Giao xe cho con khi chưa đủ tuổi: Thương sai, hại lớn

Giao xe cho con khi chưa đủ tuổi: Thương sai, hại lớn
2 ngày trướcBài gốc
Tình trạng học sinh đi xe máy, xe đạp điện khi chưa đủ tuổi đã trở thành vấn đề nhức nhối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn và hệ lụy pháp lý. Việc nhiều bậc phụ huynh giao xe máy, xe đạp điện cho con khi chưa đủ tuổi vì xuất phát từ tâm lý thương con, muốn con đỡ vất vả. Song, tình thương này vô tình trở thành “thương sai, hại lớn” khi đặt con vào những tình huống dễ gây tai nạn giao thông, còn cha mẹ thì vướng vòng lao lý vì vi phạm pháp luật.
Thực trạng đáng báo động
Hiện nay, ngày càng nhiều phụ huynh giao xe máy, xe đạp điện cho con khi chưa đủ tuổi. Từ đó mà các vụ tai nạn liên quan đến trẻ em sử dụng phương tiện không phù hợp đang gia tăng.
Tình trạng học sinh không tuân thủ an toàn giao thông đang trở thành vấn đề nhức nhối
Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông thật sự đáng báo động khi chỉ trong chín tháng đầu năm 2024, tai nạn giao thông liên quan trẻ em ở lứa tuổi học sinh xảy ra 1.957 vụ, làm chết 783 người, bị thương 2.018 người.
Tại tỉnh Gia Lai, theo thống kê năm 2023 và 2024, toàn tỉnh xảy ra 913 vụ tai nạn giao thông, trong đó, các vụ liên quan đến lứa tuổi vị thành niên, học sinh xảy ra 259 vụ (chiếm 28%). Đồng thời, các đơn vị chức năng đã phát hiện, phạt hơn 3.250 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, trên 2.700 trường hợp giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông, với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng, tạm giữ trên 2.700 phương tiện các loại.
Còn tại tỉnh Lâm Đồng, theo số liệu của Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh, trong năm 2024, đơn vị đã xử lý 957 trường hợp điều khiển xe khi chưa đủ tuổi, trong đó có 598 trường hợp được xác định là học sinh.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng xử phạt các trường hợp lái xe khi chưa đủ tuổi
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, về những nguyên nhân dẫn đến số vụ tai nạn giao thông tăng có một bộ phận học sinh mặc dù chưa đến tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, nhưng phụ huynh vẫn giao xe cho con với nhiều lý do như: Nuông chiều con cái, bận rộn mưu sinh, không có thời gian đưa đón, quản lý con, thậm chí không hiểu biết các quy định của pháp luật. Ngoài ra, áp lực từ môi trường xung quanh khiến nhiều phụ huynh chiều theo xu hướng, nghĩ rằng “ai cũng vậy” thì con mình cũng không thể khác. Điều này tạo ra một hiệu ứng dây chuyền nguy hiểm, khiến tình trạng học sinh đi xe khi chưa đủ tuổi ngày càng phổ biến.
Việc cha mẹ giao xe máy, xe đạp điện cho con khi chưa đủ tuổi có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân đứa trẻ mà còn tác động tiêu cực đến xã hội. Và thực tế, đã có nhiều bậc phụ huynh đã phải trả giá.
Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai xử lý nhóm thanh thiếu niên vi phạm an toàn giao thông
Điển hình tại Gia Lai, năm 2023, bà R.M.P (SN 1986, trú tại xã Ia Lâu) đã giao xe máy dung tích 109cm³ cho con trai là R.M.T (sinh tháng 10/2006), dù T. chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe. Tối 25/10/2023, sau khi uống rượu, T. điều khiển xe chở hai người bạn và xảy ra va chạm với một xe máy khác, khiến cả bốn người tử vong tại chỗ. Bà P. sau đó bị Tòa án Nhân dân huyện Chư Prông tuyên phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo vì hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Hay như hồi tháng 5/2024 tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), bà H.T.K.L. (SN 1978, trú tại phường Thủy Xuân, TP. Huế) giao xe máy cho con trai N.V.Q.H. (SN 2005) điều khiển dù chưa có bằng lái. H. đã gây tai nạn làm một người chết và một người bị thương; bản thân H. cũng bị đa chấn thương, chấn thương sọ não. Bà L. bị khởi tố về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Học sinh lái xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi
Và mới đây là vụ tai nạn tại huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) xảy ra hôm 16/12/2024. Thời điểm này, ông N.T.T. ở xã Đồng Thạnh giao xe máy cho con trai N.T.H. (16 tuổi) sử dụng. H. đã điều khiển xe và gây tai nạn khiến một phụ nữ tử vong. Cả H. và ông T. đều bị khởi tố. H. bị điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, còn ông T. bị khởi tố về hành vi “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
Cần sự chung tay của cả gia đình và xã hội
Thạc sĩ - Luật sư Lê Đình Quốc (Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai) cho biết: Nghị định 168/2024/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 168) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP), chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Nghị định 168 đã nâng mức xử phạt đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện lên cao gấp nhiều lần so với trước đây. Cụ thể, phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng đối với cá nhân (trước đây từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng) và từ 16 - 20 triệu đồng đối với tổ chức (trước đây phạt tiền từ 1,6 - 4 triệu đồng). Đối với ô tô, mức phạt tăng lên 28-30 triệu đồng đối với cá nhân, 56 - 60 triệu đồng đối với tổ chức.
Học sinh cầm lái xe máy điện độ chế lưu thông trên đường cũng khá phổ biến
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, quy định người điều khiển xe mô tô từ 50 cm3 trở lên phải đủ 18 tuổi và có giấy phép lái xe phù hợp. Đối với xe mô tô dưới 50 cm3, độ tuổi tối thiểu là 16.
Nếu việc giao xe dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, như gây tai nạn chết người hoặc thiệt hại lớn về tài sản, cha mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Mức phạt có thể lên đến 7 năm tù, tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng xử phạt các trường hợp lái xe khi chưa đủ tuổi
Theo Luật sư Lê Đình Quốc, việc giao xe cho con khi chưa đủ tuổi không phải là thể hiện tình thương, mà là vô tình đặt con vào tình huống nguy hiểm. Để tránh những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, tránh tình trạng cha mẹ phải vướng vào vòng lao lý khi chưa hiểu biết các quy định của pháp luật, các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là cần quản lý, nhắc nhở con không điều khiển xe tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện.
Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải cụ thể, rõ ràng để tác động hiệu quả trực tiếp đến đối tượng đặc thù là học sinh, qua đó góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và hình thành ý thức, thói quen tuân thủ pháp luật cho các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Công an Gia Lai tuyên truyền phổ biến an toàn giao thông ở lứa tuổi học sinh.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
Trong đó có nhiều giải pháp đã được đưa ra như: Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng bộ quy tắc văn hóa giao thông văn minh (văn hóa chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, ứng xử khi chứng kiến tai nạn, va chạm giao thông; ứng xử khi tham gia xe buýt, xe khách và các loại hình phương tiện giao thông khác; ứng xử khi bị tai nạn, va chạm giao thông, ùn tắc giao thông...) và yêu cầu 100% các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm, kết hợp tuyên truyền, giám sát xây dựng thói quen, văn hóa giao thông văn minh, bền vững cho thế hệ trẻ, từ đó lan tỏa, tác động trở lại đối với người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội.
Theo Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ cụ thể như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy.
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Căn cứ theo Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về giấy phép lái xe như sau:
a) Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11kW;
b) Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11kW và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
Hiền Mai - Lê Sơn
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/giao-xe-cho-con-khi-chua-du-tuoi-thuong-sai-hai-lon-380778.html