Một trung tâm bồi dưỡng văn hóa trên địa bàn quận Bình Tân (TPHCM) tổ chức dạy môn Toán, Tiếng Việt cho học sinh tiểu học sau khi quy định mới có hiệu lực. Trung tâm này đã bị xử phạt vì vi phạm quy định. Ảnh: V.D
Tìm cách hợp pháp hóa dạy thêm
Theo đại diện một số trung tâm dạy thêm ở TPHCM, những ngày vừa qua, số lượng giáo viên đề nghị được ký hợp đồng với trung tâm để dạy thêm đang tăng lên.
Bà Nguyễn Thị Song Trà, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Giáo dục và Đào tạo TH (quận Gò Vấp), cho biết gần đây, trung tâm tiếp nhận nhiều lời đề nghị từ giáo viên ở các trường học trên địa bàn về việc ký hợp đồng dạy thêm. Nhiều giáo viên đến đặt vấn đề xin thuê phòng ở trung tâm để mở lớp dạy thêm hoặc đến tìm hiểu để xem có thể kết hợp cùng họ hợp thức hóa việc dạy thêm.
Với những lời đề nghị như trên, chủ trung tâm giáo dục này đều từ chối bởi không đúng với quy định tại Thông tư 29 hoặc có thể ảnh hưởng tới trung tâm về sau nếu các giáo viên này thực hiện sai quy định.
Một giám đốc công ty về lĩnh vực giáo dục tại quận Gò Vấp (TPHCM), cũng cho biết những ngày gần đây, đơn vị này tiếp nhận nhiều lời đề nghị từ giáo viên các trường học trên địa bàn về việc ký hợp đồng dạy thêm. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào trung tâm này cũng nhận mà sẽ chọn lọc phù hợp tiêu chí về năng lực, chương trình dạy tại cơ sở, căn cứ vào số lượng lớp và mức độ tuyển sinh. Ngoài ra, giáo viên cũng phải tham gia phỏng vấn và dạy thử, nếu đáp ứng mới được nhận.
Theo đó, thời điểm này thầy cô tìm đến trung tâm theo hai xu hướng là đặt vấn đề thuê phòng để mở lớp dạy thêm và đến tìm hiểu xem có thể kết hợp cùng để hợp thức hóa việc dạy thêm. Với những trường hợp để hợp thức hóa việc dạy thêm, trung tâm không đồng ý, bởi theo Thông tư 29 có một số đối tượng và chương trình bị cấm dạy thêm. Vì vậy, nếu giáo viên đó có thể đáp ứng các chương trình giảng dạy khác tại trung tâm mới được xem xét.
Ngoài ra, hiện trung tâm này cũng yêu cầu giáo viên làm cam kết không được dạy học sinh chính khóa của mình để tránh phiền phức trong khâu quản lý.
Nở rộ dịch vụ cho thuê phòng học dạy thêm
Trong khi một số trung tâm giáo dục có quy định chặt chẽ về việc dạy thêm khiến người có nhu cầu khó tìm chỗ dạy thì nhiều hội, nhóm trung tâm trên mạng xã hội lại đang cấp tập chào mời thuê chỗ dạy học.
Theo đó, trước nhu cầu hợp thức hóa hoạt động dạy thêm của giáo viên, các hội nhóm trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt tin rao cho thuê phòng dạy học. Đa số các tin rao đều công khai vị trí cho thuê phòng học, mức giá, số lượng chỗ ngồi, một số tiện ích đi kèm; đặc biệt là có đầy đủ giấy kinh doanh dạy thêm, hợp đồng cho thuê.
Khi liên hệ một trung tâm cho thuê phòng dạy học tại đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp (TPHCM), một nhân viên tư vấn cho biết, trung tâm có ba phòng học với sức chứa mỗi phòng khoảng 15-20 học sinh. Về giá cả, với mỗi tuần hai buổi, trung tâm sẽ thu 1.800.000 đồng/tháng, thuê theo giờ là 90.000 đồng/giờ. Trung tâm sẽ ký một hợp đồng dịch vụ theo hình thức mời giáo viên đến dạy và phải đóng thuế thu nhập.
Một số tin rao cho thuê phòng dạy học. Ảnh chụp màn hình
Tại một trung tâm có địa điểm thuộc địa bàn quận 10 (TPHCM), nhân viên tư vấn cam kết có đầy đủ giấy phép kinh doanh. Các phòng có sức chứa 15-17 chỗ ngồi. Tuy nhiên, trung tâm này không tính tiền thuê theo tháng mà tính theo giờ. Trung tâm sẽ thu 100.000 đồng/giờ.
Trước đó, tại buổi họp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM trong tháng 2, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho biết giáo viên được tổ chức dạy thêm nhưng phải là tại các trung tâm, đơn vị có đăng ký kinh doanh theo quy định. Với giáo viên trường công lập, Luật viên chức đã quy định rõ là không được tham gia quản lý, điều hành hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường và Thông tư 29 tiếp tục khẳng định lại quy định này.
Trường hợp lớp dạy thêm của cơ sở dạy thêm có học sinh chính khóa, giáo viên có thể đề nghị cơ sở dạy thêm sắp xếp lại lớp học để tránh việc dạy chính học sinh của mình. Hoặc giáo viên đề nghị cơ sở dạy thêm không thu tiền dạy thêm đối với môn học đối với học sinh nói trên.
Riêng đối với tiểu học, ông Minh cho biết thêm, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT cũng không cấm dạy thêm. Giáo viên tiểu học không được dạy thêm những môn mình dạy chính khóa ở trường, lớp. Giáo viên tiểu học trong trường công lập vẫn có thể ra trung tâm dạy đàn, dạy vẽ, thể thao… vì đây là các môn bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh, không được tính là các môn dạy kiến thức văn hóa nên không bị xếp là dạy thêm, học thêm.
Ngoài việc lựa chọn hợp tác với các trung tâm đã đăng ký kinh doanh để tiếp tục dạy thêm, một số giáo viên đã tìm cách hợp thức hóa hoạt động giảng dạy ngoài trường bằng cách dạy livestream trong nhóm kín trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đại diện một số trung tâm giáo dục cho rằng đây chỉ là hình thức dạy học tạm thời.
Theo Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 14-2, việc đăng ký kinh doanh khi dạy thêm là bắt buộc, giáo viên trường công lập không được phép tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường. Vì vậy, để việc dạy thêm theo đúng quy định, giáo viên có thể nhờ người thân trong gia đình đứng ra đăng ký kinh doanh, sau đó sẽ hợp đồng lại theo dạng làm thuê.
Quy trình đăng ký hộ kinh doanh dành cho giáo viên dạy thêm gồm các bước sau:
1. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể: giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (mã ngành 8559); giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; bản sao hợp đồng thuê địa điểm dạy học trong trường hợp thuê địa điểm kinh doanh.
2. Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Tài chính - Kế hoạch (cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh) hoặc nộp trực tuyến tại http://hokinhdoanh.dkkd.gov.vn.
Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Minh Thảo