Giáo sư Gutman đến Paro Taktsang - một trong những địa điểm linh thiêng nhất ở Bhutan. Ảnh: Ron Gutman.
"Chùa khóa để mang lại hạnh phúc cho con người là gì?"
Đây là một trong những câu hỏi lớn nhất mà ông Ron Gutman đặt ra, và ông đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để tìm hiểu về chủ đề này.
Ông Gutman là giáo sư tại Đại học Stanford (Mỹ), đồng thời là một doanh nhân, một tác giả, diễn giả. Ông được biết đến với bài diễn thuyết nổi tiếng tại TED vào năm 2011, mang tên "Sức mạnh tiềm ẩn của nụ cười".
Trong hành trình tìm hiểu về hạnh phúc của con người, giáo sư quyết định tiến hành một số nghiên cứu thực tế. Theo đó, vào tháng 10/2024, ông thực hiện chuyến đi kéo dài 3 tuần đến Bhutan - quốc gia nằm ở khu vực Nam Á và được mệnh danh là một trong những nơi hạnh phúc bậc nhất thế giới.
Tại đây, giáo sư Đại học Stanford có cơ hội đi bộ qua những ngọn núi trên dãy Himalaya cùng các học giả, tăng lữ và người dân địa phương.
Thiên nhiên là điều thiêng liêng
Bhutan nằm giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc, nổi tiếng với việc luôn ưu tiên hạnh phúc của con người hơn là phát triển kinh tế.
Vào năm 1970, Quốc vương Bhutan thời đó là ông Jigme Singye Wangchuck đã nói rằng "Tổng hạnh phúc của một quốc gia quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội".
Định hướng độc đáo này của Bhutan cũng chính là lý do thôi thúc giáo sư Ron Gutman tìm hiểu về sự hạnh phúc tại đây.
"Tôi muốn tìm hiểu về sự hạnh phúc từ góc nhìn của người Bhutan. Tôi muốn đến đây và lắng nghe họ - những người đã được dạy về hạnh phúc từ thế hệ này qua thế hệ khác trong nhiều năm", giáo sư Gutman nói với CNBC.
Bhutan nằm ở dãy Himalaya nên phần lớn chuyến đi của giáo sư Stanford được dành cho việc leo núi. Nhiều lần, ông phải băng qua những cung đường ở độ cao 300-4.000 km.
Trong suốt chuyến đi, vị giáo sư được đắm chìm vào cảnh quan hùng vĩ ở đất nước này. Dù nổi tiếng với cảnh quan, Bhutan lại có "mức phát thải carbon âm" vì người dân rất coi trọng tính bền vững và việc bảo tồn môi trường.
Giáo sư Đại học Stanford cũng nhận ra rằng người dân Bhutan coi trọng, bảo vệ thiên nhiên vì thiên nhiên là điều thiêng liêng đối với họ.
"Bạn không thể chặt cây nếu không có một giấy phép đặt biệt", giáo sư chia sẻ, đồng thời cho biết nhiều người dân địa phương không chỉ coi cuộc sống gắn liền với thiên nhiên, mà cảm thấy rằng cuộc sống của họ xuất phát từ thiên nhiên.
3 tuần đến Bhutan giúp giáo sư Đại học Stanford hiểu hơn về sự hạnh phúc. Ảnh: Ron Gutman.
"Giản đơn" là chìa khóa của hạnh phúc
Sau chuyến đi Bhutan, giáo sư Gutman nhận ra rằng chìa khóa mang lại hạnh phúc cho con người là sự giản đơn.
Ông cũng nói thêm rằng càng nghiên cứu về hạnh phúc, ông càng hiểu hơn về nó và càng kết nối với chánh niệm.
Trong suốt chuyến đi, khi quan sát, trò chuyện cùng người dân địa phương và các tăng lữ, ông phát hiện ra hạnh phúc cũng gắn liền với chánh niệm và có thể tìm thấy trong thiên nhiên.
Giáo sư nhận định trong nền văn hóa hiện đại, chúng ta chú trọng với những điều diễn ra bên ngoài và khiến chúng ta trở thành "tù binh" của những điều đó. Nhưng thiên nhiên tạo ra điều ngược lại.
Ông Gutman gọi đó là "bản ngã trống rỗng". Ông học được rằng cũng giống như thiên nhiên bình lặng, ý thức con người cũng bình lặng như vậy. Cho dù bạn đang nằm trên bãi cỏ hay bên một hồ nước, hay đang vội vàng giữa những cuồng quay, thì việc bạn là ai, nhận thức của bạn thế nào, cũng sẽ không thay đổi.
"Thực ra, bên trong chúng ta vẫn luôn bình lặng và trống rỗng, chính thiên nhiên giúp chúng ta nhìn thấy và hiểu điều đó", giáo sư nói.
Thái An