Trường THCS Yên Thái (Yên Định - Thanh Hóa) nơi có nhiều giáo viên đang 'mỏi mòn' chờ nhận chế độ dạy học sinh khuyết tật.
Về hưu vẫn “ngóng” chế độ
Là người đã về hưu từ năm 2020, bà Nguyễn Thị Hương, trước đây là giáo viên Trường Tiểu học Định Hưng (Yên Định) dạy học sinh khuyết tật từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2019 - 2020, nhưng đến nay cũng chưa được nhận chế độ này.
Bà Nguyễn Thị Hương phản ánh: “Chúng tôi không hiểu lý do gì mà chế độ hỗ trợ cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2019 - 2020 vẫn chưa được nhận. Hơn nữa, riêng năm học 2016 - 2017, chúng tôi được huyện Yên Định thông báo là không chi trả, vì họ cho rằng, hồ sơ không hợp lệ. Điều đó, đã khiến rất nhiều giáo viên bức xúc vì thiệt thòi”.
Thầy Nguyễn Đăng Tiến, giáo viên Trường THCS Yên Thái (Yên Định) cho biết, trong thời gian 9 năm học (từ 2012 - 2013 đến 2020 - 2021), nhà trường có rất nhiều giáo viên thuộc diện được hưởng chế độ dạy học sinh khuyết tật, trong đó, có người đã về hưu, chuyển công tác, nhưng đến nay vẫn chưa được nhận chế độ này.
“Hiện tại, ở Trường THCS Yên Thái có 17 giáo viên thuộc diện được hưởng chế độ dạy học sinh khuyết tật. Trong đó, có 3 người, gồm: Thầy Lê Xuân Long, cô Lê Thị Thảo và tôi. Thầy Long, cô Thảo đã có thời gian dạy liên trường và dạy học sinh khuyết tật ở Trường THCS Yên Phong. Riêng cá nhân tôi đã từng dạy tới 3 trường, gồm: THCS Yên Thái, THCS Yên Phong và THCS Yên Thọ và đều đã từng dạy học sinh khuyết tật”, thầy Nguyễn Đăng Tiến nói.
Thầy Nguyễn Kế Tấn, giáo viên (Yên Định), phản ánh: Từ năm học 2014 - 2015 đến năm học 2016 - 2017, thầy dạy ở Trường Tiểu học Yên Trung. Năm học 2017 - 2018 đến năm học 2019 - 2020, thầy dạy ở Trường Tiểu học Quý Lộc. Từ năm học 2020 - 2021, thầy Tấn được điều động về dạy ở Trường Tiểu học Yên Bái, nhưng đến nay cũng chưa được nhận chế độ dạy học sinh khuyết tật của những năm đó.
“Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan cấp trên quan tâm, giải quyết, chi trả chế độ của Nhà nước dành cho chúng tôi. Vì, chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ, trong đó có: Học bạ, sổ điểm, kế hoạch chủ nhiệm, sổ đầu bài, số tiết, tên học sinh, giấy chứng nhận học sinh khuyết tật đều có đầy đủ. Trong khi đó, UBND huyện trả lời rằng, do không có “Kế hoạch năm học của nhà trường” để đưa vào hồ sơ, nên chúng tôi bị từ chối chi trả chế độ”, thầy Nguyễn Kế Tấn nói.
Cũng theo thầy Tấn, nhiều giáo viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ Phòng GD&ĐT hay hiệu trưởng ban hành “Kế hoạch năm học của nhà trường”? Ai phải chịu trách nhiệm về việc này? Nếu chỉ vì cái sổ “Kế hoạch năm học của nhà trường”, mà bị mất chế độ, trong khi họ dạy học sinh khuyết tật là người thật, việc thật thì là quá thiệt thòi cho giáo viên.
Công văn của UBND huyện Yên Định xin ý kiến chỉ đạo từ UBND tỉnh Thanh Hóa.
Cơ quan chức năng nói gì?
Làm việc với Báo GD&TĐ về nội dung trên, bà Nguyễn Thị Khuyên - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Định xác nhận: Nhiều giáo viên có đơn thư phản ánh việc huyện chậm chi trả chế độ dạy học sinh khuyết tật ở địa phương (giai đoạn 2012 - 2021).
Theo bà Khuyên, nguyên nhân dẫn đến việc chậm chi trả chế độ cho giáo viên, là trải qua gần 10 năm không thực hiện chế độ thường xuyên, nên hồ sơ rất phức tạp. Bên cạnh đó, khi thực hiện, thì Sở GD&ĐT hướng dẫn thủ tục hoàn tất hồ sơ đòi hỏi giáo viên và các nhà trường phải lục lại nhiều loại giấy tờ, minh chứng trong một thời gian dài, nên rất khó khăn, vất vả cho giáo viên.
“Ban đầu, theo các trường tổng hợp, báo cáo lên huyện, thì tổng số tiền để chi trả chế độ này là hơn 14 tỷ đồng. Nhưng sau nhiều lần thẩm định, rồi có cả Công an, Tư pháp vào cuộc xác minh, rà soát chặt chẽ, thì số tiền giảm xuống chỉ còn gần 8 tỷ đồng.
Điều trăn trở nhất là, có những trường vì không có sổ “Kế hoạch năm học của nhà trường”, dẫn đến giáo viên đang có nguy cơ “mất trắng” chế độ, nên huyện đang rất trăn trở về vấn đề này, nên đã có công văn trình UBND tỉnh”, bà Khuyên nói.
Công văn của UBND huyện Yên Định gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, nêu: “Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, thành phần hồ sơ để chi trả cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật, phải có sổ “Kế hoạch năm học của nhà trường”. Đó là một trong số 5 tài liệu để xác định điều kiện xét duyệt việc giảng dạy người khuyết tật.
Tuy nhiên, trên thực tế, do các nguyên nhân khác nhau, nhiều đơn vị trường học không lưu trữ đầy đủ sổ “Kế hoạch năm học của nhà trường”. Việc này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều giáo viên, khiến dư luận bức xúc, dẫn đến đơn thư, khiếu kiện.
Vì vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa cần hướng dẫn cụ thể cho UBND huyện Yên Định như sau: Đối với nhóm giáo viên có đầy đủ thành phần hồ sơ pháp lý theo quy định tại Công văn số 602/SGDĐT-KHTC và Công văn số 2926/SGDĐT-KHTC của Sở GD&ĐT, nhưng không thể hiện được việc dạy lớp có học sinh khuyết tật theo học, thì có được phê duyệt danh sách và thực hiện chi trả chế độ hay không?
Đối với nhóm giáo viên có đủ hồ sơ chứng minh là giáo viên trực tiếp dạy lớp có học sinh khuyết tật, nhưng thành phần hồ sơ thiếu “Kế hoạch năm học của nhà trường”, thì có được thực hiện chi trả chế độ hay không?
Để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập, UBND huyện Yên Định xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở GD&ĐT Thanh Hóa trước khi thực hiện chi trả chế độ cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2020 - 2021 theo quy định”.
Công văn của UBND huyện Yên Định xin ý kiến chỉ đạo từ UBND tỉnh đã được gửi đi ngày 14/4 vừa qua. Hiện nay, huyện Yên Định đang chờ phản hồi từ UBND tỉnh Thanh Hóa.
“Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do nhiều trường không có sổ “Kế hoạch năm học của nhà trường”, chứ không phải do lỗi của giáo viên hay UBND huyện. Đây cũng là vấn đề khó cho huyện khi áp dụng các quy định về hồ sơ để chi trả chế độ. Nhằm tránh thiệt thòi, UBND huyện đã có công văn xin ý kiến UBND tỉnh về vấn đề này để sớm giải quyết chế độ cho giáo viên”. Bà Nguyễn Thị Khuyên - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Định
Thế Lượng