Hệ thống hóa lại đặc trưng thể loại và các câu hỏi khai thác văn bản
TS. Hồ Thị Giang lấy ví dụ, với văn bản thông tin và văn bản nghị luận, học sinh chú ý tìm ra thông tin chính, quan điểm chính qua việc xác định đề tài/chủ đề và đọc kĩ nội dung của văn bản (Văn bản trình bày về sự kiện/ sự việc gì? Xảy ra vào thời điểm nào? Nội dung sự kiện/ quan điểm được diễn giải ra sao).
Học sinh chú ý giải thích, cắt nghĩa được những từ chuyên ngành, những thuật ngữ có trong văn bản hoặc giải thích các cơ sở của thông tin/ quan điểm có trong văn bản.
Học sinh cũng cần đánh giá được tính chân thực, khách quan của thông tin hoặc tính sâu sắc, thuyết phục của quan điểm và đánh giá khả năng vận dụng thông tin/ quan điểm vào việc giải quyết các vấn đề của đời sống.
TS. Hồ Thị Giang, giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội
Học sinh cần tránh một số lỗi nhận diện phương thức biểu đạt, thao tác lập luận. Với các câu hỏi phân tích nội dung văn bản, học sinh tránh trả lời chung chung hoặc diễn giải nội dung thừa so với yêu cầu. Các thông tin hay quan điểm trong văn bản cần được nhìn trong tương quan từ ngữ, hình ảnh biểu đạt thông tin/ quan điểm, các lớp ý nghĩa được biểu đạt, giá trị nhận thức và hành động mà thông tin/ quan điểm gửi đến người đọc. Học sinh nên đọc một lượt các câu hỏi đọc hiểu và thấy được mối quan hệ giữa các câu hỏi trước khi trả lời để tư duy bài làm mạch lạc và khúc chiết hơn.
Với văn bản thơ, học sinh chú ý các yếu tố hình thức và nội dung của thơ, biết so sánh, kết nối liên văn bản và vận dụng văn bản vào giải quyết các vấn đề văn học và đời sống. Đọc thơ cần giải mã được nhan đề, cấu tứ, nhân vật trữ tình, cảm xúc, giọng điệu, ngôn ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ. Việc tìm ra nghĩa đen, nghĩa bóng của từ ngữ, tìm ra nghĩa thực, nghĩa tượng trưng của các hình ảnh có vai trò rất quan trọng trong việc đọc hiểu một bài thơ. Kiến thức về nghĩa của từ, biện pháp tu từ và cách nhận ra mối liên quan của các đơn vị ngôn ngữ nên được thực hành nhiều.
Học sinh cần hệ thống hóa lại đặc trưng thể loại và các câu hỏi khai thác văn bản thường gặp
Với văn bản truyện, học sinh tập trung vào ngôi kể, điểm nhìn, tình huống truyện, cốt truyện, kết cấu, chi tiết nghệ thuật, nhân vật, ngôn ngữ truyện. Câu hỏi nhận diện yếu tố hình thức và nội dung tương đối dễ, học sinh dành thời gian ôn luyện nhiều hơn các câu hỏi về ý nghĩa của các yếu tố hình thức và nội dung. Đồng thời, học sinh chú ý kết nối các yếu tố của văn bản với chủ đề chính và thông điệp, để việc phân tích văn bản vừa chi tiết hóa vừa có tính nhất quán, chỉnh thể.
Các văn bản dùng cho học sinh đọc cần có sự đa dạng hóa về thể loại và chọn lọc văn bản của các nhà văn có tên tuổi trong nền văn học từ quá khứ đến hiện tại. Tất nhiên, dựa trên thực tế đề thi, phần văn học hiện đại được thực hành nhiều hơn. Khuyến khích học sinh tự đọc, tự tìm kiếm thêm văn bản và tập dựng câu hỏi và trả lời câu hỏi, sau đó cùng nhau thảo luận tại lớp. Học sinh sẽ hình thành khả năng đọc độc lập và tự tin hơn trong cách xử lí văn bản.
Phân loại các năng lực được kiểm tra – đánh giá trong đề thi để có chiến lược làm bài hiệu quả
Với năng lực Đọc Hiểu, học sinh nhận diện các câu hỏi đặc trưng theo từng dạng văn bản. Học sinh trả lời câu hỏi đọc hiểu tập trung thẳng vào yêu cầu của đề, chú trọng các thông tin chính xác, không trình bày dài dòng, dẫn dắt vòng vo.
Với năng lực Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ), học sinh phân loại và rèn luyện hai dạng: viết đoạn văn nghị luận văn học và viết đoạn văn nghị luận xã hội. Học sinh ôn tập lại hình thức đoạn văn và các thao tác lập luận cần sử dụng trong triển khai đoạn văn; chú ý mối quan hệ chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng để bài viết mạch lạc, thuyết phục. Đề thi giới hạn viết khoảng 200 chữ thường chỉ yêu cầu làm rõ một phương diện/ khía cạnh của vấn đề, học sinh không nên tư duy lan man và ôm đồm mà cần tập trung vào nhiệm vụ chính trong đề bài.
Thí sinh nên rèn luyện công phu hơn năng lực sử dụng các thao tác lập luận và tăng thực hành một số kĩ năng đặc thù của môn Ngữ Văn
Với năng lực Viết bài văn (khoảng 600 chữ), tương tự, học sinh cũng cọ xát với hai dạng viết: Viết bài văn nghị luận xã hội và Viết bài văn nghị luận văn học. Ở các dạng này, vấn đề đặt ra thường rộng và sâu hơn, đòi hỏi học sinh huy động vốn hiểu biết nhiều hơn và có sức nghĩ, sức viết dài hơi.
Điểm yếu học sinh thường mắc phải là chưa có khả năng bóc tách vấn đề thành các luận điểm. Một điểm yếu khác là học sinh không viết được những lời bình hay. Học sinh có thể phát hiện biện pháp nghệ thuật trong bài thơ hoặc đặc điểm nhân vật trong truyện ngắn nhưng viết làm sao để thể hiện được tính sáng tạo của biện pháp đó hoặc tính hấp dẫn, sâu sắc của nhân vật đó thì tỏ ra lúng túng.
Để khắc phục hạn chế này, nên rèn luyện công phu hơn năng lực sử dụng các thao tác lập luận và tăng thực hành một số kĩ năng đặc thù của môn Ngữ Văn - môn học có tính thẩm mĩ cao.
Thực hành làm đề - đúng và nhanh
Hai yếu tố quan trọng làm nên thành công của bài thi là đúng và nhanh. Đúng nội dung, viết kĩ, viết hay. Nhanh thời gian, kiểm soát tốt tiến độ làm bài. Muốn đúng và nhanh, cách tối ưu nhất là luyện tập thường xuyên để phản xạ linh hoạt và nhạy bén với đề bài. Và, việc làm đề chỉ thực sự hiệu quả khi được chữa và chấm liên tục, giúp học sinh nhận thức và sửa đổi các lỗi sai, gọt giũa sớm nhất các thiếu sót để có kết quả tốt nhất.
Chương trình 2018 yêu cầu huy động kiến thức xã hội và văn học khá đều nhau. Đề thi đang được hình dung là: Nếu phần Đọc Hiểu ra vào văn bản văn học thì phần Viết sẽ yêu cầu viết đoạn văn nghị luận văn học và bài văn nghị luận xã hội. Ngược lại, nếu phần Đọc Hiểu ra vào văn bản thông tin hoặc văn bản nghị luận đời sống thì phần Viết sẽ yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội và bài văn nghị luận văn học. Việc luyện đề cần phủ được các dạng và cho học sinh thực hành những cấu trúc đề có sự phân bố đều các kĩ năng như vậy.
Sáng tạo dựa trên ý nghĩa chân – thiện – mĩ, tránh suy diễn cực đoan
Việc dạy - học môn Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai theo định hướng phát huy phẩm chất, năng lực người học; khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu học thuộc lòng theo văn mẫu, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo của học sinh.
Tuy nhiên, TS. Hồ Thị Giang lưu ý, sự sáng tạo chưa bao giờ đồng nhất với tùy tiện. Cho nên, học sinh muốn sáng tạo cũng phải dựa trên nền tảng là hiểu đúng thể loại, cách tiếp cận thể loại và xây dựng góc nhìn nhân văn trong việc khai thác tác phẩm văn học hoặc vấn đề đời sống. Những phát hiện mới mẻ của học sinh phải phù hợp với tư tưởng của tác phẩm, hoặc gợi ra những trăn trở, chất vấn xác đáng, có ý nghĩa chân – thiện – mĩ, tránh suy luận thiếu căn cứ và cực đoan.
Năm nay, TS. Giang hi vọng đề thi có tính vừa sức, chọn được văn bản và cách đặt vấn đề hấp dẫn. Đề thi không nên đánh đố học sinh đã đành, đề thi cũng cần tạo ra cảm hứng cho học sinh trong quá trình làm bài. Thử hình dung mỗi đề văn như một trải nghiệm sống và nghĩ, ta sẽ thấy thật sự thú vị.
Quốc Việt