Gieo điều bình dị

Gieo điều bình dị
21 giờ trướcBài gốc
Chiều nay, dọn bàn, pha ly trà nóng ngồi đọc báo, thấy tin mấy em sinh viên được ĐHQG TP HCM tặng bằng khen vì… nhường chỗ cho các cựu chiến binh xem lễ. Tự nhiên thấy vui vui. Nhưng cũng bâng khuâng. Vui vì tụi nhỏ có lòng tốt. Lăn tăn vì lòng tốt “tất lẽ dĩ ngẫu” đó giờ được… định giá bằng một tờ giấy khen long lanh.
Nhiều người chia sẻ rần rần trên mạng. Kẻ khen, người chê, người im lặng thở dài. Tôi thì nghĩ đơn giản: tụi nhỏ dễ thương thật. Nhưng mấy chuyện dễ thương như vậy, lẽ ra chỉ nên được lan tỏa bằng cảm hứng, chứ không cần “chứng nhận”.
(Ảnh minh họa/ Internet)
Thật ra, nhường ghế cho người lớn tuổi, cho mẹ bồng con, cho người khuyết tật… là điều mà tụi nhỏ được dạy từ mẫu giáo rồi. Cũng như dừng đèn đỏ, đi học đúng giờ, xếp hàng lấy cơm… Tức là một phần tự nhiên của văn hóa ứng xử - không cần xin phép, không cần giấy tờ, không cần spotlight.
Vì nếu hôm nay, nhường chỗ được bằng khen, thì ngày mai, biết đâu xách đồ giúp bà cụ qua đường cũng được giấy khen? Rồi trẻ con nhường kẹo cho bạn có nên được trao danh hiệu “Chiến sĩ nhí tử tế”?
Chúng ta đang khao khát gieo mầm tử tế trong xã hội. Nhưng gieo bằng cách nào? Bằng giấy khen hay bằng niềm tin rằng: Làm việc tốt không cần trả công?
Tôi từng gặp những đứa em, âm thầm đi dạy miễn phí cho trẻ vùng cao suốt cả năm, chẳng ai biết, cũng không ai khen. Tụi nó vui vì nhìn thấy con chữ sáng lên trong mắt học trò. Vui hơn bất kỳ bằng khen nào.
Cho nên, nếu có gì cần “khen” ở đây, thì là tấm lòng của các em. Và “khen” bằng cách kể lại câu chuyện ấy trong lớp, trong trường, để các bạn khác thấy đẹp, thấy muốn làm theo. Vậy là lan tỏa rồi, đâu cần “bảng vàng lưu danh” hay đưa báo chí rình rang?
Việc tốt là một bản giao hưởng thầm lặng. Mỗi người góp một nốt nhạc. Nếu nốt nào cũng thi nhau đánh trống báo hiệu, thì còn gì là giai điệu?
Làm việc tử tế, mà không mong ai biết, mới là tử tế thật sự. Bởi đôi khi, sự tử tế đẹp nhất là khi nó diễn ra trong im lặng. Không ánh đèn, không máy ảnh, không giấy khen. Chỉ là một khoảnh khắc con người sống với phần tốt đẹp nhất của mình - và đi tiếp. Như các em sinh viên hôm ấy, chắc cũng chẳng ngờ hành động nhỏ ấy lại được đưa lên báo.
Chúng ta có thể cảm ơn các em. Có thể kể lại câu chuyện như một nguồn cảm hứng. Nhưng rồi, hãy để điều đẹp đẽ ấy quay về đúng với bản chất của nó - là điều bình dị, không cần gọi tên.
Thiên Tường
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/gieo-dieu-binh-di-727204.html