Giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm nếu có nguyện vọng

Giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm nếu có nguyện vọng
6 giờ trướcBài gốc
Sáng 21.1, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục họp mở rộng cho ý kiến về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại cuộc họp
Tại Kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2024), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo với 103 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiệm vụ được phân công, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chỉ đạo phối hợp tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, tổ chức nhiều cuộc họp với cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan có liên quan và chuyên gia để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Ngày 12.1.2025, Thường trực Ủy ban đã tổ chức cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan để thống nhất việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật và các nội dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 42 (tháng 2.2025).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa trình bày một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo
Về cơ bản, dự thảo Luật sau khi được chỉnh lý đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật về nhà giáo; kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 47 điều, giảm 3 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Trong đó, xác định rõ đối tượng nhà giáo được quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo là “được tuyển dụng làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục”. Cán bộ, nghiên cứu viên trong các viện hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập được phép đào tạo trình độ tiến sĩ có thực hiện một số hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo như giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh; nhân viên thư viện trường học, kế toán, nhân viên hành chính, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục không trực tiếp “làm nhiệm vụ giảng dạy” không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Đại diện Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo tại cuộc họp
Về quyền của nhà giáo, dự thảo Luật không cấm nhà giáo dạy thêm, chỉ quy định cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức (điểm c, khoản 2, Điều 11). Để tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung quyền của nhà giáo giáo dục đại học được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ do cơ sở giáo dục đại học thành lập.
Đồng thời, rà soát sửa đổi các luật liên quan tại điều khoản chuyển tiếp; cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá cẩn trọng và xem xét nội dung này khi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp vào thời điểm thích hợp.
Về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, trên cơ sở ý kiến của chuyên gia và đại diện các cơ quan liên quan, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng thiết kế gộp Điều 14 và Điều 15, giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo chung và quy định chi tiết chuẩn nghề nghiệp nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý. Căn cứ chuẩn nghề nghiệp nhà giáo chung do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết chuẩn nghề nghiệp nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý.
Toàn cảnh cuộc họp
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu ở tuổi nghỉ hưu thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng không quá 5 năm và không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên để bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng bảo hiểm xã hội.
Việc cho phép giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm so với độ tuổi quy định của pháp luật là chính sách được xây dựng dựa trên đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của đối tượng này và phù hợp với đặc thù người học là trẻ mầm non. Tuy nhiên, đây là chính sách mới, khác với quy định của một số luật hiện hành (Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội); lại cần nguồn lực lớn từ ngân sách. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách này.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
“Cố gắng không bỏ sót đối tượng nhưng cũng phải bảo đảm nguyên tắc. Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ, hiểu đúng bản chất vấn đề để có quy định chặt chẽ, khả thi”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh lưu ý.
Tin: Nhật Linh; Ảnh: Nghĩa Đức
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/giao-vien-mam-non-duoc-nghi-huu-som-neu-co-nguyen-vong-post402709.html