Giáo sư danh dự Hal Hill của Trường Chính sách công Crawford, thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU) trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Australia. (Ảnh: Lê Đạt/TTXVN)
“Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là khu vực quan trọng và năng động nhất trong thế giới đang phát triển, với gần 700 triệu dân. Vì vậy, những gì diễn ra tại các hội nghị cấp cao ASEAN thực sự có ý nghĩa không chỉ đối với các nước ASEAN mà còn đối với phần còn lại của khu vực và thế giới.”
Đó là nhận định của Giáo sư danh dự Hal Hill của Trường Chính sách công Crawford, thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU) trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Australia nhân Hội nghị cấp cao ASEAN 2025.
Giáo sư Hal Hill nhận định Hội nghị cấp cao ASEAN 2025 là một trong những hội nghị quan trọng nhất trong lịch sử gần 58 năm của Hiệp hội, bởi sự kiện diễn ra trong bối cảnh đang có những biến động lớn, tác động trực tiếp đến ASEAN cũng như phần còn lại của thế giới.
Theo Giáo sư Hal Hill, chương trình nghị sự chính của hội nghị năm nay có thể bao gồm những vấn đề như cách thức quản lý một thế giới bất ổn và bất định; giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar, vốn được coi là một thách thức lớn không chỉ đối với ASEAN mà còn đối với toàn cầu; ứng phó trước vấn đề thuế quan; đối phó với những tác động đến kiến trúc kinh tế toàn cầu.
Đây đều là những điều thực sự cần thiết đối với ASEAN bởi các nền kinh tế ASEAN là những nền kinh tế mở, phụ thuộc vào thương mại và đầu tư quốc tế; giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông…
Câu hỏi đặt ra cho các nước ASEAN là làm thế nào để phát triển một chiến lược quản lý những thách thức lớn nói trên. Giáo sư Hal Hill nhận định điều quan trọng nhất là ASEAN phải giữ vững sự đoàn kết và tránh hành động đơn phương. ASEAN là một nhân tố trung tâm trong cơ cấu khu vực rộng lớn hơn.
Ví dụ, có các sáng kiến ASEAN+1, có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - một nỗ lực lấy ASEAN làm trung tâm để tự do hóa thương mại và bao gồm không chỉ 10 quốc gia ASEAN mà còn cả các nước láng giềng Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand.
Theo Giáo sư Hal Hill, RCEP rất quan trọng nhưng chưa được vận hành một cách tích cực. ASEAN có cơ hội tốt để mở rộng tầm ảnh hưởng bằng cách sử dụng RCEP như một phương tiện để khuyến khích các quốc gia chia sẻ quan điểm, giữ mục tiêu chung và duy trì một chương trình nghị sự chung của ASEAN trong việc đối phó với các thách thức.
Bên cạnh đó, một số quốc gia thành viên ASEAN đã tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các quốc gia láng giềng như Nhật Bản, Australia, New Zealand… Vì vậy, CPTPP cũng là một phương tiện để ASEAN mở rộng phạm vi hoạt động và ảnh hưởng.
Một điểm quan trọng khác được Giáo sư Hal Hill lưu ý là trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung, ASEAN nên để ngỏ mọi lựa chọn và duy trì vị thế trung lập bởi điều đó sẽ mang lại lợi ích cho khối này.
Vấn đề cuối cùng trong chương trình nghị sự của ASEAN có thể là vai trò của Timor Leste. Quốc gia này đã được kết nạp vào ASEAN, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và đó vẫn là một vấn đề khá phức tạp.
Đánh giá về vai trò của Việt Nam trong ASEAN, Giáo sư Hal Hill khẳng định “quốc gia hình chữ S” có một vị trí rất quan trọng trong khối khu vực này. Việt Nam là nền kinh tế năng động nhất ở Đông Nam Á trong thế kỷ này, đặc biệt là trong 25 năm qua.
Việt Nam cũng có vị trí rất quan trọng vì đây là quốc gia có chung đường biên giới với Trung Quốc. Cách Việt Nam quản lý mối quan hệ với Trung Quốc sẽ thực sự quan trọng đối với phần còn lại của ASEAN.
Một điểm khác cũng đáng lưu ý là Đông Nam Á có những mạng lưới sản xuất toàn cầu lớn. Sản xuất đang diễn ra ở khắp mọi nơi, xuyên biên giới, và Việt Nam là quốc gia thành công nhất trong các mạng lưới sản xuất toàn cầu này, trong ngành điện tử, ôtô, các ngành công nghiệp khác.
Bình luận về mối quan hệ ASEAN-Australia hiện nay, Giáo sư Hal Hill cho rằng quan hệ giữa hai bên hiện rất thân thiện và tốt đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa cho sự hợp tác ASEAN-Australia, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục.
Vì vậy, chính phủ Australia và chính phủ của các nước ASEAN nên có nhiều tham vọng và nỗ lực hành động hơn nữa để phát huy và đẩy mạnh mối quan hệ này. Hai bên cũng cần thúc đẩy giao lưu nhân dân, nhất là khi tại Australia có rất đông cộng đồng đến từ các nước ASEAN./.
(TTXVN/Vietnam+)