứ tư, tăng cường năng lực quản lý cho hiệu trưởng và cơ sở giáo dục; phân quyền đi kèm bồi dưỡng, tập huấn để đảm bảo năng lực thực hiện.
Tôi cho rằng những sửa đổi trong dự thảo Luật Giáo dục lần này là bước tiến phù hợp với thực tiễn và xu thế đổi mới giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học, nhà trường, đồng thời giúp giảm tải hành chính cho cơ quan quản lý. Quan trọng nhất, nó đặt các cơ sở giáo dục vào vị trí chủ thể trung tâm của trách nhiệm, từ đó nâng cao chất lượng thực chất của giáo dục phổ thông.
Chỉ cần có hướng dẫn thống nhất, quy trình minh bạch và công cụ giám sát hiệu quả, thì việc thực hiện sẽ khả thi và mang lại nhiều lợi ích thiết thực”, ông Lê Văn Lục nêu quan điểm.
Hải Bình
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/giao-quyen-cap-bang-tot-nghiep-thpt-cho-hieu-truong-can-dieu-kien-kem-theo-post731121.html