Nhà trường, giáo viên chủ động, nhưng cần hướng dẫn rõ ràng
Ngay sau khi thực hiện sáp nhập, nhiều tỉnh, thành phố đã xuất hiện những địa danh mới, hoặc thay đổi ranh giới, dẫn đến việc hàng loạt nội dung trong sách giáo khoa (SGK) trở nên không còn phù hợp. Trên cơ sở rà soát, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xác định một số môn học chịu tác động trực tiếp gồm: Lịch sử - Địa lý lớp 4, 5, 8, 9; Địa lý lớp 12; Lịch sử lớp 10; và Giáo dục kinh tế - pháp luật lớp 10.
Những thay đổi này không chỉ đơn giản là việc thay tên một đơn vị hành chính. Chúng còn liên quan đến các bản đồ, biểu đồ, số liệu và thông tin kinh tế - xã hội được trình bày trong sách. Một ví dụ điển hình là trong SGK Lịch sử - Địa lý lớp 8 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), trang 99 có nội dung: “động Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình cũ)”. Cách ghi như vậy không còn chính xác sau khi sáp nhập, vì tỉnh Quảng Bình không còn tồn tại với tên gọi trước đó.
Nếu cập nhật được thực hiện trong dịp hè, thì thầy cô sẽ bước vào năm học mới với tâm thế chủ động hơn
Tại một trường chuyên thuộc địa bàn tỉnh mới sáp nhập từ Hà Nam và Ninh Bình, cô Nguyễn Thị Bích Hằng, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Biên Hòa - Hà Nam cho biết: “Việc sáp nhập hành chính chắc chắn ảnh hưởng đến nội dung môn học, đặc biệt là phần liên quan đến địa phương. Dù chưa có văn bản chính thức từ Sở GD-ĐT, nhưng Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn rà soát các môn có thể bị tác động như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế - pháp luật và giáo dục địa phương".
Cô Bích Hằng dẫn chứng cụ thể: “Ở phường Lam Hạ (TP. Phủ Lý) có đền thờ 10 cô gái Lam Hạ - một di tích lịch sử nổi tiếng. Tuy nhiên sau sáp nhập, phường Lam Hạ không còn, địa danh này trở thành một phần của phường Hà Nam. Nếu không được giảng giải rõ ràng, học sinh sẽ hiểu sai bản chất và bối cảnh lịch sử”.
Theo cô, trách nhiệm của giáo viên là cập nhật thông tin để truyền đạt đúng cho học sinh. Tuy nhiên, để thực hiện điều này hiệu quả, cô mong Bộ GD-ĐT cùng các nhà xuất bản có hướng dẫn chính thức càng sớm càng tốt để thầy cô có thời gian tập huấn, chuẩn bị tài liệu, và giảng dạy chính xác.
Cũng từ thực tiễn giảng dạy, cô Hằng đề xuất phương án hiệu quả: “Với những thay đổi nhỏ như tên địa phương, không cần in lại toàn bộ sách. Chỉ cần có văn bản đính chính chính thức, hoặc tài liệu số gửi kèm là đủ”.
Bà Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Ninh Bình) cũng cho biết giáo viên trong trường cảm thấy lúng túng với các ngữ liệu không còn phù hợp trong SGK. “Nếu cập nhật được thực hiện trong dịp hè, thì thầy cô sẽ bước vào năm học mới với tâm thế chủ động hơn,” bà nói.
Từ góc nhìn quản lý, bà Hợi kiến nghị nên tích hợp nội dung giáo dục địa phương vào các môn học liên quan thay vì in SGK riêng, vừa linh hoạt, vừa tiết kiệm cho phụ huynh.
Một giáo viên dạy Lịch sử tại Trường THPT Bình Yên (Thái Nguyên), dẫn chứng: “Trước đây, đồi Khau Tý thuộc xã Điềm Mặc, nay là xã Phú Đình. Nếu SGK không cập nhật, học sinh sẽ rất dễ hiểu sai khi làm bài kiểm tra hoặc thi tốt nghiệp. Vì vậy, việc cập nhật cần diễn ra trước thềm năm học mới để giáo viên dạy đúng, học sinh học đúng.
Chỉ cần chú thích rõ, sát thực tế
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định: “Về mặt học thuật, việc sáp nhập hành chính không ảnh hưởng đến bản chất nội dung lịch sử trong sách giáo khoa. Lịch sử là những gì đã xảy ra trong quá khứ. Cho dù ngày nay địa danh đó không còn, thì giá trị lịch sử vẫn nguyên vẹn.”
Ông cho rằng, thay vì in lại toàn bộ SGK, chỉ cần chú thích rõ phần địa danh đã thay đổi để người học nắm được. “Giáo viên có thể nhấn mạnh khi giảng bài. Nếu cần thiết thì thực hiện chỉnh sửa khi tái bản lần sau. Không cần gây xáo trộn quá nhiều,” ông Giang nói.
Ông cũng khẳng định rằng việc thay đổi tên gọi hành chính không làm lu mờ bản sắc văn hóa - lịch sử vùng đất. Từ góc nhìn sử học, điều quan trọng là học sinh hiểu bản chất sự kiện, không lệ thuộc vào tên gọi hiện hành.
Rà soát tài liệu và điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp với tình hình thực tế
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ ,Tổng Chủ biên SGK Lịch sử và Địa lý cấp Tiểu học và THCS, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” cũng cho rằng, trước mắt là Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành hướng dẫn để giáo viên chủ động cập nhật, bổ sung kiến thức trong quá trình giảng dạy. Bộ cần chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp với các tác giả SGK để điều chỉnh nội dung, đảm bảo tính chính xác cho năm học tới.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần chủ động rà soát tài liệu và điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp với tình hình thực tế, kết hợp với sự chỉ đạo từ Bộ để đảm bảo chất lượng giáo dục, không nhất thiết phải chờ in lại SGK.
Ở góc độ xuất bản, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam – PGS.TS Nguyễn Văn Tùng cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành rà soát tất cả các bộ sách, tập trung vào kiến thức, bản đồ, số liệu, địa danh… đảm bảo phù hợp với địa giới hành chính mới sau sáp nhập”.
Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành điều chỉnh chương trình một số môn học (ngày 14/6/2025), các nhà xuất bản sẽ dựa vào đó để sửa sách, trình thẩm định và phát hành theo đúng quy trình pháp lý. Nguyên tắc đặt ra là chỉ điều chỉnh những gì thật sự cần thiết, hạn chế thay đổi không rõ lý do, nhằm đảm bảo sự ổn định của chương trình.
Bộ sách Cánh Diều do Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) phụ trách cũng đang khẩn trương rà soát. Ông Đoàn Văn Ninh , Phó Tổng Giám đốc VEPIC chia sẻ: “Chúng tôi đang huy động chủ biên, tác giả, họa sĩ, biên tập viên để làm việc nghiêm túc. Không chỉ là đổi tên địa phương, mà còn phải đảm bảo tính chính xác khoa học, hình ảnh sư phạm và ngôn ngữ rõ ràng”.
Ngoài SGK bản in, VEPIC cũng triển khai tích hợp nội dung cập nhật vào tài liệu số để giáo viên - học sinh sử dụng linh hoạt hơn trong quá trình dạy và học.
Trong thời gian chờ đợi, Bộ GD-ĐT yêu cầu các nhà trường tiếp tục sử dụng SGK hiện hành, đồng thời giao cho giáo viên điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với thực tế tại địa phương dưới sự hướng dẫn từ cơ quan chuyên môn.
Việc sáp nhập địa giới hành chính không chỉ là thay đổi trên bản đồ, mà còn ảnh hưởng rõ rệt đến nội dung giáo dục trong nhà trường, đặc biệt với các môn học mang tính địa phương. Nhà trường và giáo viên đã chủ động rà soát, chuẩn bị kỹ càng, nhưng để đảm bảo thống nhất và hiệu quả, việc ban hành hướng dẫn chính thức từ Bộ GD-ĐT cùng động thái kịp thời từ các nhà xuất bản là yếu tố then chốt.
Điều chỉnh đúng lúc sẽ giúp thầy cô yên tâm giảng dạy và học sinh tiếp cận kiến thức chính xác, không bị xáo trộn khi bước vào năm học mới.
Thu Hằng/VOV.VN