Theo Điều 27 Luật Hộ tịch năm 2024 thì thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch được quy định như sau: UBND cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
Mặt khác, theo Điều 29 Luật Hộ tịch năm 2024 thì:
"1. Người yêu cầu bổ sung hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 điều này, nếu thấy yêu cầu bổ sung hộ tịch là đúng, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng trong sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu ký tên vào sổ hộ tịch và báo cáo chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp bổ sung hộ tịch vào giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng và đóng dấu vào nội dung bổ sung".
Ảnh minh họa.
Về cách xác định ngày, tháng sinh khi bổ sung thông tin:
Theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 04/2020/TT-BTP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 04/2024/TT-BTP) quy định về việc bổ sung ngày, tháng sinh như sau:
"1. Giấy tờ hộ tịch quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Hộ tịch có giá trị sử dụng mà không phải bổ sung thông tin hộ tịch còn thiếu so với biểu mẫu hộ tịch hiện hành.
2. Giấy tờ hộ tịch được cấp hợp lệ mà thông tin hộ tịch còn thiếu thì được bổ sung, nếu có giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hợp lệ chứng minh. Yêu cầu ghi bổ sung quốc tịch Việt Nam chỉ thực hiện đối với giấy tờ hộ tịch được cấp kể từ ngày 1/1/2016, sau khi xác định người yêu cầu đang có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.
3. Trường hợp cá nhân đã được đăng ký khai sinh trước ngày 1/1/2016 nhưng giấy khai sinh, sổ đăng ký khai sinh không ghi ngày, tháng sinh thì được bổ sung ngày, tháng sinh theo giấy chứng sinh hoặc văn bản xác nhận của cơ sở y tế nơi cá nhân sinh ra.
Trường hợp không có giấy chứng sinh, không có văn bản xác nhận của cơ sở y tế thì ngày, tháng sinh được xác định như sau:
a) Đối với người có hồ sơ, giấy tờ cá nhân ghi thống nhất về ngày, tháng sinh thì xác định theo ngày, tháng sinh đó.
Trường hợp ngày, tháng sinh trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân không thống nhất thì xác định theo ngày, tháng sinh trong hồ sơ, giấy tờ được cấp hoặc xác nhận hợp lệ đầu tiên.
b) Đối với người không có hồ sơ, giấy tờ cá nhân hoặc hồ sơ, giấy tờ cá nhân không có ngày, tháng sinh thì cho phép người yêu cầu cam đoan về ngày, tháng sinh theo quy định tại Điều 5 thông tư này. (Điều 5 thông tư 04/2020 quy định: Trường hợp cho phép người yêu cầu đăng ký hộ tịch lập văn bản cam đoan về nội dung yêu cầu đăng ký hộ tịch thì cơ quan đăng ký hộ tịch phải giải thích rõ cho người lập văn bản cam đoan về trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật).
c) Trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản này thì ngày, tháng sinh là ngày 1/1 của năm sinh; trường hợp xác định được tháng sinh nhưng không xác định được ngày sinh thì ngày sinh là ngày 1 của tháng sinh".
Như vậy, nếu giấy khai sinh không có ngày, tháng sinh thì người dân nên đến UBND cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch hoặc UBND cấp xã nơi cư trú để đề nghị xem xét, bổ sung hộ tịch theo quy định.
Mức phạt khi cung cấp thông tin sai sự thật về khai sinh
Điều 37, Chương III Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Sau đây gọi tắt là "Nghị định số 82/2020/NĐ-CP") quy định về hành vi vi phạm đăng ký khai sinh như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh;
b) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh;
c) Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy khai sinh đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
Khoản 4 và Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.
Như vậy, người cung cấp thông tin sai sự thật về nội dung khai sinh có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo các quy định nêu trên.
Minh Hoa (t/h)