Giáo viên mong chờ Luật Nhà giáo

Giáo viên mong chờ Luật Nhà giáo
một ngày trướcBài gốc
Giáo viên Trường mầm non An Bình (thành phố Long Khánh) trong giờ dạy học. Ảnh: Hải Yến
Sau nhiều lần chỉnh sửa, đến nay Dự thảo Luật Nhà giáo có 9 chương, 46 điều. Đội ngũ nhà giáo đang mong chờ luật được xây dựng hoàn chỉnh và thông qua tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Để dự thảo luật mang tính khả thi cao
Tính đến cuối năm 2024, cả nước có gần 1,6 triệu nhà giáo, trong đó hơn 70% đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập, còn lại là các cơ sở ngoài công lập. Tại Đồng Nai hiện có khoảng 51 ngàn nhà giáo đang công tác tại các trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông. Đây là đội ngũ đóng vai trò rất quan trọng trong công tác đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Tuy nhiên, đến nay pháp luật hiện hành chưa có luật dành riêng cho đội ngũ này. Do đó, Dự án Luật Nhà giáo thu hút sự quan tâm lớn của đội ngũ nhà giáo.
Đối với công tác quản lý như: tuyển dụng, thuyên chuyển giáo viên…, ngành giáo dục là ngành chuyên môn nên công tác này nên được giao về cho ngành giáo dục quản lý. Như vậy, ngành giáo dục sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi và nắm bắt rõ hơn về tâm tư, nguyện vọng của giáo viên để sắp xếp phù hợp.
Để xây dựng luật sát với thực tiễn, có tính khả thi cao sau khi ban hành, cơ quan soạn thảo luật đã công bố dự thảo và tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo. Tại Đồng Nai, mới đây nhất, ngày 27-3, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức hội nghị góp ý các dự án luật thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tại Sở Giáo dục và đào tạo. Theo đó, hàng trăm cán bộ, quản lý, nhà giáo từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông, quản lý các phòng giáo dục và đào tạo đã tham gia hội nghị và có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo luật.
Cùng với đó, đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan như: Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Tư pháp, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng tham gia đóng góp ý kiến.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà cho biết, dự thảo luật đã quy định rất chi tiết về các quyền lợi, nghĩa vụ và chính sách đối với nhà giáo. Trong đó, điều bà quan tâm nhất là cơ quan soạn thảo và cơ quan ban hành chính sách cần quan tâm hơn đến chế độ đối với giáo viên bậc học mầm non.
Do đặc thù nghề nghiệp, nhiều giáo viên bậc mầm non muốn được nghỉ hưu sớm hơn so với độ tuổi quy định của luật hiện hành (60 tuổi đối với nữ). Dự thảo luật này đã xây dựng theo hướng giáo viên mầm non có thể xin nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với tuổi quy định trong Luật Lao động. Tuy nhiên, điều mà giáo viên mong muốn là các chế độ, chính sách kèm theo khi nghỉ hưu phải được đảm bảo, tránh thiệt thòi cho giáo viên trong việc hưởng chế độ lương hưu, bảo hiểm xã hội…
Cũng bày tỏ tâm tư của giáo viên mầm non, hiệu trưởng một trường mầm non ở huyện Trảng Bom cho rằng, công tác tuyển dụng giáo viên mầm non hiện gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường đăng tuyển dụng mãi mà không tuyển được. Vì vậy, quy định về quyền tuyển dụng, thuyên chuyển giáo viên phải được nghiên cứu, cân nhắc sao cho thuận lợi cho cơ sở và đảm bảo về mặt chất lượng đội ngũ.
Cũng liên quan đến công tác tuyển dụng, điều chuyển giáo viên, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Nhà giáo chưa làm rõ cơ chế giám sát, kiểm tra để đảm bảo việc tuyển dụng và điều động nhà giáo không xảy ra tiêu cực. Mặt khác, nên có quy định giáo viên làm việc ở vùng sâu, vùng xa sau 3 năm thì có thể được thuyên chuyển thay vì quy định 5 năm như trong dự thảo…
Mong chờ Luật Nhà giáo được thông qua
Phó hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Tân Phú (huyện Định Quán) Trương Thị Lệ Thanh đã có 17 năm công tác trong ngành giáo dục. Cô rất phấn khởi khi Luật Nhà giáo đang được lấy ý kiến góp ý để thông qua tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Giáo viên Trường trung học phổ thông Xuân Lộc trong giờ dạy học.
“Tôi rất mong luật sớm được thông qua, vì đây là luật đầu tiên dành cho nhà giáo, quy định rõ về quyền, những việc không được làm đối với nhà giáo. Điều này cũng tạo không khí phấn khởi, giúp cho nhà giáo có thể toàn tâm, toàn lực phục vụ cho ngành giáo dục, tạo ra những đột phá đối với ngành. Khi luật được thông qua, vị thế, vai trò của nhà giáo trong xã hội được nâng lên, sẽ tạo động lực cho nhà giáo yên tâm cống hiến nhiều hơn” - cô Thanh bày tỏ.
Góp ý cho Dự thảo Luật Nhà giáo, cô Thanh trăn trở về chế độ tiền lương của nhà giáo cần được quy định rõ ràng, cụ thể hơn.
Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Long Khánh Trần Công Nghị thì chia sẻ: “Khi nghiên cứu Dự thảo Luật Nhà giáo, tôi thấy được sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với đội ngũ nhà giáo. Đây là nguồn động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cũng thấy rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, giảng dạy của giáo viên trong nhà trường”.
Ông Nghị góp ý thêm, trên thực tế, để một giáo viên toàn tâm, toàn ý và dành nhiều thời gian hơn nữa trong công tác nghiên cứu, tiếp cận các phương pháp, kiến thức mới thì cần phải có thêm chế độ, chính sách phù hợp… Có như vậy giáo viên mới đầu tư nhiều hơn cho chuyên môn, áp dụng được vào thực tiễn giảng dạy một cách hiệu quả.
Hải Yến
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202504/giao-vien-mong-cho-luat-nha-giao-5b773f2/