Giáo viên băn khoăn việc đăng ký kinh doanh để tổ chức dạy thêm

Giáo viên băn khoăn việc đăng ký kinh doanh để tổ chức dạy thêm
9 giờ trướcBài gốc
Điều 6 Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm nêu tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đáp ứng các điều kiện, trong đó đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Học sinh đến lớp học thêm tại một trung tâm ở TP Thủ Đức. Ảnh: HẢI NHI
Giáo viên trăn trở việc đăng ký kinh doanh
Trước thời điểm Thông tư 29 có hiệu lực, những ngày này cô KV, ở quận 3, TP.HCM chạy đôn chạy đáo tìm hiểu việc đăng ký kinh doanh theo quy định để tránh vi phạm.
Trước giờ, cô V tự tổ chức dạy tại nhà, chưa có giấy phép.
“Điều này có thể hiểu, tôi đang dạy chui. Do đó, nếu chiếu theo Thông tư 29, tôi đang làm trái quy định” - cô V nói.
“Theo tôi được biết, giáo viên công lập không được tự đăng ký kinh doanh để tổ chức dạy thêm. Do đó, tôi đã nhờ mẹ tôi đứng ra đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp. Như vậy, mẹ tôi sẽ là giám đốc còn tôi trở thành nhân viên làm thuê. Là giáo viên, tôi không rành mấy thủ tục này. Cho nên, tôi đã nhờ phía dịch vụ nghiên cứu và đăng ký dùm. Tôi hy vọng sẽ kịp trước khi Thông tư 29 có hiệu lực” - cô V nói.
Là một giáo viên giỏi nên lượng học sinh tìm đến cô V rất đông. Do đó, so với các giáo viên khác, số học sinh chính khóa theo học chỉ chiếm khoảng 40%. “Theo quy định, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường không được thu tiền học sinh đang dạy trên lớp. Tôi đang lăn tăn không biết giải quyết ra sao với các em này. Giờ cho các em nghỉ cũng khó cho các em, mà tôi dạy miễn phí thì cũng khó cho tôi” - cô V tâm tư.
Từ trước đến nay, thầy Tuấn ở Bình Dương thuê địa điểm để dạy thêm môn Văn ngoài nhà trường. Trước quy định mới về dạy thêm, thầy đang nghe ngóng tình hình.
“Tôi đang đợi hướng dẫn từ cấp trên để có thể dạy thêm hợp pháp. Việc đăng ký kinh doanh cũng là vấn đề mà tôi quan tâm lúc này. Tôi chưa biết có được đăng ký kinh doanh không?” - thầy Tuấn đặt câu hỏi.
Trò chuyện với PV, hiệu trưởng một Trường THCS tại quận trung tâm của TP.HCM cho biết vừa nhận thông tin giáo viên trong trường đã quyết định tạm nghỉ dạy thêm ngoài nhà trường.
“Biết thông tin này, tôi không biết nên vui hay nên buồn” - vị này nói.
Cũng theo vị trên, tại trường, số giáo viên mở lớp dạy tại nhà hoặc thuê địa điểm để dạy rất nhiều. Đa phần họ dạy tự phát. Vì thế, khi Thông tư 29 ban hành, điều này là trái quy định.
“Họ nắm rất rõ quy định. Họ không muốn làm trái nhưng chưa biết phải làm gì tiếp theo. Hướng đăng ký kinh doanh được giáo viên quan tâm hơn nhưng đa phần còn lúng túng. Vì thế, họ cần một hướng dẫn cụ thể về vấn đề này” - vị này nói.
Giáo viên nào được đăng ký kinh doanh để tổ chức dạy thêm?
Phụ huynh chờ đón con tại một trung tâm dạy thêm ở TP Thủ Đức. Ảnh: HẢI NHI
Khoản 3, Điều 4 Thông tư 29 quy định giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định giáo viên công lập không được tự đăng ký kinh doanh để tổ chức dạy thêm tại nhà.
Hiện Sở GD&ĐT TP.HCM đang tham mưu UBND TP.HCM để sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh thì phải đăng ký kinh doanh theo quy định. Như vậy, cá nhân không phải là giáo viên trong biên chế của các trường công lập có thể đăng ký kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm.
Điều này đồng nghĩa, giáo viên các trường ngoài công lập, giáo viên tự do có thể đăng ký kinh doanh để tổ chức dạy thêm.
Về việc đăng ký kinh doanh trong trường hợp này, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thể đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định 01/2021. Theo đó, việc đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm: Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh…
Theo Nghị định 122/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, trường hợp dạy thêm có thu tiền ngoài nhà trường nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh sẽ bị phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Trường hợp phải đăng ký thành lập công ty nhưng không thực hiện đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng...
NGUYỄN QUYÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/giao-vien-ban-khoan-viec-dang-ky-kinh-doanh-de-to-chuc-day-them-post833782.html