Giáo viên đừng quá so đo khiến quyền lợi học tập của học sinh bị ảnh hưởng

Giáo viên đừng quá so đo khiến quyền lợi học tập của học sinh bị ảnh hưởng
5 giờ trướcBài gốc
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ giáo viên và phụ huynh do một số quy định mới.
Cụ thể, thông tư quy định giáo viên không được dạy thêm thu tiền với học sinh chính khóa đang học tại trường, nhằm giảm áp lực tài chính cho phụ huynh và tránh tình trạng ép buộc học sinh học thêm.
Dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho ba đối tượng: học sinh có kết quả học tập chưa đạt, học sinh được chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện ôn thi tuyển sinh, tốt nghiệp. Việc chi trả tiền được lấy từ ngân sách nhà nước.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đang tới gần, học sinh cần được ôn luyện bài bản để đạt mục tiêu và nguyện vọng tuyển sinh đại học.
Tuy nhiên, đến thời điểm này các nhà trường vẫn chưa có phương án cụ thể. Nhiều thông tin cho thấy, các nhà trường đã dừng việc dạy thêm học thêm trong nhà trường đợi hướng dẫn cụ thể.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, một giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, những nội dung trong Thông tư 29 là rất nhân văn, điều này có lợi cho giáo viên và học sinh.
Tuy nhiên, nếu áp dụng ngay trong năm học này sẽ rất khó. Bởi, các trường và sở cần lên kế hoạch cụ thể và tỉnh cũng cần có thời gian để bố trí ngân sách phục vụ cho việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
“Không thể chuẩn bị kịp trong thời gian ngắn khi áp dụng Thông tư 29 trong năm học 2024- 2025. Đặc biệt đối với những học sinh cuối cấp. Các em cần được ôn luyện chuẩn, chỉnh để tham gia kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Nếu các trường dừng dạy thêm sẽ gây thiệt thòi cho các em” – vị này chia sẻ.
Có thể nhận thấy, dạy thêm học thêm là nhu cầu. Bên cạnh tiêu cực thì dạy thêm học thêm cũng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, để tránh tình trạng ép học thêm, hoặc đi học thêm để vừa lòng giáo viên làm mất thời gian lại tốn kém tiền bạc của phụ huynh nên việc siết dạy thêm là điều cần thiết phải thực hiện.
Hiện, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, nhiều học sinh, phụ huynh bày tỏ sự bối rối vì thầy cô dừng việc dạy thêm. Các em băn khoăn nếu không được học thêm thì mục tiêu thi cử của các em cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nếu dạy thêm không được thu tiền thì nhiều giáo viên lại không mặn mà dạy.
Bài toán hiện nay, làm sao để giáo viên yên tâm dạy thêm mà không sợ bị mất quyền lợi. Học sinh được học thêm để củng cố kiến thức phục vụ cho mục tiêu thi cử, tuyển sinh. Để ổn định việc dạy và học tránh xáo trộn ảnh hưởng đến tâm lý thi cử của học sinh đặc biệt học sinh cuối cấp, các nhà trường và ngành giáo dục cần có những hướng dẫn cụ thể hơn và sáng tạo hơn trong việc áp dụng quy định mới.
Về phía giáo viên, cũng cần có những góc nhìn nhân văn, tất cả vì học sinh thân yêu. Chính sách tốt cần thời gian mới đi vào thực tiễn. Trong khi đó, quyền lợi của học sinh của mình là điều trước mắt. Không nên vì so đo, tính toán quá nhiều mà lỡ mất cơ hội của học sinh của mình.
Nhiều chuyên gia khẳng định, quy định mới về dạy thêm và học thêm khi được thực hiện một cách bài bản sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực trong giáo dục, cả thầy và trò đều hưởng lợi. Nhưng để đạt được điều đó không thể vội vàng mà cần có thời gian.
Trinh Phúc
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/giao-vien-dung-qua-so-do-khien-quyen-loi-hoc-tap-cua-hoc-sinh-bi-anh-huong-post333090.html