Giao thông vận tải bền vững - chìa khóa cho phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương

Giao thông vận tải bền vững - chìa khóa cho phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương
2 giờ trướcBài gốc
Phát biểu tại phiên họp, bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc và Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) nhấn mạnh, tăng trưởng và phát triển kinh tế đang thúc đẩy nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa. Trong khi đó, lượng khí phát thải từ các hoạt động giao thông đang gia tăng và số ca tử vong do giao thông đường bộ, dù nhìn chung giảm, nhưng vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới một số nhóm xã hội nhất định.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc và Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana phát biểu tại phiên khai mạc. Ảnh: UNESCAP
Bà khẳng định: “An toàn Đường bộ vẫn là ưu tiên cấp bách và chúng ta phải tăng cường nỗ lực giảm một nửa số ca tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ vào năm 2030 theo các mục tiêu trong Thập kỷ hành động thứ hai vì An toàn đường bộ 2021-2030, trong bối cảnh một loạt các sự kiện đang diễn ra nhân Ngày tưởng nhớ nạn nhân giao thông đường bộ trên thế giới 17/11 và Ngày Giao thông bền vững thế giới 26/11”.
Theo các chuyên gia, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến những thay đổi mang tính chuyển đổi trong lĩnh vực giao thông vận tải, bao gồm việc áp dụng xe điện, di chuyển thông minh và số hóa hệ thống vận chuyển hàng hóa. Với các đường cao tốc, đường sắt, liên kết hàng hải và hệ thống giao thông thông minh tiên tiến, kết nối khu vực ngày càng trở nên thông suốt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao hiệu quả trong vận chuyển hàng hóa và con người. Tuy nhiên, khi nhu cầu phát thải tăng lên và quá trình đô thị hóa tăng tốc, những nỗ lực phối hợp là rất cần thiết để giảm thiểu tai nạn, cải thiện an toàn đường bộ và đảm bảo khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người.
Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Giao thông vận tải do Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) triệu tập tại thủ đô Bangkok, Thái Lan từ ngày 5-7/11/2024. Ảnh: UNESCAP
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về An toàn Đường bộ Jean Todt nhấn mạnh: “Tai nạn giao thông không phải là một sự kiện cá biệt. Chúng có tác động đến mọi khía cạnh của xã hội, bao gồm cả sức khỏe, kinh tế và sự phát triển bền vững. Trên toàn thế giới, mỗi năm có 1,19 triệu người chết do va chạm giao thông đường bộ, trong đó có tới 50 triệu người bị thương nặng. Đây không chỉ là số liệu thống kê mà còn là sự mất mát bi thảm về nhân mạng, sinh kế và tiềm năng con người”.
Phiên họp cũng đã xem xét tiến độ của Chương trình Hành động khu vực về Phát triển Giao thông bền vững (2022-2026), thảo luận những tiến bộ trong kết nối giao thông khu vực như mạng lưới đường cao tốc châu Á, đường sắt xuyên Á và cảng cạn, hay Chiến lược 2030 nhằm thúc đẩy số hóa đường sắt và kết nối hàng hải bền vững trong khu vực…
Trong báo cáo đưa ra tại phiên họp về “Phát triển giao thông vận tải ở Châu Á và Thái Bình Dương năm 2024: Chuyển đổi sang các giải pháp giao thông bền vững”, UNESCAP nhấn mạnh nhu cầu vận tải ngày càng tăng và cơ giới hóa nhanh chóng, với số lượng đăng ký phương tiện so với dân số trong khu vực tăng 64% trong thập kỷ qua và cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ mở rộng hơn 50% từ năm 2004 đến năm 2019.
Báo cáo cũng cho thấy những hậu quả đáng kể của tình trạng này như lượng khí thải CO2 trong giao thông vận tải tăng 34%, tỷ lệ tử vong trên đường bộ tăng đối với những người từ 65 tuổi trở lên, cũng như khoảng cách giới tính trong lực lượng lao động vận tải, trong đó phụ nữ chỉ chiếm 16% trong ngành.
Ngọc Diệp/VOV-Bangkok
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/giao-thong-van-tai-ben-vung-chia-khoa-cho-phat-trien-o-chau-a-thai-binh-duong-post1134150.vov