Tâm sự nghề "hái ra tiền"
Từng nhận chăm nhiều bệnh nhân tai biến nằm một chỗ, chị Tiến (sinh năm 1966, quê Vĩnh Phúc) có kinh nghiệm gần 20 năm chăm người ốm tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Chăm người ốm tại bệnh viện là công việc mang lại thu nhập cao (ảnh minh họa).
"Từ chỗ chỉ là giúp việc đơn thuần cho một gia đình tại Hà Nội, năm 2006, trong một lần đi chăm người ốm, tôi bén duyên với nghề này. Công việc khá vất vả, đổi lại mức thu nhập ổn định hơn so với làm nông nghiệp bấp bênh ở quê", chị chia sẻ và cho biết, hiện tại chị nhận được 800.000 đồng/ngày công, được gia đình người bệnh bao thêm ăn uống.
Ca nặng nhất chị Tiến chăm là một cụ ông bị đột quỵ nằm viện 7 năm. Mỗi khi nhà chị có việc, con cái họ cho xe đưa về tận nhà. Dịp lễ, Tết, việc gia đình người bệnh thưởng dăm ba triệu đồng là thường tình.
Theo chị Tiến, khi chăm bệnh nhân tại viện, các thủ tục giấy tờ tạm trú, tạm vắng, thỏa thuận hợp đồng công việc, lương đều được gia đình người bệnh chủ động lo, thực hiện đầy đủ.
Cũng là người có kinh nghiệm chăm người bệnh tại Viện Lão khoa Trung ương, bà Nguyễn Chiên (quê Phú Thọ) tâm sự, thường với những ca bệnh nặng, công chăm sóc khoảng 600.000 - 700.000 đồng/ngày, ăn uống người chăm tự túc.
"Do giá cả hợp lý, cạnh tranh nên nhóm của tôi làm không hết việc. Quá trình chăm sóc người ốm nằm viện cũng có nhiều chuyện "dở khóc, dở cười". Như khi tôi chăm một cụ ông ở Sơn La, mọi người cùng phòng bệnh cứ hỏi "thế chị là con dâu hay con gái?". Tôi bảo chả phải con gái, con dâu, cháu là người đi chăm thuê". Đi làm có tâm, nhận tiền thì phải chăm đến nơi đến chốn, kể cả khi có người nhà ở đó hay không", bà Chiên tâm sự.
Cảnh giác với dịch vụ kém chất lượng
Chị Lê Huyền (Hà Nội), có người thân đang điều trị bệnh lao phổi tại bệnh viện, từng nghe qua dịch vụ chăm sóc người bệnh trên mạng xã hội nên đã lên mạng tìm kiếm.
Thao tác gõ vài từ khóa "chăm sóc người bệnh tại viện", hàng loạt các hội nhóm, đơn vị nhận chăm sóc người ốm hiện ra trước mắt, với đủ các lời quảng cáo.
Tuy nhiên, khi liên hệ với một vài địa chỉ, chị Huyền giật mình khi giá dịch vụ cao hơn nhiều so với lương viên chức 8 triệu đồng của chị. "Con số 500.000 đến hơn 800.000 đồng/ngày là đắt đỏ, nhưng vì gia đình neo người nên tôi đành "cắn răng" thuê người chăm", chị Huyền tâm sự.
Là nhân viên một doanh nghiệp nước ngoài không thể nghỉ việc để chăm mẹ ốm, nghe lời kể của bạn, chị Nguyễn Tuyết cũng lên mạng xã hội tìm kiếm các địa chỉ chăm người bệnh uy tín để thuê. Thế nhưng, sau khi ký hợp đồng và ứng trước một khoản tiền, người mà chị Tuyết thuê lại không tận tâm như những lời quảng cáo trên trang cá nhân.
"Chỉ nằm viện có gần 1 tuần nhưng mẹ tôi thường xuyên phàn nàn về việc nhân viên chăm sóc không có mặt khi cần đi vệ sinh, uống thuốc, hay uống sữa. Gọi điện thắc mắc thì nhân viên này viện đủ lý do, thậm chí còn tỏ thái độ khó chịu", chị Tuyết nhớ lại và cho rằng, nếu không tìm hiểu kỹ thông tin về dịch vụ này trên mạng, rất dễ trở thành nạn nhân của những dịch vụ kém chất lượng.
Tìm hiểu kỹ khi thuê người chăm
Theo tìm hiểu, những người nhận chăm người bệnh thường đã đứng tuổi (từ 40-60) nhưng sức khỏe tốt, ít có mối lo toan về gia đình, có thể con cái đã lớn, vợ chồng chia tay… Hoặc, chồng lo việc đồng áng, đối nội đối ngoại, chăm con, vợ lên thành phố giúp việc.
Nhìn nhận về nghề chăm người ốm, ông Phạm Thành Vận, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa 16A Hà Đông cho rằng, mô hình này ở nước ngoài đã phát triển từ lâu. Ở Việt Nam, nếu thuê đúng được người chăm sóc có tâm, có kinh nghiệm thì rất tốt cho người bệnh và các gia đình ít người.
"Nếu gia đình neo người, thuê được người chăm thì con cái sẽ yên tâm đi làm, công tác. Tuy nhiên, sợ nhất là khi có mặt người nhà thì họ rất chăm chỉ, không có mặt thì chỉ làm qua loa kiểu "khuất mắt trông coi".
Tôi từng chứng kiến, ngay như việc cho ăn, người chăm bảo trưa nay người ốm ăn được bát đầy nhưng thực ra chỉ đút được 1, 2 thìa là thôi vì bệnh nhân mệt không ăn hoặc khó nuốt", ông Vận kể và khuyến cáo, cần tìm hiểu kỹ dịch vụ khi thuê người chăm. Bởi công việc này cũng có những khâu trung gian, giới thiệu nên sẽ có những phát sinh về sau.
Cùng bàn vấn đề trên, GS Đào Văn Long, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đánh giá, nghề chăm người ốm tại bệnh viện sẽ tốt hơn nhiều nếu người chăm được đào tạo một số kỹ năng điều dưỡng, chăm sóc y tế cho người bệnh.
Nghề giúp việc cũng phải nộp thuế
Thống kê từ Trung tâm Lao động ngoài nước, hàng năm có khá nhiều đơn hàng đưa lao động Việt Nam sang Đức đào tạo làm điều dưỡng. Nếu có thành tích xuất sắc trong quá trình làm việc, người lao động có cơ hội được cử tham gia khóa đào tạo kéo dài 12 tháng để trở thành điều dưỡng viên, hưởng mức lương khoảng 4.000 euro/tháng (tương đương hơn 100 triệu đồng/tháng).
Riêng tại Việt Nam, công việc chăm sóc người bệnh tại bệnh viện thường được gọi là "chăm sóc bệnh nhân tại viện" hoặc "giúp việc chăm sóc bệnh nhân". Đây không phải là một nghề được cấp chứng chỉ chính thức như các nghề điều dưỡng hay y tá, nhưng nó đang dần được thừa nhận vì tính chất thiết yếu của công việc đối với những gia đình không có đủ khả năng chăm sóc người thân trong thời gian dài tại bệnh viện.
Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông cho biết, người chăm sóc bệnh nhân hay bất cứ ai có thu nhập từ tiền công, tiền lương đều phải kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, những người làm hợp đồng mùa vụ hay những công việc tự phát như chăm người ốm nằm viện thường được thanh toán bằng tiền mặt. Vì thế, họ không kê khai nên cơ quan chức năng cũng rất khó phát hiện để thu thuế.
Tường Nhi