Giáo sư Yann LeCun là một trong số các nhà khoa học hàng đầu thế giới sẽ tham gia tọa đàm "Triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) trong thực tế" diễn ra ngày 4/12 tại Hà Nội. Đây là phiên thảo luận thứ ba trong chuỗi tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống", thuộc Tuần lễ Khoa học công nghệ VinFuture 2024.
Ông hiện là Phó chủ tịch và Giám đốc Khoa học AI tại Meta, đồng thời là giáo sư tại Đại học New York, Mỹ.
Yann LeCun (sinh năm 1960 tại Paris - Pháp), là một trong những người đi đầu trong lĩnh vực học sâu và mạng nơ-ron tích chập (CNN). Nhà khoa học người Pháp này đã phát triển mô hình LeNet vào những năm 1990, mô hình CNN đầu tiên được sử dụng để nhận dạng chữ viết tay.
GS Yann LeCun.
Hiện CNN trở thành công cụ quan trọng trong lĩnh vực thị giác máy tính và xử lý hình ảnh, là nền tảng của nhiều sản phẩm và dịch vụ được triển khai bởi các công ty như Facebook, Google, Microsoft, Baidu, IBM, NEC, AT&T trong nhận dạng video, tài liệu, ảnh, giọng nói.
Ông cũng đề xuất mô hình Deep Q-Network (DQN) năm 2013. Đây là phương pháp sử dụng học sâu để huấn luyện hệ thống AI chơi các trò chơi video.
Giáo sư LeCun xuất bản hơn 200 bài báo về chủ đề này cũng như về nhận dạng chữ viết tay, nén hình ảnh và phần cứng chuyên dụng cho AI.
Năm 2018, GS LeCun cùng 2 nhà khoa học là Geoffrey Hinton và Yoshua Bengio nhận giải thưởng Turing - được ví như giải Nobel trong lĩnh vực Khoa học máy tính.
"AI có thể trả lời mọi câu hỏi và giúp chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Đến một ngày, AI có thể thông minh hơn con người. Nhưng chúng ta không nên bị đe dọa bởi điều đó, mà nên cảm thấy có cơ hội tận dụng AI để có cuộc sống tốt hơn. Hãy tưởng tượng bạn có một đội ngũ nhân viên thông minh là các công nghệ AI giúp bạn làm việc", GS LeCun lý giải.
GS Yann LeCun thể hiện sự lạc quan với tương lai của trí tuệ nhân tạo (Ảnh: Technology Review)Khác với phần đông các nhà nghiên cứu cùng lĩnh vực, GS LeCun giữ một thái độ rất lạc quan về tương lai của AI và tiềm năng của công nghệ này. "Tôi có niềm tin vào các tổ chức và viện nghiên cứu sẽ tối đa hóa lợi ích của công nghệ AI vào những điều tốt đẹp. Chúng ta cần phải tiếp tục phát triển AI thông minh hơn, vì AI càng thông minh sẽ càng an toàn", GS nói.
Hà Cường