Khi không khí Tết tràn ngập khắp phố phường, cũng là lúc những người lao động nghèo bước vào "cuộc đua" không ngừng nghỉ để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy. Trên những con phố đông đúc, hình ảnh các tài xế xe ôm, những người bán hàng rong... đang hối hả mưu sinh giữa cái rét lạnh giá trở nên quen thuộc hơn bao giờ hết.
Đối với nhiều lao động, việc kiếm tiền dịp Tết không chỉ để lo cho bản thân mà còn là để phụ giúp gia đình, báo hiếu cho cha mẹ ở quê...
Chia sẻ với phóng viên, ông Huy (55 tuổi, quê Thanh Hóa) tâm sự, ông ra Hà Nội kiếm sống suốt 10 năm qua. Trước đây, ông từng làm bảo vệ cho một công ty với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng. Sau ba năm gắn bó, ông quyết định chuyển sang làm xe ôm tự do để có thu nhập tốt hơn.
Ông Huy cố gắng chạy xe, bốc hàng thuê để tiết kiệm tiền tiêu Tết. Ảnh: Đan Tâm.
"Càng gần đến Tết, tôi càng phải cố gắng làm việc chăm chỉ để tiết kiệm chút tiền cho gia đình sum họp vui vẻ", ông Huy nói. Hơn một tuần nay, ngoài việc chạy xe ôm, ông còn nhận giao hàng và bốc vác thuê để tăng thêm thu nhập.
"Dịp cuối năm, hàng hóa từ chợ đầu mối về nhiều. Tối đến, tôi làm việc xuyên đêm, bốc hàng cho các tiểu thương rồi vận chuyển đến các chợ trong tỉnh. Công việc vất vả, thu nhập nhận theo ngày, nên nếu không làm việc chăm chỉ thì gia đình tôi khó có một cái Tết đủ đầy," ông chia sẻ thêm.
Tương tự, bà Hoa – người bán hàng rong tại Hà Nội trải lòng: "Tết đến gần, chúng tôi càng thấy mệt mỏi và áp lực. Dù mắt tôi vừa phẫu thuật và vẫn phải băng bó, bác sĩ dặn là phải nghỉ ngơi nhưng tôi không dám dừng việc. Cận Tết, tôi tranh thủ bán hàng để có tiền lo cho gia đình. Làm cả năm rồi, Tết cũng phải cố gắng có chút quà bánh cho vui cửa vui nhà".
Nhiều lao động nghèo cho biết, dịp cuối năm là thời điểm họ cảm thấy tủi thân vì không có lương hay thưởng Tết. Dẫu vậy, họ vẫn kiên trì lăn lộn với công việc để có tiền về quê ăn Tết và chăm lo cho gia đình.
Những người bán hàng rong tranh thủ đi bán hàng vào dịp giáp Tết. Ảnh: Đan Tâm.
Anh Quang, một tài xế giao hàng công nghệ tại Hà Nội, chia sẻ rằng bình thường mỗi ngày nếu chăm chỉ, anh kiếm được khoảng 300.000 - 350.000 đồng. Sau khi trừ chi phí nhà trọ và ăn uống tiết kiệm, mỗi tháng anh gửi về quê cho vợ khoảng 5 - 6 triệu đồng. Tết gần kề, anh mong muốn tăng thu nhập để lo cho gia đình.
"Dạo này trời lạnh hơn nhưng tôi vẫn phải dậy từ 5 giờ sáng đi giao hàng. Dịp Tết, đơn hàng nhiều nhưng đường lại hay tắc, nên dù muốn chạy thêm cũng khó. Thời điểm này, tôi phải chi tiêu tiết kiệm hơn để dành dụm tiền lo Tết. Chỉ mong có sức khỏe và đơn hàng đều đặn để có tiền sắm sửa cho gia đình. Nhiều lúc mệt mỏi nhưng vẫn phải cố gắng," anh Quang nói.
Tài xế giao hàng nỗ lực làm việc để gia đình có Tết. Ảnh: Đan Tâm.
Dù công việc có bận rộn đến đâu, ai cũng mong được trở về bên gia đình trong dịp Tết. Với niềm tin rằng những cố gắng hôm nay sẽ mang lại một mùa xuân ấm áp và một năm mới đủ đầy, họ lại tiếp tục nỗ lực không ngừng nghỉ cho những ngày Tết sắp đến.
Đan Tâm