Giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông bị xử lý thế nào?

Giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông bị xử lý thế nào?
3 giờ trướcBài gốc
Công an TP Huế (Thừa Thiên Huế) vừa mở đợt cao điểm tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, ra quân xử lý học sinh vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Theo đó, Công an TP Huế phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền Luật giao thông đường bộ cho học sinh. Các nhà trường cũng nghiêm cấm các học sinh sử dụng mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên đến trường.
CSGT Công an TP Huế xử lý các trường hợp học sinh vi phạm Luật giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, việc học sinh vi phạm luật giao thông vẫn diễn ra không ít. Nhiều em điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh 50 cm3 trở lên, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định. Đáng nói, dù phụ huynh biết rõ con em chưa đủ độ tuổi nhưng vẫn giao xe cho điều khiển.
Trước đó, Công an TP Huế xử lý một số vụ việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện gây ra hậu quả đáng tiếc.
Điển hình, Công an TP Huế bắt tạm giam Phan Quang H. (17 tuổi, trú tại phường An Đông) do có hành vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ làm một người chết.
Theo đó, dù không có bằng lái, Hiếu vẫn điều khiển xe tham gia giao thông. Do vượt không đúng quy định, xe của Hiếu va chạm với xe của bà T.T.M. đi phía trước cùng chiều khiến bà M. tử vong sau thời gian điều trị tại bệnh viện.
Công an lấy lời khai Phạm Quang H.
Trước đó, Công an TP Huế khởi tố bà H.T.K.L. (SN 1978, trú tại TP Huế) do có hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông gây tai nạn làm một người chết. Cụ thể, bà L. giao xe cho con là N.V.Q.H. (SN 2005) tham gia giao thông. Khi H. điều khiển xe gây tai nạn làm một người chết và một người bị thương.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Giám đốc Công ty luật An Doanh (Thừa Thiên Huế) cho biết, theo quy định, việc giao xe hoặc cho phép người khác điều khiển xe của mình trong trường hợp người đó không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ là hành vi vi phạm pháp luật.
Điều này bao gồm cả trường hợp người lái xe có bằng lái nhưng bằng lái hết hạn hoặc người lái xe đang bị tước quyền sử dụng bằng. Nếu vi phạm quy định này có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân và từ 1,6 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức.
Luật sư Võ Thị Tuệ Minh.
Luật sư Minh cho biết, theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), trong trường hợp có xảy ra tai nạn giao thông, gây thiệt hại, thương tích hoặc chết người… người giao xe sẽ bị xử lý về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Tùy vào trường hợp cụ thể và mức độ vi phạm người giao xe sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 200 triệu đồng và có thể bị phạt tù cao nhất 7 năm.
Luật sư Minh cho hay, hiện nay tình trạng thanh thiếu niên vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt việc điều khiển mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi, đang ở mức đáng báo động và xảy ra phổ biến.
Pháp luật quy định rất rõ về trường hợp này. Theo đó, đối với người chưa đủ tuổi mà điều khiển xe máy tham gia giao thông, căn cứ theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bới khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới.
Cụ thể, phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô. Phạt tiền từ 400 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên.
Hoàng Dũng
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/giao-xe-cho-nguoi-khong-du-dieu-kien-tham-gia-giao-thong-bi-xu-ly-the-nao-172240920175304442.htm