Theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, hiên nay có 2 hoạt động dạy học trong nhà trường là dạy chính khóa và dạy thêm. Trước đây, chỉ có dạy ngoài giờ dạy chính khóa mới gọi là dạy thêm, còn các hoạt động khác được gọi với nhiều tên khác nhau như dạy phụ đạo học sinh yếu kém, dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy ôn thi tốt nghiệp, dạy ôn thi tuyển sinh, dạy tăng cường, dạy tăng tiết, dạy trái buổi… Tất cả các hoạt động đó, theo Thông tư 29 đều được gom chung lại, gọi là "dạy thêm".
Hoạt động dạy thêm lại chia thành: dạy thêm trong nhà trường và dạy thêm ngoài nhà trường. Điểm khác nhau cơ bản giữa 2 hoạt động này là: dạy thêm trong nhà trường, giáo viên có thể dạy học sinh chính khóa, không có thu tiền của người học; dạy thêm ngoài nhà trường, không được dạy thêm học sinh của mình đang dạy trên lớp và có thu tiền của người học.
Như vậy, dạy thêm trong nhà trường có cơ quan chủ quản quản lý là Ban giám hiệu nhà trường, còn dạy thêm bên ngoài thì cơ quan nào quản lý?
Hoạt động dạy thêm bên ngoài nhà trường đã từng gây nhức nhối trong xã hội
Theo Thông tư 29, tại Điều 6 quy định đối tượng được dạy thêm bên ngoài nhà trường bao gồm tất cả học sinh, từ học sinh trong trường hay khác trường, học sinh đạt yêu cầu hay không đạt yêu cầu; ngoại trừ học sinh mà giáo viên đang trực tiếp dạy trên lớp.
Giáo viên dạy thêm bên ngoài nhà trường khác với trước đây là chỉ được đăng ký dạy tại các cơ sở dạy thêm, trung tâm dạy thêm có giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, giáo viên dạy thêm bên ngoài nhà trường cũng phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.
Mới đây, một sự kiện gây bất an trong dư luận xã hội. Một giáo viên dạy môn Sinh nhận dạy kèm môn Ngữ văn cho học sinh thi lại với giá thỏa thuận là 7 triệu đồng. Giáo viên này bị kỷ luật với lý do lấy giá dạy thêm không hợp lý, làm ảnh hưởng đến uy tín của tập thể sư phạm nhà trường, đồng nghiệp và của cá nhân giáo viên, dù mức phí này đã được thỏa thuận giữa giáo viên và cha mẹ học sinh.
Giáo viên bị xử lý kỷ luật mới chỉ nhìn từ góc độ thu phí quá cao so với phí mặt bằng chung của trường là 1-2 triệu mà chưa nhìn từ góc độ thứ hai, đó là năng lực chuyên môn đã phù hợp với môn dạy kèm chưa. Giáo viên dạy Sinh nhận dạy kèm môn Ngữ văn là một việc quá liều lĩnh, thiếu đạo đức cũng có thể nói là quá tàn nhẫn với học sinh. Phải chăng giáo viên nhận tiền cao, ngoài công giảng dạy còn có công "tác động" nào khác nữa.
Thông tư có quy định giáo viên "có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm" là hoàn toàn hợp lý vừa làm cơ sở để quản lý hành chính vừa làm cơ sở để quản lý "lương tâm" của mỗi nhà giáo.
Vì thế, nếu giáo viên tham gia dạy thêm bên ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng về môn dạy, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm. Hiệu trưởng chỉ có quyền ghi nhận sự kiện của giáo viên, không có quyền cho phép giáo viên mình đang quản lý dạy thêm ngoài nhà trường, lại càng không được làm ngơ để giáo viên đem học sinh đang dạy chính khóa ra ngoài dạy thêm.
Cũng theo Điều 6, cơ sở đăng ký kinh doanh dạy thêm phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm cụ thể; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm. Như vậy, cơ sở dạy thêm chỉ được tổ chức dạy thêm khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Có như vậy, mới kiểm soát và minh bạch hoạt động dạy thêm, học thêm gây nhức nhối trong xã hội bấy lâu nay.
Dạy thêm bên ngoài nhà trường cần được tổ chức theo đúng Luật kinh doanh
Trước đây, theo Thông tư 17, tổ chức hay cá nhân giáo viên mở cơ sở dạy thêm học thêm thì lập hồ sơ theo quy định và gửi đề nghị cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
Trong đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo (nếu được chủ tịch ủy ban nhân cấp tỉnh ủy quyền) cấp giấy phép tổ chức dạy thêm cho học sinh trung học phổ thông; Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo (nếu được chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền) cấp giấy phép tổ chức dạy thêm cho học sinh trung học cơ sở.
Hiện nay, theo Điều 4 Thông tư 29, cấm giáo viên dạy ở các trường công lập tham gia quản lý, điều hành cơ sở dạy thêm bên ngoài nhà trường; giáo viên chỉ có thể tham gia dạy thêm tại các cơ sở dạy thêm. Điều cấm này nhằm chống việc giáo viên cắt giảm kiến thức trên lớp để kéo học sinh của mình ra ngoài dạy thêm.
Đồng thời, nội dung cấm này cũng phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2020. Theo khoản 2, Điều 17 thì viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, chỉ được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Thông tư đã khẳng định quan điểm rõ ràng rằng, đối với những giáo viên không dạy trong trường công lập muốn đăng ký dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Tại Điều 87, quy định "Đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh". Người đăng ký doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Đăng ký kinh doanh tổ chức dạy thêm học thêm thể hiện "văn hóa dạy thêm học thêm"
Trước quy định mới này, một số giáo vui vui mừng vì nhận thấy hạn chế được tối đa tiêu cực trong việc dạy thêm học thêm. Nhưng giáo viên cũng cảm thấy bối rối với quy định mới này. Theo quan điểm của người viết, thông tư dạy thêm học thêm được sự quan tâm của xã hội, tư vấn của rất nhiều chuyên gia nên có thể khẳng định đăng ký kinh doanh dạy thêm là một hoạt động đúng theo tinh thần pháp luật.
Lâu nay, giáo viên chưa bao giờ xem việc dạy thêm là hoạt động kinh doanh, thì nay có thể phải xem đây là hoạt động kinh doanh. Mà đã là hoạt động kinh doanh thì mọi thứ thật tường minh như những hoạt động khác. Trước đây, việc thu học phí của người học thêm không rõ ràng, dù cho có sự thỏa thuận giữa người dạy và người học, thì nay việc thu học phí phải theo giá niêm yết như mọi dịch vụ kinh doanh khác.
Có thể thấy, giáo viên dạy thêm trong nhà trường, thì nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để chi trả cho giáo viên. Nếu giáo viên dạy thêm tại các cơ sở dạy thêm có thu tiền của người học thì việc thu, chi phải theo đúng quy định của pháp luật về tài chính. Điều đó đồng nghĩa với việc giáo viên dạy thêm ở các cơ sở dạy thêm hợp pháp thì phải đóng thuế theo quy định của pháp luật.
Điều đáng nói hơn, giáo viên được an tâm dạy thêm một cách hợp pháp, có nguồn thu nhập chính đáng, không lo sợ vi phạm pháp luật như trước đây. Giáo viên hãy tự nhủ rằng, mình đã làm đúng pháp luật, có nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách nhà nước, từ đó có trách nhiệm hơn với học sinh đăng ký học thêm. Đó cũng là một sự cạnh tranh công bằng trong hoạt động kinh doanh.
Trần Văn Tâm