Giao thẩm quyền cho xã nhằm thúc đẩy tinh thần 'gần dân, sát dân'

Giao thẩm quyền cho xã nhằm thúc đẩy tinh thần 'gần dân, sát dân'
9 giờ trướcBài gốc
Tin vào năng lực và thực tiễn điều hành của chính quyền xã
Theo ông Phạm Văn Hòa, tinh thần lớn nhất của Nghị định 151 là cụ thể hóa chủ trương phân quyền, phân cấp đã được quy định rõ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc trao thêm thẩm quyền cho cấp xã, trong đó có quản lý đất đai, là bước tiến đúng đắn để phát huy tính tự chủ, linh hoạt trong điều hành, nhất là trong bối cảnh các cấp cơ sở ngày càng được củng cố cả về nhân sự, bộ máy và kinh nghiệm thực tiễn.
“Tôi cho rằng Nghị định 151 là rất đúng theo tinh thần hướng dẫn quy luật tổ chức chính quyền địa phương. Cấp xã hiện nay có đủ năng lực, đủ điều kiện, trình độ để thực hiện các nhiệm vụ rất rõ ràng trong quản lý nhà nước,” ông Hòa khẳng định. Theo ông, chính quyền xã không còn là cấp yếu như trước kia. Thực tế cho thấy, nhiều công việc trước đây của cấp huyện đã và đang được giao cho xã xử lý từ quản lý nhân khẩu, ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến cưỡng chế thu hồi đất, giải quyết khiếu nại tố cáo, bồi thường, tái định cư…
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa khẳng định, cấp xã hiện nay có đủ năng lực, đủ điều kiện, trình độ để thực hiện các nhiệm vụ rất rõ ràng trong quản lý nhà nước.
Lý giải thêm về năng lực tổ chức thực hiện của cấp xã, ông Hòa cho biết, hiện nay tại nhiều địa phương, cán bộ lãnh đạo xã được điều động từ cấp huyện hoặc tỉnh xuống, phần lớn là những người đã có kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước. “Không hiếm trường hợp Chủ tịch hay Bí thư xã từng là Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch huyện. Họ rất quen việc, nắm rõ quy trình, thủ tục, nên việc tiếp nhận nhiệm vụ mới là hoàn toàn có thể đảm đương,” ông nói.
Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức hành chính cấp xã hiện nay cũng đã được kiện toàn với đầy đủ các bộ phận chuyên môn như kinh tế, hạ tầng, đô thị, văn hóa – xã hội… Mỗi lĩnh vực đều có cán bộ chuyên trách, hỗ trợ Chủ tịch UBND xã thực hiện nhiệm vụ. “Chủ tịch xã hoàn toàn có thể ủy quyền cho trưởng các bộ phận chuyên môn, trực tiếp xử lý công việc. Sự phân công rõ ràng, minh bạch sẽ giúp công việc trôi chảy và hạn chế sai sót,” ông Hòa phân tích.
Không thể thiếu giám sát, đôn đốc từ cấp trên
Tuy tin tưởng vào năng lực chính quyền cấp xã, song ông Hòa cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, quyền lực càng lớn thì trách nhiệm càng cao, đặc biệt trong lĩnh vực phức tạp như đất đai nơi dễ phát sinh lợi ích nhóm, khiếu kiện kéo dài, tiêu cực. Do đó, sự giám sát, hỗ trợ từ cấp trên là điều kiện bắt buộc để đảm bảo cấp xã thực hiện đúng luật, đúng thẩm quyền và không lạm dụng quyền lực.
“Giao việc mà không giám sát thì dễ sinh chuyện. Nếu xã được giao quản lý mà cấp tỉnh không kiểm tra, hướng dẫn thường xuyên thì rất dễ dẫn tới chuyên quyền, lạm quyền, thậm chí là tiếp tay cho vi phạm,” ông Hòa cảnh báo. Ông cho rằng, các sở ngành cấp tỉnh cần có trách nhiệm đồng hành với cấp xã, hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn, tổ chức tập huấn định kỳ, đồng thời tiến hành kiểm tra đột xuất khi cần thiết.
Cùng với chính quyền đô thị hai cấp, Hà Nội đã triển khai Trung tâm Phục vụ hành chính công tại 30 chi nhánh và 126 xã, phường mới phục vụ người dân, doanh nghiệp (Ảnh: Đình Khương).
Ông cũng dẫn ví dụ cụ thể: nếu cấp xã tiếp công dân không nghiêm túc, giải quyết đơn thư khiếu nại không đến nơi đến chốn thì sẽ ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người dân, kéo theo khiếu kiện vượt cấp. “Phải thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở để cấp xã làm đúng, làm tròn trách nhiệm với dân. Nghị định 151 nói đến phân quyền, nhưng bản chất là để phục vụ dân tốt hơn, chứ không phải để trút trách nhiệm từ trên xuống,” ông nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi có nên giới hạn loại dự án, diện tích đất hoặc giá trị mà cấp xã được quyết định, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, cần có sự phân cấp rõ ràng và tuân thủ theo các quy định của luật đất đai, luật đầu tư, luật đấu thầu hiện hành. Những dự án lớn, có ảnh hưởng liên vùng, hoặc liên quan tới các loại đất đặc thù như đất rừng, đất công, đất lâm nghiệp… thì không nên để cấp xã tự quyết định.
“Quốc lộ thì tỉnh phải làm. Còn đường xã, đường liên thôn thì xã hoàn toàn có thể làm được. Tùy theo quy mô, tính chất mà phân quyền. Không thể ‘giao đại trà’ để rồi xảy ra chuyện không kiểm soát được,” ông lưu ý. Đồng thời, ông cho biết, hiện nhiều tỉnh đã có chủ trương thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp xã, có chức năng tương tự như ở cấp huyện. Các ban này sẽ giúp xã triển khai các dự án đầu tư quy mô nhỏ, hạ tầng dân sinh, giúp giảm áp lực cho Chủ tịch xã và tăng tính minh bạch trong tổ chức thực hiện.
Một trong những nguy cơ lớn nhất khi giao thẩm quyền về cấp xã là tình trạng lạm quyền, lợi dụng chức vụ để trục lợi. Ông Phạm Văn Hòa không né tránh thực tế này. Ông cho rằng, nếu không có kiểm tra thường xuyên, một số cán bộ xã có thể lợi dụng quyền hạn để gây khó dễ cho dân, thậm chí câu móc với các đối tượng xấu để sang nhượng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Người dân và doanh nghiệp được hướng dẫn tư vấn, kê khai tại các điểm phục vụ hành chính công Hà Nội (Ảnh: Đình Khương).
“Đặc biệt là đất rừng, đất công, đất lâm nghiệp… hiện nay rất phức tạp. Nếu giao cho xã quản lý mà không giám sát chặt thì rất dễ bị lạm dụng. Tôi thực sự lo ngại nếu cấp tỉnh không vào cuộc sát sao,” ông Hòa nói.
Ông cũng chỉ rõ: “Phân quyền là cần thiết, nhưng phải song hành với kiểm tra, giám sát. Nếu không, hệ quả là người dân mất niềm tin, còn tài sản công thì bị thất thoát. Đó là điều không ai mong muốn.”
Từ thực tiễn địa phương và kinh nghiệm giám sát tại Quốc hội, ông Phạm Văn Hòa kiến nghị một số vấn đề cốt lõi để việc phân cấp, phân quyền cho cấp xã, đặc biệt trong quản lý đất đai được thực hiện hiệu quả. Như phân quyền đúng mức, đúng người: Không nên cào bằng trong phân quyền. Cần có đánh giá năng lực thực tiễn của từng địa phương để phân cấp phù hợp. Những xã có đủ điều kiện, có kinh nghiệm quản lý có thể giao nhiều hơn. Những nơi còn yếu thì chỉ nên giao từng phần, đi kèm kiểm soát.
Tăng cường giám sát, kiểm tra: Cấp tỉnh không thể buông lỏng vai trò. Phải tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra chuyên đề định kỳ hoặc bất thường. Mọi dấu hiệu tiêu cực phải được xử lý nghiêm.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Cần tập huấn chuyên sâu về pháp luật đất đai, kỹ năng hành chính, đạo đức công vụ cho cán bộ cấp xã. Cán bộ xã không chỉ đủ chuyên môn mà phải có bản lĩnh, có tinh thần phục vụ dân, không vì quyền lợi cá nhân.
“Phân quyền là để phát huy tính chủ động, gần dân, sát dân. Nhưng cũng phải làm sao để dân không bị làm khó, không bị lạm quyền mà phải thực sự được phục vụ tốt hơn. Tôi đồng ý là phân cấp, phân quyền, ủy quyền nhưng đối với những vấn đề quan trọng, những vấn đề nhạy cảm thì cấp tỉnh phải đứng ra gánh vác,” ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Đình Khương
Nguồn PetroTimes : https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/giao-tham-quyen-cho-xa-nham-thuc-day-tinh-than-gan-dan-sat-dan-730098.html