Nhu cầu học tập ứng dụng AI, Blockchain tại Việt Nam hiện đang rất cao. Ảnh: Shutterstock.
Đây là nội dung chia sẻ của ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Chuyển đổi số tại Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (Hiệp hội Blockchain Việt Nam), trong khuôn khổ hội thảo về Blockchain và AI tại Triển lãm Điện tử và Thiết bị Thông minh Việt Nam.
Theo ông, nhu cầu học và ứng dụng AI, blockchain tại Việt Nam hiện nay rất cao. “Các cán bộ nhà nước chỉ cần biết dùng AI một cách căn bản, tốc độ làm việc đã tăng lên rất nhiều. Với những người làm trong ngành giáo dục, các giáo viên cũng đang có nhu cầu sử dụng AI nhằm giúp bài giảng trở nên sinh động hơn”, ông Long cho biết.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên lo ngại khi học sinh ngày nay biết dùng AI thành thạo. Nếu không cập nhật kiến thức, khi lên lớp, các thầy cô giáo sẽ dễ bị cảm giác tụt hậu và thậm chí khó nhận biết khi học sinh sử dụng AI để làm bài.
Giải pháp ông Long đưa ra là nên phổ biến công nghệ AI và Blockchain theo kiểu “bình dân học vụ” - nghĩa là người biết dạy cho người chưa biết, người biết ít học hỏi từ người biết nhiều. Theo ông, ai cũng có quyền được học tập và tiếp cận với các công nghệ mới, đặc biệt là những công nghệ mang tính đột phá như AI và Blockchain.
Song, việc học hỏi và sử dụng AI hiệu quả không hề đơn giản.
Ông Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc Trung tâm AI thuộc Viện Công nghệ và Chuyển đổi số (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam), đã đưa ra 3 nhóm người trong ngành giáo dục tiếp cận AI: những người đã thành thạo, những người thử nhưng chưa thành công và nhóm còn lo ngại bị bỏ lại phía sau.
Nhóm cuối cùng cần một cách tiếp cận thân thiện, dễ áp dụng để bắt đầu làm quen với công nghệ.
Ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Chuyển đổi số tại Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo. Ảnh: Thu Haf.
Theo ông Tuyền, phương pháp tiếp cận AI đơn giản cho người mới là bắt đầu bằng cách đặt các câu hỏi xung quanh vấn đề cần tìm hiểu. Thay vì mong đợi AI giải quyết ngay lập tức, người dùng có thể nêu các khía cạnh họ muốn biết thêm. Cách này giúp AI thu thập thông tin đầy đủ, sau đó mới đưa ra gợi ý phù hợp.
TS. Lê Linh Lương, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo, nhận xét rằng: “AI và Blockchain không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành động lực quan trọng cho chuyển đổi số”.
TS Lương cho rằng những doanh nghiệp và tổ chức giáo dục tiên phong ứng dụng AI có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững, nhờ vào khả năng tự động hóa các quy trình và hiểu sâu hơn về nhu cầu của học sinh thông qua dữ liệu.