Sau khi Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) trung hữu, do Thủ tướng tương lai của Đức, Friedrich Merz, dẫn dầu, đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả, thỏa thuận dài 144 trang này sẽ được các đảng trong liên minh thông qua và tiến tới ký kết chính thức.
Quốc hội liên bang Đức (Bundestag) đã thông báo cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng, theo đề cử của Tổng thống liên bang, sẽ diễn ra vào ngày 6/5, mở ra một nhiệm kỳ chính phủ mới trong bối cảnh thế giới đang có nhiều bất ổn cả về địa chính trị và thương mại.
Phóng viên thường trú TTXVN tại CHLB Đức đã phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoàng Linh, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức, phụ trách nhóm ngoại giao kinh tế của Đại sứ quán, về vai trò dẫn dắt của Đức ở châu Âu trong đối phó với chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump và những thay đổi trong chính sách ngoại giao kinh tế của chính phủ mới của Đức.
Đức sẽ tiếp tục vai trò dẫn dắt châu Âu
Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoàng Linh, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức. Ảnh: Vũ Tùng/TTXVN
Giáo sư Đặng Hoàng Linh cho rằng: "Đức giữ vai trò trung tâm trong phản ứng chính sách ngoại thương của khối. Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức có tiếng nói có trọng lượng trong định hình phản ứng chung của Liên minh châu Âu (EU) đối với các chính sách thuế quan mang tính bảo hộ từ các đối tác lớn như Mỹ hay Trung Quốc. Với nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, đặc biệt trong các ngành công nghiệp then chốt như ô tô, máy móc, dược phẩm…, Đức đặc biệt nhạy cảm với bất ổn thương mại toàn cầu".
Đối mặt với đe dọa thuế quan từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump, Đức đã tích cực kêu gọi sự thống nhất nội khối nhằm đưa ra phản ứng chung.
Trong bối cảnh Mỹ đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu, ông Friedrich Merz đã kêu gọi các nước EU đoàn kết phản ứng thay vì tự xử lý riêng lẻ.
Ông Merz nhấn mạnh, nếu châu Âu phân hóa nội bộ thì sẽ yếu thế hơn khi đàm phán với các nền kinh tế lớn. Mặt khác, sự thống nhất sức mạnh sẽ khiến đối tác lớn như Mỹ cũng “phải cân nhắc lại chiến lược áp thuế”. Bên cạnh đó, Đức cũng tăng cường tham vấn với doanh nghiệp và các đối tác chiến lược. Trước nguy cơ từ chính sách thuế quan mới của Mỹ đối với xe điện, Đức đã tăng cường các cuộc đối thoại với các hiệp hội trong nước, như Liên đoàn Cơ khí Đức (VDMA) và Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), cũng như tham vấn với các nhà sản xuất lớn như tập đoàn ô tô Volkswagen, Mercedes-Benz để đưa ra phản ứng chính sách linh hoạt và sát thực tiễn. Đồng thời, Đức cũng tổ chức nhiều cuộc đối thoại cấp cao với các đối tác then chốt như Pháp, Hà Lan và Italy, nhằm định hình một lập trường chung toàn EU, tránh manh mún và chia rẽ trong phản ứng chính sách. Ngoài ra, theo Giáo sư Đặng Hoàng Linh, Đức cũng chủ động đề xuất thiết lập khu vực thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương. Ông Friedrich Merz mong muốn nối lại đàm phán Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) để tạo ra một khu vực thương mại tự do giữa EU và Mỹ. Các cuộc đàm phán TTIP vốn đã bắt đầu từ năm 2013 nhưng đến năm 2017, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Trump đã đình chỉ đàm phán hiệp định thương mại này và đi theo chính sách "Nước Mỹ là số một" của chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Ý tưởng thiết lập khu vực thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương phản ánh mong muốn xây dựng một khuôn khổ lâu dài, mang tính thể chế, thay vì xử lý vụ việc theo từng trường hợp, vốn dễ bị chi phối bởi yếu tố chính trị. Theo Giáo sư Đặng Hoàng Linh, tuy nhiên, Đức cũng phát tín hiệu rõ ràng về việc sẵn sàng “phản công nếu cần thiết”. Chính phủ Đức, bên cạnh đối thoại, cũng chuẩn bị các kịch bản đối phó nếu Mỹ thực thi áp thuế, bao gồm: Các biện pháp đối ứng về thuế; Hỗ trợ tài chính cho các ngành bị ảnh hưởng như ô tô điện; và Thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào Mỹ. Châu Âu cũng đang nắm trong tay con át chủ quan trọng trong đàm phán thuế quan với Mỹ là đánh thuế trả đũa đối với các dịch vụ kỹ thuật số của Mỹ như Google, Facebook, Netflix… Ngoài ra, Đức cũng ủng hộ các hành động tập thể của EU tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để phản bác chính sách thuế không phù hợp với quy định thương mại quốc tế. Chính sách ngoại giao kinh tế "đa trụ cột"Dự báo về những thay đổi trong chính sách ngoại giao kinh tế của chính phủ mới của Đức, Giáo sư Đặng Hoàng Linh cho rằng, Đức sẽ duy trì hướng tiếp cận “đa trụ cột” trong ngoại giao kinh tế. Theo thỏa thuận liên minh giữa CDU/CSU và SPD, chính phủ mới của Đức sẽ kế thừa tinh thần của Chính lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Đức từ năm 2020, với cam kết đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn như Trung Quốc. Theo đó, quan hệ với ASEAN sẽ được thúc đẩy và củng cố. Khu vực ASEAN - với dân số trên 680 triệu, GDP hơn 3,6 nghìn tỷ USD và là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU - được xem là trụ cột tăng trưởng, hợp tác trong giai đoạn tới. Trong hợp tác với ASEAN, chính phủ mới của Đức dự kiến sẽ thúc đẩy triển khai hiệu quả Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA), một thành tố quan trọng giúp bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư Đức tại Việt Nam thông qua Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư minh bạch; Quy định về đối xử công bằng, không phân biệt đối xử, và Cam kết bảo vệ nhà đầu tư trước các hành động mang tính quốc hữu hóa hoặc tước đoạt tài sản. Chính phủ Đức được kỳ vọng sẽ thúc đẩy Quốc hội Đức hoàn tất quá trình phê chuẩn EVIPA, đồng thời hỗ trợ thực thi hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, Đức sẽ tăng cường hợp tác kinh tế - công nghệ với các nước ASEAN khác. Dưới sự lãnh đạo của chính phủ mới, Đức có thể sẽ đề xuất các khuôn khổ hợp tác đầu tư song phương tương tự EVIPA với các nước ASEAN khác như Indonesia, Malaysia, Philippines, đồng thời đặt trọng tâm vào các lĩnh vực chiến lược như: Chuyển đổi năng lượng, thành phố thông minh, sản xuất xanh, đổi mới sáng tạo và logistics.
Ngoài các sáng kiến thương mại truyền thống, Đức dưới chính phủ mới sẽ mở rộng “ngoại giao khí hậu” thông qua: Hợp tác phát triển hydro xanh và công nghệ lưu trữ năng lượng tại ASEAN; Thúc đẩy thiết lập thị trường tín chỉ carbon khu vực dựa trên tiêu chuẩn minh bạch, có thể kết nối với thị trường EU; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số và năng lượng sạch thông qua chương trình hợp tác giáo dục nghề.
Trong các chính sách ngoại giao kinh tế, Đức hướng tới nâng cấp quan hệ với ASEAN nói chung và quan hệ song phương với từng nước thành viên nói riêng lên mức Đối tác Chiến lược, như mô hình Đối tác Chiến lược với Singapore đang được xem xét mở rộng sang các nước khác, và tiếp tục nâng cấp quan hệ với các nước Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Thông qua các cơ chế này, Đức sẽ đầu tư sâu hơn vào các chương trình hỗ trợ phát triển bền vững, chia sẻ công nghệ, và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Trong dài hạn, Đức có thể thúc đẩy việc thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện Đức–ASEAN, tương tự như khuôn khổ giữa EU và ASEAN.
Theo Giáo sư Đặng Hoàng Linh, trước nguy cơ lạm dụng thương mại như áp thuế chính trị, biện pháp phi thuế quan hay gián đoạn chuỗi cung ứng chiến lược, Đức được kỳ vọng sẽ khởi xướng một kênh tham vấn thường niên giữa EU và ASEAN về an ninh kinh tế. Cơ chế này giúp cảnh báo sớm, trao đổi kinh nghiệm và đưa ra phản ứng phối hợp khi cần thiết - đặc biệt trong các ngành nhạy cảm như dược phẩm, bán dẫn, năng lượng tái tạo.
Thu Hằng – Vũ Tùng/TTXVN