Giao xe cho trẻ vị thành niên: Đừng để sự chủ quan thành bi kịch

Giao xe cho trẻ vị thành niên: Đừng để sự chủ quan thành bi kịch
6 giờ trướcBài gốc
Không ít phụ huynh vẫn dễ dãi giao xe cho người chưa đủ điều kiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Bi kịch từ những tay lái “non”
“Bố tôi đã không còn... chỉ vì một đứa trẻ chưa đủ tuổi lái xe,” anh Dương Văn Nghĩa (xã Vô Tranh, huyện Phú Lương) nghẹn ngào nhắc về cú sốc khiến gia đình anh mãi mãi mất đi người cha.
Tối 21/6/2023, ông Dương Văn T. (sinh năm 1970) đang điều khiển xe máy trên đường về nhà thì bất ngờ bị một chiếc xe máy do Nguyễn Tuấn K. (14 tuổi) điều khiển, chở theo một bạn 11 tuổi, tông mạnh từ phía sau. Ông T. bị chấn thương nặng vùng đầu, nằm viện thời gian dài và qua đời ngày 18/10/2023. Kết luận giám định cho thấy mức độ tổn thương cơ thể của ông lên tới 83%.
“Tôi chỉ mong, từ câu chuyện đau lòng của gia đình mình, các bậc phụ huynh hãy tỉnh táo và có trách nhiệm hơn trong quản lý phương tiện, không giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện. Một phút dễ dãi có thể đánh đổi bằng cả một mạng người” - anh Nghĩa chia sẻ.
Không riêng trường hợp trên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến người dưới 18 tuổi. Trong số đó, không ít vụ việc chính các em là người điều khiển phương tiện và cũng là nạn nhân, phải trả giá bằng thương tật hoặc mạng sống.
Chỉ trong hai tuần đầu tháng 5-2025, tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến một học sinh thiệt mạng và ba em khác bị thương.
Vụ thứ nhất xảy ra lúc 13 giờ 15 ngày 8/5/2025 tại Tỉnh lộ 265, đoạn qua xóm Cầu Nhọ (xã Tràng Xá, Võ Nhai). Em Hoàng Hải Đ. (sinh năm 2011) điều khiển xe máy không biển số, chở một em sinh năm 2018, đã va chạm với xe tải chạy ngược chiều. Hậu quả, em Đ. tử vong tại chỗ, còn em nhỏ bị thương nặng.
Một ngày sau, vào lúc 12 giờ 42 phút, ngày 9/5/2025, tại Quốc lộ 37, đoạn qua xã Yên Lãng (Đại Từ), hai học sinh cùng sinh năm 2012 điều khiển xe máy từ đường mỏ than Núi Hồng ra quốc lộ đã va chạm với xe ô tô do anh Nông Văn T. (sinh năm 1990, TP. Thái Nguyên) điều khiển. Cả hai học sinh đều bị thương, phương tiện hư hỏng nặng.
Nhiều phụ huynh dành thời gian đưa đón con đi học, thay vì để các em chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đến trường. Ảnh: Mạnh Hùng
Thực trạng đáng báo động
Quan sát ở khu vực cổng một số trường THPT và THCS trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy, bên cạnh những học sinh chấp hành nghiêm luật giao thông, vẫn còn không ít trường hợp vi phạm. Tình trạng các em không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người, đi xe vượt công suất phân khối cho phép và đặc biệt là chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện vẫn diễn ra.
Chỉ trong một buổi sáng 12-5, qua công tác tuần tra, kiểm soát tại khu vực cổng Trường THPT Ngô Quyền, tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã phát hiện 10 trường hợp học sinh vi phạm, tạm giữ 9 phương tiện.
Trong đó có trường hợp em Nguyễn Trường S., sinh năm 2009, ở phường Đồng Quang, đi xe máy điện không gương, không giấy tờ, cũng chưa đủ tuổi điều khiển xe. Hỏi lý do vi phạm, S. nói: Cháu biết là vi phạm, nhưng vì tiện nên vẫn đi.
Đáng nói là trường hợp “biết rồi vẫn vi phạm” như Nguyễn Trường S. không phải là hiếm. Ngoài nguyên nhân do các em nhận thức pháp luật về giao thông chưa đầy đủ, còn một lý do nữa là sự buông lỏng trong quản lý, thậm chí sự “tiếp tay” của chính các bậc phụ huynh.
Chị Đ.T.M (ở thị trấn Giang Tiên, Phú Lương) phân trần lý do cho con gái đang học lớp 10 đi xe điện tới trường: Nhà xa, vợ chồng tôi lại bận công việc không đưa đón con được. Trong khi lịch học chính khóa và học thêm của các con dày, nên đành phải sắm xe để con đi cho tiện lợi.
Khi được hỏi về nguy cơ mất an toàn và vi phạm pháp luật khi con điều khiển xe điện, chị M. chỉ im lặng. Nhưng sự im lặng ấy nếu để lại hậu quả sẽ trở thành gánh nặng khôn nguôi.
Thực tế, không ít phụ huynh như trường hợp chị M. đã phó mặc giao xe cho con dù biết con chưa đủ tuổi và chưa có bằng lái. Tình trạng này không riêng ở tỉnh Thái Nguyên mà còn phổ biến ở nhiều địa phương khác của cả nước. Và chính sự buông lỏng quản lý, sự chủ quan của phụ huynh đã trở thành nguyên nhân của những tai nạn thương tâm để lại hậu quả pháp lý và đạo đức nghiêm trọng.
Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh): 4 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người dưới 18 tuổi; làm chết 8 người và bị thương 24 người.
Trong số này có không ít vụ việc chính các em là người điều khiển phương tiện khi chưa đủ điều kiện tham gia giao thông (chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái).
Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý thanh thiếu niên vi phạm giao thông.
Cần những giải pháp đồng bộ
Những vụ tai nạn giao thông liên quan đến người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện thời gian qua không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.
Bởi vậy, việc tuyên truyền tại các nhà trường để nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục pháp luật và sự giám sát chặt chẽ từ gia đình, nhà trường và cộng đồng là giải pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng này.
Tại các trường học trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm học, theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, mỗi nhà trường đều chủ động phối hợp với cơ quan Công an, Ban An toàn giao thông tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh.
Trong đó, nhiều trường thực hiện hiệu quả mô hình cổng trường an toàn, yêu cầu học sinh và phụ huynh ký cam kết chấp hành tốt luật an toàn giao thông.
Bên cạnh tuyên truyền, các cơ quan chức năng cũng đã thực hiện giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc cả người điều khiển và người giao phương tiện. Như Nghị định 168/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, mức xử phạt đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện đã tăng cường mức xử phạt, qua đó thêm răn đe, cảnh báo.
Luật sư Hoàng Thị Bình, Văn phòng Luật sư Quyết Thắng, Đoàn Luật sư tỉnh Thái Nguyên: Việc giao xe cho người chưa đủ điều kiện không chỉ vi phạm hành chính mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Về tội danh giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông, Điều 264, Bộ luật Hình sự quy định: Phạt tiền từ 10-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tùy mức độ vi phạm.
Thiếu tá Nguyễn Đắc Thái Anh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông đối với độ tuổi thanh thiếu niên, nhất là trong các trường học. Đồng thời huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị, phương tiện tăng cường công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để tạo tính răn đe.
Cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, nhiều bậc phụ huynh dần ý thức rõ hậu quả và chủ động siết chặt quản lý con em mình sử dụng phương tiện giao thông.
4 tháng năm 2025, lực lượng chức năng của tỉnh đã xử lý 115 trường hợp là học sinh vi phạm giao thông. Các lỗi chủ yếu là: Không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Qua đó phạt cảnh cáo 31 trường hợp; phạt tiền 84 trường hợp.
Chị Nguyễn Thị Phượng, phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên), cho biết: Tôi có con đang học ở Trường THCS Lương Ngọc Quyến, dù bận hàng ngày vẫn phải sắp xếp thời gian đưa con đi học. Tôi không dám cho con tự đi xe vì sợ không an toàn.
Còn anh Nguyễn Bá Ngọc, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Chứng kiến nhiều vụ tai nạn do các cháu chưa đủ tuổi gây ra, tôi vô cùng lo lắng. Là phụ huynh, tôi hiểu phải tuân thủ đúng pháp luật, phải nêu gương nên không giao xe cho con khi không đủ điều kiện.
Chỉ một phút tiện lợi hôm nay, có thể là cả đời hối hận mai sau. Giao xe cho người chưa đủ tuổi không chỉ là hành vi thiếu trách nhiệm mà còn có thể khiến một gia đình tan vỡ, một mạng người ra đi, và một tương lai sống trong ân hận.
Mong rằng, mỗi phụ huynh hãy tỉnh táo, mỗi học sinh hãy tự giác chấp hành luật giao thông. Để mỗi hành động đúng của chúng ta hôm nay là một bước đi an toàn cho ngày mai, vì cộng đồng và trước tiên vì chính sự an toàn của các em.
Xét xử vụ giao xe sai quy định, khiến một người thương tật 65%
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm sáng 13-5 của Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên, bà Trần Thị Hà S. (69 tuổi, ở phường Tân Lập) được hai con dìu vào phòng xử án trên đôi nạng gỗ, dáng vẻ mệt mỏi.
Cú va chạm giao thông cách đây hơn một năm đã cướp đi một phần cơ thể và để lại nỗi đau dai dẳng không gì bù đắp được trong bà. Điều đáng nói, người điều khiển xe gây ra tai nạn làm bà S. phải cắt một chân trái lại đang trong độ tuổi vị thành niên.
Đứng trước vành móng ngựa là bị cáo Đỗ Đăng Q. (sinh năm 2008, trú tại phường Gia Sàng).
Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên xét xử vụ án giao xe sai quy định, khiến một người thương tật 65%. Ảnh: Mạnh Hùng
Theo cáo trạng, khoảng 14 giờ 30 ngày 18/4/2024, Đỗ Đăng Q. tự ý lấy xe máy của gia đình rồi rủ bạn bè đi bơi. Đến 16 giờ 30 cùng ngày, sau khi bơi xong, Q. đưa chìa khóa xe cho Nguyễn Huy H. (sinh năm 2009) cầm lái chở mình về, dù biết bạn chưa đủ tuổi lái xe và không có giấy phép lái xe.
Trên đường đi, khi tới ngã tư Gia Sàng, H. điều khiển xe máy chuyển hướng không an toàn, dẫn tới va chạm với xe máy của bà S. đang lưu thông. Cú va chạm khiến bà ngã văng xuống đường, đúng lúc một chiếc xe đầu kéo đi tới. Dù tài xế đã phanh gấp, nhưng bánh xe vẫn cán trúng người bà. Tai nạn khiến bà S. bị dập nát chân trái, phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Kết luận giám định của Trung tâm Pháp y tỉnh Thái Nguyên xác định, bà S. bị thương tật cơ thể 65%, phải cắt 1/3 dưới đùi trái, mất khả năng lao động, sống phụ thuộc vào người thân.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo Đỗ Đăng Q. là nguy hiểm cho xã hội, khi giao xe cho người chưa đủ điều kiện lái xe, trực tiếp gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, xét bị cáo thành khẩn khai báo, là vị thành niên và hậu quả một phần do lỗi của người khác, Hội đồng xét xử tuyên phạt Q. tội giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông, mức án 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Nguyễn Huy H. do chưa đủ 16 tuổi tại thời điểm xảy ra vụ việc, nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, H. cũng bị cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hành chính, đồng thời yêu cầu gia đình phối hợp quản lý, giáo dục.
Cú va chạm giao thông cách đây hơn một năm đã để lại nỗi đau dai dẳng cho bà S. Ảnh: Mạnh Hùng
Bản án đã tuyên, nhưng cuộc đời bà S. đã bước sang một chương khác - chương của nỗi đau thể xác, tổn thương tinh thần suốt quãng đời còn lại. Từ một người phụ nữ khỏe mạnh, bà giờ đây phải chống nạng gỗ, phụ thuộc vào con cháu.
Và phiên tòa khép lại, nhưng những câu hỏi vẫn bỏ ngỏ: Tại sao một thiếu niên 16 tuổi lại dễ dàng lấy xe máy đi ra đường? Cha mẹ ở đâu khi con cái tự ý điều khiển phương tiện? Và bao nhiêu bi kịch nữa sẽ còn xảy ra khi người lớn tiếp tục dễ dãi, buông lỏng quản lý con em mình?
Duy Phương
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202505/giao-xe-cho-tre-vi-thanh-nien-dung-de-su-chu-quan-thanh-bi-kich-6a80916/