Buýt điện – động lực đô thị bền vững
Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một thành phố xanh, hiện đại và phát triển bền vững, trong đó giao thông công cộng đóng vai trò trung tâm. Vừa qua, Công ty Cổ phần Xe điện Hà Nội chính thức đưa vào khai thác tuyến buýt điện số 34 (Mỹ Đình – Gia Lâm) với 17 xe buýt điện đạt tiêu chuẩn mới, đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình chuyển đổi năng lượng sạch tại Thủ đô.
Tuyến buýt điện số 34 (Mỹ Đình – Gia Lâm) với 17 xe được đưa vào khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Theo ông Nguyễn Hữu Hồng – Giám đốc Công ty Cổ phần Xe điện Hà Nội - việc triển khai buýt điện không chỉ là bước đi chiến lược để hiện thực hóa lộ trình sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường, mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng cho người dân Thủ đô.
“Việc đưa buýt điện vào vận hành giúp giảm đáng kể khí thải nhà kính, qua đó góp phần kiểm soát ô nhiễm không khí – vấn đề ngày càng nhức nhối tại các đô thị lớn,” ông Hồng chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở tuyến số 34, cùng thời điểm, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cũng khai trương ba tuyến buýt điện mới gồm số 05, 39 và 47 với tổng cộng 46 phương tiện đưa vào hoạt động. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã có tổng cộng 14 tuyến xe buýt điện với hơn 200 xe vận hành thường xuyên.
Giao thông xanh không còn là viễn cảnh
Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các tuyến buýt điện không chỉ làm thay đổi diện mạo hệ thống giao thông công cộng mà còn thay đổi thói quen của người dân. Chị Lê Mai (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) – một nhân viên văn phòng thường xuyên di chuyển bằng xe buýt, cho biết: “Xe điện chạy rất êm, không có mùi xăng dầu, không khí trong lành hơn hẳn. Tôi mong thành phố mở thêm các tuyến mới về các khu vực ngoại thành để người dân có thêm lựa chọn.”
Cùng quan điểm, anh Trần Minh Tuấn – một phụ huynh có con học tiểu học tại Ba Đình, chia sẻ: “Tôi đưa đón con đi học bằng buýt điện mỗi ngày. Xe sạch, mát, tài xế thân thiện. Đây là phương tiện lý tưởng cho trẻ em, người già và những ai muốn giảm sử dụng xe cá nhân.”
Với tầm nhìn dài hạn, Hà Nội đang thể hiện quyết tâm lớn trong chuyển đổi sang giao thông xanh. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, toàn bộ xe buýt trên địa bàn thành phố sẽ được thay thế bằng phương tiện sử dụng điện hoặc nhiên liệu sạch, nhằm cải thiện chất lượng không khí và giảm phát thải đô thị.
Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ chuyển đổi 100% xe buýt sử dụng năng lượng sạch. (Ảnh: Thanh Trà)
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội – ông Nguyễn Mạnh Quyền – đã yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh, phấn đấu hoàn thành cơ bản trước năm 2030.
“Song song đó, việc xây dựng và ban hành khung đơn giá, định mức cho các dòng xe buýt điện cỡ nhỏ và trung bình cần được triển khai khẩn trương, làm cơ sở pháp lý và tài chính cho kế hoạch đầu tư mở rộng phương tiện xanh trong thời gian tới,” ông Quyền chỉ đạo.
Lộ trình chuyển đổi này dự kiến cần khoảng 48.625 tỷ đồng để triển khai, trong đó hơn 35.000 tỷ đồng được trích từ ngân sách Nhà nước, phần còn lại huy động từ khối doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, thành phố sẽ xây dựng hệ thống trạm sạc điện đồng bộ, cùng việc điều chỉnh tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ để tăng sức hấp dẫn cho xe buýt điện trong mắt người dùng.
Tại các thành phố lớn lớn khác, Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, 50% phương tiện giao thông sẽ là xe điện, và đến năm 2050, toàn bộ phương tiện giao thông sẽ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh. Quá trình này dự kiến giúp Việt Nam giảm được 5,3 triệu tấn CO₂ vào năm 2030 (chiếm 8% mục tiêu giảm phát thải quốc gia) và 226 triệu tấn CO₂ vào năm 2050 (tương đương 60% mục tiêu).
Thanh Trà