Hiện nay, phương án thi vào lớp 10 THPT từ năm 2025, đang được các địa phương nghiên cứu, tính toán và đưa ra các đề xuất.
Nhiều năm qua, kỳ thi này luôn được đánh giá là căng thẳng, do tỉ lệ chọi và tính phân luồng cao. Việc thay đổi phương án thi phải đáp ứng nhiều mục tiêu kép, khiến việc lựa chọn phải đánh giá tác động nhiều chiều.
Một phương án, đáp ứng nhiều yêu cầu
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng việc xây dựng phương án thi/tuyển sinh vào lớp 10 phải đảm bảo nguyên tắc của Chương trình GDPT 2018.
Cùng với đó, kỳ thi vào lớp 10 THPT ngoài mục tiêu tuyển sinh, phải đảm bảo công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp một cách công bằng với các thí sinh có chung nguyện vọng học tiếp THPT.
"Với ý nghĩa đó, nếu các phương án xây dựng ra không đáp ứng được tiêu chí trên thì không phù hợp, sẽ khiến cho việc học tập ở THCS bị lệch theo", bà Chu Cẩm Thơ bày tỏ.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Cũng theo bà Thơ, việc để trao quyền chủ động cho các địa phương quyết định phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 là hợp lý.
Ở đây, chuyên gia lý giải, do áp lực thi đỗ lớp 10 THPT của học sinh ở mỗi nơi là khác nhau. Có những địa phương có rất nhiều học sinh có nhu cầu học tiếp lên THPT, nhưng cũng có nơi, ngành giáo dục phải hỗ trợ để học sinh theo học được THPT.
"Ngay trong Hà Nội hay Tp.HCM sự phân luồng định hướng này tại mỗi địa bàn là khác nhau, áp lực tuyển sinh mang tính cục bộ. Vì vậy, tùy từng địa phương có thể đề xuất phương án đặc thù, để phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội của mình, nhưng dù phương án đó là gì, cũng phải hướng người học tới việc học tập suốt đời", bà Thơ nói.
Chia sẻ thêm, đối với việc thời điểm công bố môn thi thứ 3, bà Thơ cũng chia sẻ khi phân luồng đã là một trong những tiêu chí cố định của kỳ thi, thì thi phương án nào, cũng khó có thể làm hài lòng được tất cả các phụ huynh.
"Tôi cho rằng, vấn đề không nằm ở việc công bố môn thi thứ 3 sớm hay muộn, điều quan trọng, các bậc phụ huynh và học sinh cần vạch ra đường đi sắp tới của con mình như thế nào. Giữa trường THCS-THPT cần có sự kết nối thường xuyên, liên tục để học sinh có được định hướng rõ sau THCS, nên chọn con đường nào và có đủ năng lực để đáp ứng nguyện vọng", bà Chu Cẩm Thơ nêu quan điểm.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT phải đáp ứng nhiều yêu cầu (Ảnh: Hữu Thắng).
Nên giao quyền lựa chọn cho địa phương
Về phía địa phương, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Sĩ Thành – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông bày tỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 từ năm 2025 hiện đang rất được quan tâm.
Theo nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thì Quy chế tuyển sinh Trung học phổ thông lần này có nhiều điểm mới cụ thể như môn thi bắt buộc, lựa chọn và trách nhiệm của Hội đồng ra đề thi; Hội đồng coi thi; Hội đồng chấm thi rất chi tiết, rõ ràng,...
Ông Trần Sĩ Thành đánh giá nhìn chung những điểm mới dự kiến sửa đổi, bổ sung quy chế giúp cho các Sở GD&ĐT thực hiện tốt hơn công tác tuyển sinh 10, tránh được những hạn chế, sai sót nhằm mang lại quyền lợi, sự công bằng tối đa có các thí sinh dự thi.
"Điểm đặc biệt là vấn đề lựa chọn môn thi thứ 3, do Sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm và công bố trước ngày 31/3 hằng năm. Mục đích của việc lựa chọn môn thi thứ 3 thể hiện tính đồng đẳng giữa các môn học, tránh việc xem môn học này là chính, môn kia là phụ.
Từ đó, góp phần phát huy đầy đủ phẩm chất, năng lực của học sinh. Tuy nhiên, nếu việc lựa chọn môn thi thứ 3 bằng hình thức bốc thăm cũng sẽ nảy sinh một số bất cập, các địa phương khi lựa chọn cần cân nhắc kỹ", ông Thành cho hay.
Ông Trần Sĩ Thành – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông.
Trước quan điểm cho rằng việc thay đổi môn thi thứ 3 hằng năm sẽ tạo áp lực có cho học sinh, đánh giá thế nào về vấn đề nàyPhó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho rằng "thay đổi môn thi thứ 3 hằng năm sẽ tạo áp lực không đáng có cho học sinh" xuất phát từ suy nghĩ "học để thi".
Ở đây, ông Thành nhận thấy: "Nếu môn thứ 3 ra đề theo hướng ở mức cơ bản, phù hợp, học sinh chỉ cần học nghiêm túc ở trên lớp thì có thể hoàn thành bài thi mà hoàn toàn không có gì áp lực. Điều này phù hợp với xu hướng đánh giá năng lực học sinh một cách toàn diện hiện nay".
Quan điểm chung thi tuyển sinh vào THPT gọn nhẹ, không gây áp lực và tốn kém. Rõ ràng, việc ổn định môn thi sẽ không gây áp lực cho học sinh, nhưng việc ổn định này ít nhiều sẽ tạo ra tâm lý học đối phó, khiến một số học sinh chỉ tập trung vào những môn thi thay vì học một cách toàn diện và lâu dài.
"Như vậy, việc thay đổi môn thi thứ 3 hằng năm hay ổn định đều có những mặt tích cực và hạn chế nhất định. Thiết nghĩ, vấn đề này nên giao quyền chủ động tự quyết định cho địa phương", ông Thành chia sẻ.
Riêng đối với tỉnh Đắk Nông, những năm vừa qua môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh là môn tiếng Anh.
"Hiện nay, Sở GD&ĐT đang tham mưu đề xuất thí điểm thi tuyển vào lớp 10 một số trường THPT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, sẽ tổ chức lấy ý kiến của các cơ sở giáo dục về phương án chọn môn thi thứ 3. Trong trường hợp năm 2025, không thực hiện thi tuyển vào lớp 10 đối với một số trường THPT trên địa bàn tỉnh, mà chỉ thi tuyển sinh vào trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh thì Sở GD&ĐT sẽ đề xuất môn thi thứ 3 là môn là môn Tiếng Anh", ông Trần Sĩ Thành thông tin.
Để có sự điều chỉnh tốt nhất, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã đưa ra dự thảo quy chế thi tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Trong đó, quy định chung việc thực hiện thi tuyển vào lớp 10 THPT gồm 3 môn thi Toán, Ngữ văn và một môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT quyết định, môn thi được công bố trước ngày 31/3 hàng năm, thay vì quy định bốc thăm môn thi thứ 3 như dự thảo trước đó.
Ngoài ra, dự thảo cũng ghi rõ môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong Chương trình GDPT cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ 3, có sự thay đổi qua các năm, nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.