Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa có một cuộc chuyển giao sự sống từ người đàn ông trẻ chết não sang 4 người bệnh khác nhờ nguồn tạng hiến. Câu chuyện này ngay sau khi được chia sẻ đã gây xúc động trên nhiều diễn đàn mạng xã hội và báo chí trong nước.
Trước đó, tại Bệnh viện Bạch Mai, sau 9 ngày các bác sĩ nỗ lực điều trị, bệnh nhân 36 tuổi vẫn không qua khỏi do xuất huyết não nặng, gia đình đã quyết định hiến tạng của anh để cứu 4 người khác. Trái tim của người chết não được vận chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho một người bệnh suy tim; gan được đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghép cho người bệnh suy gan; còn 2 thận được ghép tại Bệnh viện Bạch Mai cho 2 người bệnh suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận, lọc máu nhiều năm.
Chỉ trong vòng 50 phút chạy đua với thời gian, trong suốt quá trình vận chuyển tim hiến, các bác sĩ đã nhận được hỗ trợ của Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội, chi nhánh Hà Nội của hãng hàng không Vietjet giúp cho tim hiến được vận chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế nhanh chóng, kịp thời ghép cho bệnh nhân trong khung giờ vàng (4 - 5 giờ), vì tạng hiến cần được ghép trong vòng 6 giờ sau khi lấy. Và kỳ diệu thay, chỉ chưa đầy 50 phút kể từ khi được đặt vào lồng ngực người bệnh, quả tim hiến đã đập. Chưa đầy 48 giờ sau ghép tim, bệnh nhân đã ngồi dậy và ăn được. Người được nhận tim hiến là bệnh nhân có bệnh tim rất nặng, thời gian sống chỉ tính bằng giờ. Trước đó, bệnh nhân không có được tim hiến phù hợp.
Đội ngũ y bác sĩ đưa quả tim được hiến lên xe để di chuyển ra sân bay Nội Bài.
Qua trường hợp vừa rồi, việc hiến tạng cứu người chính là sợi dây gắn chặt thêm mối liên hệ, tình thân giữa gia đình của người hiến tạng và người được nhận tạng để ghép. Từ đây, họ xem nhau như những thành viên mới trong gia đình, xem nhau là người nhà bởi lẽ trong cơ thể của người sống, người được ghép tạng có một phần cơ thể của con cái, người thân mình. Cho và nhận đã là sợi dây gắn kết giữa những con người trước đây không quen biết trở nên thân tình và gần nhau hơn.
Nhiều năm trước, chuyện hiến xác cho nghiên cứu khoa học, cho nghiên cứu y học hay chuyện đồng ý hiến tạng cho người cần ghép tạng là chuyện gì đó nghe rất xa lạ, không được cởi mở và hoàn toàn chưa phổ biến trong đời sống. Điều đó xuất phát từ một phần tâm lý hoang mang, lo lắng cũng như quan điểm “sống hay chết cơ thể cũng phải lành lặn”. Thế nhưng giờ thì khác. Xã hội hiện đại đã dần tiến bộ, suy nghĩ, quan điểm về sự sống và cái chết trở thành nhẹ nhàng, cởi mở hơn. Hành động hiến tạng cứu người sau khi qua đời đến nay đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
“Việc cho, hiến tạng để cứu sống người khác là hành động cao nhất của tấm lòng từ thiện. Chết là trở về với cát bụi nhưng cho đi là còn mãi. Tôi tin rằng, mỗi khi nhìn thấy ánh mắt, nhịp đập trái tim của người thân mình vẫn hiển hiện, đó chính là hạnh phúc vô bờ của người ở lại.” - Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng xúc động chia sẻ như vậy.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cúi đầu cảm ơn người hiến tạng. Ảnh: BVCC.
Hiến tạng là việc làm nhân đạo, dựa trên tinh thần tự nguyện nhưng cũng cần tuân thủ quy định của pháp luật. Về các quy định đăng ký hiến tạng thì điều kiện rất đơn giản như: người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Một cách đơn giản hơn, người hiến có thể tới hoặc liên hệ trực tiếp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để được tư vấn, trợ giúp hoặc hỗ trợ trực tiếp để đăng ký hiến tạng khi còn sống hoặc cấp thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng (sau khi chết/chết não).
Khi hiến tặng mô, tạng, những người thân của người hiến tạng vẫn có cơ hội được thấy nhịp sống của người thân đang hồi sinh, lan tỏa. Vì lẽ đó, mỗi người cần lắm những nghĩa cử, sự tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần mở lòng nhân ái - lan tỏa yêu thương, gieo mầm sự sống như vậy. Cho đi những bộ phận trong cơ thể khỏe mạnh của mình sau khi không may qua đời để giúp đời, giúp người là nghĩa cử thật đẹp, đáng trân trọng và vô cùng quý giá.
Lê Thông