Vừa được bổ nhiệm chức danh giáo sư, 11 giảng viên khoa Luật của Đại học Lambung Mangkurat (ULM) bị tố gian lận học thuật. Sau khi nhận được đơn tố cáo nhiều giảng viên ULM xuất bản các bài báo học thuật trên "tạp chí săn mồi" (predatory journals), Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia lập tức tiến hành điều tra.
Theo đó, đây là tạp chí không chính thống, để được đăng bài các giáo sư chỉ cần trả 70-135 triệu IDR (~109-211 triệu đồng). Để đạt chức danh giáo sư, Bộ Giáo dục Indonesia yêu cầu học giả cần có ít nhất một bài đăng tạp chí khoa học quốc tế được liệt kê trong chỉ mục Scopus và 10 năm giảng dạy.
Với yêu cầu này, cả 11 giảng viên ULM đều không đáp ứng tiêu chuẩn. Thậm chí, nhóm điều tra còn phát hiện một số thành viên trong nhóm đánh giá của Bộ Giáo dục Indonesia đã nhận hối lộ của ứng viên để phê duyệt chức danh giáo sư, dù họ còn thiếu công bố trên tạp chí được Scopus lập chỉ mục.
Sau khi sự việc bại lộ, những người này đã bị thu hồi chức danh giáo sư nhưng vẫn được giảng dạy ở trường. Ngoài ra, còn 20 giảng viên khác đến từ các khoa của ULM cũng đang bị điều tra với cáo buộc tương tự.
Liên quan đến vấn đề này, ông Arief Anshory, giảng viên cao cấp tại Đại học Padjadjaran, cho biết vụ việc là phần nổi của tảng băng chìm. "Nếu điều tra tất cả giáo sư ở Indonesia, khả năng một nửa trong số đó sẽ bị thu hồi chức danh", ông chia sẻ với University World News.
Hiện tượng mua bài báo học thuật đang trở thành vấn đề mang tính hệ thống tại các đại học ở Indonesia. Ông cho biết, hiệu trưởng các trường cũng khuyến khích giảng viên đẩy nhanh quá trình đạt chức danh giáo sư để nâng cao vị thế của trường, giúp trường có cơ hội thu hút nguồn đầu tư và các dự án học thuật lớn.
"Các trường đều muốn nằm trong top 10-20 của cả nước, sau đó trở thành đại học mang đẳng cấp thế giới. Do đó, họ sẽ làm mọi cách để đạt mục đích, thậm chí đánh đổi cả đạo đức học thuật lẫn liêm chính khoa học", ông Arief Anshory nói.
Ông Ahmad Alim Bahri, Hiệu trưởng ULM, thừa nhận trường cũng đặt mục tiêu trở thành 1 trong 20 đại học hàng đầu Indonesia vào năm 2025. "Việc 11 giáo sư bị thu hồi chức danh không ngăn cản mục tiêu của nhà trường", ông nói.
Tương tự ở Thái Lan, 3 giảng viên của Đại học Khon Kaen, 2 giảng viên của Đại học Chiang Mai và 1 giảng viên của Học viện Hoàng gia Chulabhorn, cũng vướng cáo buộc mua bài nghiên cứu. Chia sẻ với Bangkok Post, ông Supachai Pathumnakul, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Sáng tạo Thái Lan, cho biết còn 8 giảng viên khác cũng đang bị điều tra.
Sự việc bắt nguồn từ tháng 8/2023, xuất hiện thông tin giảng viên Đại học Chiang Mai mua 30.000 baht/bài nghiên cứu (~22 triệu đồng). Đến đầu năm 2024, việc gian lận học thuật lại nổi lên khi có nhiều nhà nghiên cứu trẻ liên tục xuất bản bài báo khoa học đăng tạp chí.
Dưới sự chỉ đạo của bà Supamas Isarabhakdi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Sáng tạo Thái Lan, yêu cầu thành lập ủy ban điều tra do ông Supachai Pathumnakul làm chủ tịch. Kết quả điều tra sơ bộ phát hiện, có 109 giảng viên đến từ 33 đại học bị điều tra và 5 website cung cấp dịch vụ bán bài nghiên cứu khoa học.
Ông Supachai Pathumnakul cho biết, phần lớn người mua bài nghiên cứu đều là giảng viên các đại học công lập. Để tránh việc tương tự xảy ra, Bộ Giáo dục Thái Lan đã yêu cầu các đại học nộp toàn bộ dữ liệu của nghiên cứu sinh và học viên cao học cho cơ quan này xác minh.
Thắm Nguyễn