Giấy phép xây dựng là gì?
Theo Khoản 17 Điều 3 của Luật xây dựng 2014, giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để sửa chữa, xây mới, cải tạo hoặc di dời công trình.
Hiểu một cách đơn giản, giấy phép xây dựng là văn bản xác nhận sự cho phép của cơ quan Nhà nước đối với cá nhân hoặc tổ chức thực hiện công trình xây dựng trong xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc dự án đầu tư...
Giấy phép xây dựng được phân loại thành: Giấy phép xây dựng mới; Giấy phép sửa chữa, cải tạo; Giấy phép di dời công trình.
Giấy phép xây dựng chính là cơ sở để tiến hành xây dựng theo quy định của nhà nước. Việc cấp giấy phép xây dựng cũng là căn cứ để xác định công trình xây dựng có đúng giấy phép hay không. Trường hợp xây dựng trái phép hoặc không đúng với giấy phép sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
(Ảnh minh họa)
Giấy phép xây dựng có hạn bao lâu?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 90 Luật Xây dựng 2014, giấy phép xây dựng có hiệu lực trong vòng 12 tháng. Nếu vì lý do nào đó mà công trình chưa thể khởi công, giấy phép xây dựng có thể được gia hạn.
Giấy phép xây dựng được gia hạn không quá hai lần. Mỗi lần tối đa gia hạn giấy phép không quá 12 tháng. Khi gia hạn, chủ đầu tư phải nộp hồ sơ theo đúng quy định.
Nếu quá hai lần gia hạn giấy phép xây dựng, chủ đầu tư vẫn chưa khởi công công trình thì phải làm thủ tục xin cấp mới giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ xin cấp phép xây dựng
Điều 95, Luật Xây dựng năm 2014 có quy định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng với nhà ở riêng lẻ bao gồm: đơn đề nghị xin xấp giấy phép xây dựng; bản sao các loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định; bản vẽ thiết kế xây dựng; bản cam kết đảm bảo an toàn với công trình liền kề.
Trường hợp xây nhà ở riêng lẻ không có giấy phép xây dựng sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng.
Bằng Lăng (tổng hợp)