Học sinh Trường Tiểu học Trung Lương (Định Hóa) tập luyện võ cổ truyền.
Vọng vang tinh thần võ Việt
Gần một tháng nay, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi rặng núi, nhiều trường học trên địa bàn huyện Định Hóa lại rộn ràng tiếng nhạc hào sảng của bài “Dòng máu Lạc Hồng”. Hàng trăm học sinh trong đồng phục gọn gàng, gương mặt rạng rỡ, đồng loạt xoay người, tung đòn, thủ thế theo những động tác võ cổ truyền đã thuộc nằm lòng. Trong khung giờ 15 phút giữa buổi, thay vì chỉ nghỉ giải lao, các em được hòa mình vào không khí tập luyện đầy khí thế, dứt khoát và hào hùng.
Ở nơi tưởng chừng chỉ quen với tiếng ê a bài học, võ cổ truyền đang trở thành một phần quen thuộc, sinh động và thiêng liêng trong không gian giáo dục của học sinh vùng cao. Em Mạc Hồng Đức, học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học Bảo Cường, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa), hồn nhiên chia sẻ sau buổi tập: Học võ rất vui ạ. Cháu thấy mình nhanh nhẹn hơn, mạnh mẽ hơn. Sau này mà gặp chuyện nguy hiểm thì cũng biết tự bảo vệ mình rồi.
Chuyện học sinh vùng cao tập võ cổ truyền giữa sân trường không phải ngẫu nhiên mà thành. Đầu tháng 3-2025, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa phối hợp với Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tổ chức tập huấn bài bản cho 44 trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Từ đó, bài võ gồm 27 động tác cơ bản đã được đưa vào khung giờ “15 phút giữa giờ” một cách linh hoạt, sáng tạo và đầy cảm hứng để học sinh vừa rèn luyện thân thể, vừa sống trong bầu không khí truyền thống của dân tộc.
Sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Thái Nguyên tham gia biểu diễn võ cổ truyền.
Không chỉ rèn luyện cơ bắp, những bài võ ấy còn dạy trẻ em cách giữ lưng thẳng, lòng vững và mắt sáng. Các em học được sự tập trung, tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết và cả lòng tự trọng khi đứng trong hàng ngũ, nơi mỗi người đều có trách nhiệm giữ nhịp, giữ tư thế, giữ khí phách. Đưa võ cổ truyền vào trường học, chính là cách gieo hạt giống bản sắc từ sớm, để mỗi thế võ trở thành một cách kể chuyện, mỗi lần ra đòn là một lời nhắc nhớ: ta là người Việt.
Ở Thái Nguyên, không chỉ bậc phổ thông mà các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đang đưa võ học vào chương trình đào tạo. Tại Trường Cao Đẳng FPT Polytechnic cơ sở Thái Nguyên, các sinh viên học Vovinam như một học phần chính thức trong chương trình giáo dục thể chất. Mỗi tuần một buổi, mỗi buổi kéo dài hai tiếng, các bạn trẻ được làm quen với những kỹ thuật căn bản, triết lý võ đạo và tinh thần thượng võ.
Chị Trần Thị Huyền Trang, Trưởng bộ môn cơ bản chia sẻ: Sinh viên tập võ, không phải để đánh nhau, mà để rèn tính tự lập, biết giữ nhịp sống, giữ phong thái, và ứng xử có chừng mực trong môi trường hiện đại. Hiện tại, Trường đã có hơn 500 sinh viên từng học võ. Câu lạc bộ võ thuật duy trì sinh hoạt đều đặn, tham gia các giải đấu trong và ngoài tỉnh. Võ đã trở thành một phần trong nhịp sống sinh viên FPT một nét riêng không thể trộn lẫn.
Thầy giáo Vi Văn Duy, người trực tiếp giảng dạy môn Vovinam tại FPT Polyschool, cho biết: Khi học võ, sinh viên không chỉ học động tác mà còn học cách làm chủ bản thân, biết tôn trọng người khác, sống có trách nhiệm hơn.
Phát triển võ cổ truyền trở thành biểu tượng văn hóa
Theo Kế hoạch phát triển Võ cổ truyền Việt Nam năm 2025, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến hết năm nay sẽ có ít nhất 30% các trường học, từ bậc tiểu học đến cao đẳng, thành lập và duy trì hoạt động của câu lạc bộ võ cổ truyền. Xa hơn, đến năm 2030, mục tiêu 100% các cơ sở giáo dục trong tỉnh đều có không gian cho học sinh, sinh viên tiếp cận, tập luyện và sinh hoạt võ học Việt.
Sinh viên Trường Cao Đẳng FPT Polytechnic cơ sở Thái Nguyên tham gia thi đấu võ cổ truyền.
Những con số ấy không chỉ đơn thuần là chỉ tiêu hành chính, mà là lời khẳng định quyết liệt cho một định hướng mang tính lâu dài và căn cơ: đưa võ cổ truyền trở thành một phần sống động và có chiều sâu trong trường học. Ở đó, thể chất, đạo đức và bản sắc văn hóa không tách rời, mà hòa quyện, bổ trợ cho nhau trong hành trình hình thành nhân cách con người Việt Nam thời đại mới.
Bởi giáo dục không chỉ dừng lại ở bảng đen, phấn trắng, mà cần những không gian mở, nơi học sinh có thể rèn luyện sức khỏe, trải nghiệm thực tế, học cách điều tiết cảm xúc, hiểu thế nào là kỷ luật, tôn trọng, kiên trì và vượt lên chính mình. Võ cổ truyền với cốt lõi là tinh thần thượng võ, đạo lý sống đẹp và truyền thống tôn sư trọng đạo chính là môi trường lý tưởng để nuôi dưỡng những phẩm chất đó. Chọn cách phát triển võ cổ truyền trong trường học, Thái Nguyên không chỉ gìn giữ một di sản, mà đang chủ động tạo ra một thế hệ trẻ khỏe mạnh, có bản lĩnh, có gốc rễ văn hóa - những con người có đủ sức đứng vững và hội nhập trong một thế giới không ngừng thay đổi.
Minh Anh