Giao thông mở đường băng cho vùng đất Chín Rồng 'cất cánh'

Giao thông mở đường băng cho vùng đất Chín Rồng 'cất cánh'
3 giờ trướcBài gốc
Xác định được "nút thắt" trên, những năm gần đây, Chính phủ đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL, nhất là những công trình giao thông quy mô lớn. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm, giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ dành nguồn lực khoảng 96.000 tỷ đồng để tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo điều kiện giao thông thông suốt, thuận lợi giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL cũng như kết nối với TP.Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và với cả nước. Việc này nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của vùng ĐBSCL.
Theo Bộ GTVT, ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng. Trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.
Thi công dự án cầu Rạch Miễu 2 nối 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre
Trong tổng số 8 dự án đang triển khai, 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000km và 2 dự án cầu, đường bộ. Trong đó, 4 dự án cao tốc gồm: 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ; dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; dự án thành phần 1 Cao Lãnh - An Hữu có kế hoạch hoàn thành vào năm 2027, nhưng được tỉnh Đồng Tháp đăng ký rút ngắn tiến độ.
Với hàng loạt dự án, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang được đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng, từ đó hình thành "bộ xương sống huyết mạch" cho vùng, mở ra chặng đường phát triển…
Còn 2 dự án cầu, đường bộ: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (đường Hồ Chí Minh) theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội để nối thông đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng đến Đất Mũi Cà Mau và Dự án cầu Rạch Miễu 2. Trong khi đó, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; Dự án thành phần 2 Cao Lãnh - An Hữu (tỉnh Tiền Giang) và Dự án cầu Đại Ngãi (Ban Quản lý dự án 85) hoàn thành năm 2027.
Ông Trần Văn Lâu (Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng) cho biết, khi 3 dự án lớn gồm: Cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cảng biển nước sâu Trần Ðề và cầu Ðại Ngãi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo cơ hội thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống đường bộ ven biển, cảng biển và giao thông thủy, hệ thống các công trình dịch vụ - hậu cần nhằm giảm chi phí logistics, hỗ trợ hiệu quả cho việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản, tạo động lực cho vùng ĐBSCL cất cánh.
Công nhân làm việc trên công trường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Theo các chuyên gia, việc phát triển hạ tầng giao thông ở miền Tây, trong đó có các tuyến cao tốc sẽ giúp vận chuyển hàng hóa, con người, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, giúp nông dân thoát nghèo và làm giàu. Việc hoàn thiện hạ tầng cũng mở ra không gian phát triển mới, hình thành các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ; tạo việc làm để người dân được học tập, làm việc theo tinh thần "ly nông bất ly hương".
Hiện tại, giao thông ĐBSCL đã có bước phát triển đáng ghi nhận với nhiều dự án lớn đã hoàn thành. Tuy nhiên, để tiếp tục khơi thông "điểm nghẽn", hạ tầng giao thông ĐBSCL cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa trong giai đoạn tới để tăng tính liên kết giữa không gian kinh tế vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ và TPHCM. Tới đây, khi hàng loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc, cầu, cảng biển... được hoàn thành đầu tư sẽ tạo sự đồng bộ và mang lại cơ hội phát triển đột phá.
HIẾU ĐỨC
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/giao-thong-mo-duong-bang-cho-vung-dat-chin-rong-cat-canh_170482.html