Giáo viên, học sinh 'chạy nước rút' trước kỳ thi vào lớp 10 năm 2025

Giáo viên, học sinh 'chạy nước rút' trước kỳ thi vào lớp 10 năm 2025
21 giờ trướcBài gốc
Thay đổi trong cách ra đề và tính điểm
Một trong những điểm được Sở GD-ĐT Hà Nội đặc biệt lưu ý với học sinh lớp 9 năm nay là với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 (kỳ thi đầu tiên triển khai theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018), học sinh sẽ phải làm quen với nhiều thay đổi trong cách ra đề thi. Đặc biệt, với môn Ngữ văn đề thi có thể sử dụng ngữ liệu không có trong sách giáo khoa. Theo ông Trần Đăng Nghĩa - Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội, ngoài các tác phẩm trong sách giáo khoa, học sinh nên đọc thêm tài liệu chính thống, tuyển tập tác phẩm của nhiều tác giả uy tín để mở rộng vốn từ, cảm xúc… Học sinh cần lưu ý, ví dụ đề minh họa môn Ngữ văn là thơ (hoặc đoạn văn) không có nghĩa là đề thi chính thức cũng sẽ là thơ (hoặc đoạn văn)...
Hơn 100.000 học sinh Hà Nội đang vào giai đoạn nước rút cho kỳ thi lớp 10 THPT công lập 2025
Bên cạnh đó, kỳ thi năm nay cũng có cách tính điểm thay đổi, cụ thể là điểm xét tuyển vào lớp 10 được tính bằng tổng điểm của 3 bài thi theo thang điểm 10, không nhân hệ số. Cách tính điểm này đòi hỏi học sinh học đều các môn, không đặt nặng hoặc coi nhẹ môn nào hơn môn nào. Để đảm bảo chất lượng dạy và học cho học sinh lớp 9 trước áp lực kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường ưu tiên phân công phù hợp cho giáo viên dạy cuối cấp để có thời gian hỗ trợ tối đa cho học sinh ôn tập thi tuyển vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT; khuyến khích giáo viên khai thác, sử dụng các phần mềm, website ôn luyện để cung cấp tài liệu ôn tập, kiểm tra, đánh giá trực tuyến, quản lý việc ôn tập của học sinh. Các trường rà soát, phân loại trình độ học sinh để có phương án tổ chức ôn tập, bồi dưỡng; tạo điều kiện để học sinh học tập theo nhóm; học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp học sinh còn gặp khó khăn trong học tập bổ sung kiến thức, kỹ năng cơ bản; tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; tổ chức ôn tập tràn lan, không đúng đối tượng, không hiệu quả, gây lãng phí.
Học sinh cần lưu ý những thay đổi trong cách ra đề và tính điểm của kỳ thi năm nay
Thầy cô ôn tập miễn phí cho học sinh lớp 9
Cứ 2 ngày/tuần, từ 17 - 19h, cô H, giáo viên lớp 9 trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) lại bắt đầu vào ca bổ trợ miễn phí cho những học sinh yếu. Giáo viên này chia sẻ, với quy định hiện nay, các em chỉ có 6 tiết Toán/tuần để vừa hoàn thành kiến thức theo chương trình, vừa ôn tập. Thời lượng dạy và học như vậy không đủ khi mỗi lớp có hơn 40 học sinh với nhiều trình độ học tập khác nhau. “Để học sinh phải ra các trung tâm tìm lớp học thêm vào thời điểm này sẽ rất khó cho các em do giáo viên ở đó chưa nắm bắt được năng lực, điểm mạnh, điểm yếu của học sinh. Hiện các giáo viên chúng tôi phải chia học sinh theo nhóm trình độ để theo dõi, hỗ trợ. Đặc biệt với nhóm học sinh có học lực yếu, nhiều giáo viên phải tổ chức dạy miễn phí ngoài giờ để các em có thể có thêm cơ hội đỗ vào trường công lập” - cô H cho biết.
Thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có quy định chỉ được tổ chức ôn tập không thu tiền không quá 2 tiết/môn/tuần, trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) khởi động việc ôn tập cho hơn 400 học sinh lớp 9 bằng các “tiết 0” đầu giờ sáng hàng ngày. Tùy tình hình cụ thể, giáo viên môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ chủ động sắp xếp “tiết 0” vào các ngày phù hợp, bảo đảm không quá 2 tiết/tuần. “Đây là mô hình được triển khai nhiều năm nay, chủ yếu dành cho những học sinh có học lực chưa thực sự tự tin bước vào kỳ thi. Trong bối cảnh thực hiện quy định mới về dạy thêm, bên cạnh việc hướng dẫn học sinh ôn tập, ở “tiết 0” này, giáo viên tăng cường hướng dẫn học sinh kỹ năng làm bài, kỹ năng tự học ở nhà” - cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường THCS Trưng Vương thông tin.
Lưu ý trong quá trình đăng ký nguyện vọng
Kỳ thi lớp 10 công lập năm học 2025-2026 của Hà Nội sẽ diễn ra trong các ngày 7 và 8-6. Theo ông Nghiêm Văn Bình - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay phương thức tuyển sinh vẫn ổn định với quy định học sinh có tối đa 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập. Để bảo đảm cơ hội trúng tuyển, học sinh cần lưu ý cách sắp xếp thứ tự nguyện vọng, trong đó căn cứ quan trọng nhất là năng lực học tập của bản thân. Nguyện vọng 1 nên đặt là trường có điểm chuẩn phù hợp với năng lực, sở thích. Nguyện vọng 2 nên đặt là trường có điểm chuẩn thấp hơn khoảng 3 điểm so với điểm chuẩn của trường nguyện vọng 1. Lưu ý, 2 trường này phải cùng khu vực tuyển sinh. Với nguyện vọng 3, học sinh có thể chọn trường ở khu vực tuyển sinh bất kỳ và là trường có điểm chuẩn thấp hơn ít nhất 3 điểm so với điểm chuẩn của trường nguyện vọng 2 để bảo đảm an toàn. Sở GD-ĐT Hà Nội không cho phép điều chỉnh nguyện vọng sau khi đã quá hạn đăng ký nguyện vọng. Khi học sinh đã đỗ nguyện vọng 1 sẽ không được xét tiếp nguyện vọng 2 và 3.
Để chuẩn bị cho học sinh đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT công lập, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chia 12 khu vực tuyển sinh, mỗi khu vực gồm từ 2 đến 4 quận, huyện, thị xã có địa giới hành chính gần nhau và có đủ các trường có mức điểm chuẩn từ cao xuống thấp. Sở GD-ĐT Hà Nội lưu ý, việc lựa chọn các trường theo khu vực đã được tính toán thuận tiện cho học sinh đi học không quá xa nơi cư trú. Tuy nhiên, với nguyện vọng 3 được đăng ký ngoài khu vực quy định, phụ huynh cùng học sinh cần tìm hiểu thật kỹ, thậm chí đi “tiền trạm” để nắm rõ địa bàn, tính toán quãng đường di chuyển xem có phù hợp với việc phải đi học hàng ngày trong 3 năm liền hay không.
Duy Anh
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/giao-vien-hoc-sinh-chay-nuoc-rut-truoc-ky-thi-vao-lop-10-nam-2025-post608155.antd