Giáo viên vùng khó phập phồng lo chốn an cư

Giáo viên vùng khó phập phồng lo chốn an cư
4 giờ trướcBài gốc
Một trong hai nhà tập thể giáo viên tại thị trấn Vĩnh Bình (Châu Thành, An Giang) đã xuống cấp. Ảnh: Q. Ngữ
Từ các nguồn lực trong và ngoài ngành, hàng chục nghìn nhà ở công vụ cho giáo viên tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu xa, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo được xây dựng. Song số lượng này chưa đáp ứng được yêu cầu và chất lượng xuống cấp sau 10 - 15 năm sử dụng.
Thiếu nhà công vụ
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Vinh (Nam Trà My, Quảng Nam) có 38 giáo viên nhưng khu nhà công vụ chỉ có 6 phòng ở cấp 4. Mỗi phòng có sức chứa tối đa 4 người. Trong số này, một cô giáo đang nuôi con nhỏ được ưu tiên phòng riêng nên chỉ còn lại 20 thầy cô có chỗ ở tại khu tập thể của trường.
Thầy Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Vinh cho biết, để giải quyết hết chỗ ở cho thầy cô giáo yên tâm công tác, nhà trường ngăn phòng ăn cũ của trường tiểu học trước đây làm 3 phòng ở. Trong đó, có 2 phòng đang bố trí cho 8 thầy cô ở lại cả tuần.
Một phòng còn lại được sử dụng làm phòng chờ, dành cho thầy cô dạy ở các điểm trường thôn khi về điểm trường chính hội họp, sinh hoạt chuyên môn. Nhà ăn này được xây dựng theo kiểu lắp ghép, là công trình được các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí trước khi tiến hành sáp nhập theo mô hình trường học 2 cấp nên phòng ở của các thầy cô nóng nực về mùa Hè, lạnh vào mùa Đông.
Ngoài ra, nhà trường còn tận dụng 1 phòng ở của học sinh tại khu nội trú để bố trí cho 3 thầy giáo và một nhân viên y tế vừa ở vừa trực đêm, làm nhiệm vụ nhắc nhở, quản lý và chăm sóc học sinh sau giờ tự học. Thầy Điệp cho biết, dù điều kiện ăn ở, sinh hoạt của thầy cô giáo chật chội và thiếu tiện nghi nhưng nhà trường chưa có giải pháp nào có thể khắc phục.
Trường THPT Như Thanh 2, huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa) nằm trong vùng khó của địa phương. Do đặc thù nhà trường cách xa trung tâm huyện, trong khi cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) của đơn vị chủ yếu là người dưới xuôi lên công tác, nên đều có nhu cầu ở nhà công vụ.
Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Trần Minh Quế, trường có 45 CBGVNV nhưng chỉ có 3 người ở địa phương, còn lại từ nơi xa về công tác. Vì vậy, nhu cầu ở nhà công vụ của CBGVNV nhà trường rất lớn. Trong khi đó, nhà trường có khu nhà công vụ với 23 phòng ở 2 dãy nhà cấp 4. Trong số này, có 20 phòng ở do Sở GD&ĐT Thanh Hóa làm chủ đầu tư xây dựng từ năm 2007 và có 3 phòng do nhà trường xây dựng năm 2011.
Theo thầy Quế, do xây dựng và đưa vào sử dụng đã lâu nên dãy nhà công vụ của Trường THPT Như Thanh đã xuống cấp trầm trọng, nguy cơ mất an toàn cho CBGVNV. Đặc biệt, mùa mưa bão, mọi người ở nhà công vụ luôn nơm nớp lo âu.
Mường Lát là huyện vùng cao biên giới khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, đồng thời là huyện có nhiều điểm trường thuộc diện nhất nhì tỉnh (50 điểm trường). Ông Mai Xuân Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho hay, những năm trước, nhu cầu nhà công vụ rất bức thiết, vì hầu hết giáo viên miền xuôi lên vùng biên công tác.
Tuy nhiên, những năm gần đây có khá nhiều giáo viên người địa phương nên chủ động đi về trong ngày. Những người phải ở lại nhà công vụ là giáo viên xa nhà hay dưới miền xuôi lên công tác. Thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát cho thấy, địa phương cần được đầu tư gần 100 phòng công vụ, chủ yếu ở điểm lẻ của các trường mầm non và tiểu học.
Lý giải nhu cầu nhà ở công vụ cho giáo viên ở huyện vùng biên lớn, bà Hà Thị Hiếu - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) thông tin: Trong số 15 trường mầm non của huyện hiện chưa có trường nào được đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, đặc biệt ở các điểm lẻ.
“Trước đây, khi Nhà nước đầu tư hoặc các tổ chức thiện nguyện hỗ trợ kinh phí thì gần như chỉ để xây dựng phòng học. Trong khi đó, nhiều thầy cô dù ở trong huyện, nhưng có khi phải di chuyển từ nhà đến trường cách xa hàng chục km. Vì thế, nhu cầu ở nhà công vụ rất cấp thiết”, bà Hiếu nói.
Tại các điểm trường Tiểu học - THCS xã Chiềng Công (Mường La, Sơn La) thường xuyên chịu ảnh hưởng của giông lốc vào mùa Hè, gió lạnh buốt vào mùa Đông, suốt mấy tháng chìm trong sương mù dày đặc. Nơi ở của các thầy, cô giáo thường được mượn lớp học của học sinh, nhưng rồi lại thành nơi ở thường xuyên và lâu dài.
Cô Hoàng Thị Gấm - giáo viên dạy lớp 2, Trường Tiểu học - THCS xã Chiềng Công chia sẻ: “Tôi và đồng nghiệp giảng dạy ở các điểm trường vùng sâu, xa chỉ mong muốn có nhà công vụ kiên cố, có điện, nước khép kín đầy đủ để ăn nghỉ, sinh hoạt thuận tiện. Để những ngày mùa Đông giá rét, mưa gió, chúng tôi không phải chịu cảnh co ro vì gió lùa, hoặc chạy ra ngoài bể nước tập thể giặt giũ, hứng nước”.
Chia sẻ về những khó khăn trong thực hiện chính sách đối với giáo viên vùng cao, thầy Nguyễn Hữu Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS xã Chiềng Chăn (Mai Sơn, Sơn La) cho hay: Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy thì điều kiện sinh hoạt của giáo viên còn nhiều bất cập.
Do địa hình đi lại khó khăn, nhiều giáo viên tiểu học cắm bản phải ăn nghỉ tại điểm trường, tuy nhiên phòng công vụ chưa đủ, không đảm bảo sinh hoạt cho thầy cô. Đây là vấn đề lớn cần được quan tâm, tháo gỡ, để giúp đội ngũ an cư lạc nghiệp, cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp giáo dục trong tình hình mới.
Theo thầy Dũng, nhiều giáo viên có nhà xa nơi giảng dạy, phải ở nhà thuê hoặc nhà tập thể của trường. Tuy nhiên, thuê trọ ngoài cũng không dễ dàng, tiền thuê nhà với các khoản chi phí sinh hoạt cao khiến cuộc sống của giáo viên thêm khó khăn.
Đề nghị trong quy hoạch trường, lớp tại các trường, điểm trường cần quan tâm dành quỹ đất, nguồn lực xây dựng nhà công vụ cho giáo viên; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho giáo dục tại các địa bàn khó khăn, để nâng cao chất lượng dạy và học.
Một phòng ở của giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) tại điểm trường thôn. Ảnh: NVCC
Nhiều nơi xuống cấp
Sau gần 20 năm sử dụng, đến nay nhà ở tập thể giáo viên tại khóm Vĩnh Lộc (Vĩnh Bình, Châu Thành, An Giang) xuống cấp nghiêm trọng. Khu nhà tập thể có hai căn, là nơi ở của gần 15 cán bộ, giáo viên nhà xa phải nán lại để dạy học. Phần mái tôn hư hỏng nặng, rệu rã. Trời mưa, các phòng không tránh khỏi dột ướt, dù thầy cô luôn có ý thức gia cố.
Theo chia sẻ của các thầy cô giáo, nhà tập thể giáo viên được xây dựng từ năm 2005. Mỗi căn có 5 - 7 giáo viên ở thường xuyên, vài giáo viên hay lui tới để nghỉ buổi trưa. Điều lo lắng nhất là phòng ở hiện nay bị nứt nẻ, bong tróc, thấm dột nặng. Trời mưa lớn thì nước trên mái nhà dội xuống ướt cả phòng, tình trạng này ngày một nhiều hơn.
Thời gian qua, dù địa phương, ngành Giáo dục đã quan tâm hỗ trợ để sửa chữa nhưng nguồn kinh phí có hạn, chỉ đủ sửa nhỏ, tạm thời, vá víu. Cuối năm 2024, để đảm bảo an toàn chỗ ở cho thầy cô, một căn nhà công vụ được nhà hảo tâm hỗ trợ sửa chữa.
Theo thầy Nguyễn Phi Hổ - Trường THPT Vĩnh Bình, bên cạnh căn nhà tập thể vừa mới được sửa chữa thì còn 1 căn xuống cấp. Lo nhất phần vách tường nứt, chân cột rệu rã. Hơn bao giờ hết, giáo viên sống tại đây mong muốn được các cấp, ngành quan tâm đầu tư sửa chữa, để thầy cô có nơi an toàn “trú nắng trú mưa”, an tâm lưu trú, dạy học.
Thống kê của phòng GD&ĐT huyện Châu Thành, toàn huyện có 9 nhà tập thể giáo viên tại các xã, thị trấn. Hầu hết nhà tập thể sau nhiều năm sử dụng, trải qua nhiều lần sửa chữa đã xuống cấp nghiêm trọng, trong đó nặng nhất là cụm nhà tập thể tại thị trấn Vĩnh Bình.
Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Châu Thành, ông Nguyễn Long Hồ cho hay, thời gian qua phòng GD&ĐT huyện quan tâm đến chỗ ở giáo viên, tuy nhiên trong phân bổ kinh phí của ngành lại không có chi phí để hỗ trợ sửa chữa nhà tập thể cho thầy cô. Phòng GD&ĐT rất mong có nguồn lực xã hội hóa, vận động hỗ trợ địa phương để sửa chữa, cải tạo lại nhà tập thể giáo viên, góp phần giúp thầy cô an tâm công tác.
Khu nhà công vụ của Trường THPT Như Thanh 2 (Như Thanh, Thanh Hóa) xuống cấp trầm trọng. Ảnh: NTCC
Nhân rộng mô hình Khu tập thể Mái ấm công đoàn
Ông Lê Huy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) cho biết, để giảm bớt khó khăn về nơi ăn, chốn ở cho cán bộ, giáo viên, thời gian qua sở GD&ĐT, Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa cùng chính quyền địa phương đã, đang kêu gọi nhiều nguồn lực xây dựng nhà công vụ. Đồng thời, khảo sát, khắc phục tu sửa lại một số nhà công vụ đã xuống cấp, hư hại, nhằm đáp ứng nhu cầu cho giáo viên, đặc biệt tại các điểm trường lẻ, vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn trong huyện…
Ông Trần Văn Bình - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa cho biết, từ năm 2014 đến nay, ngoài sự quan tâm đầu tư của Nhà nước để xây dựng nhà công vụ giáo viên, có nhiều cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này.
Như năm 2014, Công đoàn Giáo dục Việt Nam hỗ trợ 400 triệu đồng và 150 triệu đồng từ nguồn đối ứng của địa phương để xây dựng nhà công vụ cho giáo viên ở xã Yên Nhân (Thường Xuân). Năm 2017, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương hỗ trợ 500 triệu đồng, huyện Quan Sơn đối ứng 150 triệu đồng để xây dựng nhà công vụ giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Sơn Thủy (Quan Sơn, Thanh Hóa) với gồm 5 phòng ở khép kín...
Tại tỉnh An Giang, nhiều năm qua nhu cầu về nhà ở cho người lao động, cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt đội ngũ giáo viên luôn cấp thiết. Dù nhận được sự quan tâm của các ngành, cấp nhưng vấn đề nhà ở còn nhiều khó khăn. Qua thống kê, các đoàn viên thuộc Công đoàn ngành Giáo dục có sự đóng góp lớn nhất, nhưng lại không được thụ hưởng tương xứng với những gì đã đóng góp...
Trước nhu cầu đó, mô hình “Khu tập thể Mái ấm Công đoàn” được Liên đoàn lao động tỉnh An Giang triển khai hơn 10 năm qua. Theo đó, mỗi căn trong “Khu tập thể Mái ấm Công đoàn” có diện tích khoảng 96m2, gồm 3 phòng, mỗi phòng bố trí 4 người ở, kinh phí xây dựng bình quân từ 600 - 650 triệu đồng.
Thầy Nguyễn Trần Vỹ - Chủ nhiệm CLB Kết nối Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết: Trong vận động, kêu gọi kinh phí xây dựng kiên cố hóa các điểm trường thôn, khi thuyết minh, bao giờ cũng đi kèm cả xây dựng phòng ở khép kín cho giáo viên.
Với những điểm trường có 2 phòng học (gồm mầm non và tiểu học) luôn phải xây dựng 2 phòng ở, để tính đến tình huống có thể trường tiểu học cử giáo viên nam đứng dạy ở điểm trường lẻ. Đến nay, từ các nguồn lực xã hội hóa, CLB xây dựng được khoảng 30 phòng ở cho giáo viên ở các điểm trường thôn, nóc tại Nam Trà My.
Nhóm PV
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/giao-vien-vung-kho-phap-phong-lo-chon-an-cu-post716310.html