Giáo viên không còn phải kiêm nhiệm quá nhiều việc
Niềm vui lan tỏa trong cộng đồng giáo viên và quản lý trường học khi Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT chính thức có hiệu lực từ ngày 22/4. Quy định mới về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông và dự bị đại học này được đánh giá là bước tiến quan trọng, giải quyết vấn đề bất cập về tình trạng giáo viên phải "gánh" quá nhiều việc ngoài chuyên môn giảng dạy.
Điểm đáng chú ý nhất của Thông tư 05 là quy định rõ ràng, mỗi giáo viên không còn phải "đa năng" kiêm nhiệm quá hai nhiệm vụ. Thay vì tình trạng một người phải đảm đương nhiều vai trò khác nhau như chủ nhiệm lớp, phụ trách đoàn đội, thư viện, thiết bị,... gây quá tải và ảnh hưởng đến chất lượng công việc chính, quy định mới hứa hẹn mang lại sự tập trung hơn vào công tác giảng dạy.
Thông tư cũng quy định cụ thể về thời gian làm việc của giáo viên theo năm học, được quy đổi thành tiết dạy với định mức rõ ràng: giáo viên tiểu học 23 tiết/tuần, THCS 19 tiết/tuần và THPT 17 tiết/tuần. Nguyên tắc phân công nhiệm vụ được nhấn mạnh là phải đảm bảo định mức tiết dạy, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi theo luật pháp và sự công bằng giữa các giáo viên trong trường.
Ảnh minh họa.
Trong trường hợp cần bố trí giáo viên kiêm nhiệm, hiệu trưởng sẽ ưu tiên những người chưa đủ định mức tiết dạy và phải đảm bảo giáo viên có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của công việc kiêm nhiệm.
Bộ GD&ĐT cũng đưa ra giới hạn rõ ràng về việc phân công dạy vượt định mức, tổng số tiết dạy vượt trong một tuần không được quá 50% định mức tuần. Đối với những nhiệm vụ chưa có chế độ giảm định mức tiết dạy hoặc chưa được quy đổi ra tiết dạy, hiệu trưởng phải xin ý kiến hội đồng trường dựa trên mức độ phức tạp và khối lượng công việc, sau đó báo cáo lên cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Thông tư cũng làm rõ trách nhiệm của giáo viên, không chỉ dừng lại ở việc dạy học mà còn phải chủ động nắm bắt thông tin học sinh, xây dựng kế hoạch thúc đẩy sự tiến bộ và hỗ trợ giám sát việc học tập, rèn luyện của các em. Thời gian hoạt động của mỗi trường được quy định là 35 tuần thực dạy/năm học, cùng với 2 tuần dự phòng cho các tình huống bất thường.
Giảm kiêm nhiệm sẽ tập trung làm công việc chuyên môn
Chia sẻ về sự thay đổi tích cực này, cô N.T.N, một giáo viên THPT tại Hà Nội bày tỏ sự phấn khởi: "Lâu nay, ngoài giảng dạy, tôi còn kiêm nhiệm chủ nhiệm, công tác công đoàn và nhiều việc không tên khác. Áp lực từ việc làm chủ nhiệm, theo sát học sinh và trao đổi với phụ huynh cả ngày lẫn đêm thực sự rất lớn. Quy định mỗi giáo viên không quá hai nhiệm vụ giúp chúng tôi cảm thấy quyền lợi được đảm bảo và công bằng hơn".
Tình trạng của cô N.T.N không phải là cá biệt. Việc giáo viên phải "ôm đồm" nhiều việc ngoài chuyên môn đã trở thành vấn đề phổ biến ở nhiều trường học. Chính vì vậy, Thông tư 05 được kỳ vọng sẽ giúp giáo viên giải phóng khỏi những áp lực không đáng có, có thêm thời gian và tâm huyết để tập trung vào công việc giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục.
Cô Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hà Nội) cho rằng, quy định mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá hai việc là phù hợp vì để giáo viên dành thời gian, tâm huyết cho các giờ dạy.
Thầy Chu Quang Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Đô (Hà Nội) nêu quan điểm, với quy định mới này, các trường, đặc biệt là các trường ở vùng nông thôn và có quy mô nhỏ, cần rà soát và sắp xếp lại nhân sự, phân công nhiệm vụ một cách hợp lý theo quy định mới. Các nhiệm vụ kiêm nhiệm như tổ trưởng chuyên môn, phụ trách đoàn đội, thư viện,... cần được xem xét để đảm bảo mỗi giáo viên không đảm nhiệm quá hai đầu việc này.
Lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: "Quy định giới hạn kiêm nhiệm nhằm giảm áp lực không đáng có cho giáo viên, giúp họ có thời gian tập trung vào công tác chuyên môn, đảm bảo chất lượng giờ dạy".
Thông tư 05 được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác và cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.
Đỗ Vi