Khối nữ Gìn giữ hòa bình tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TTXVN
Việc tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Hành trình 11 năm đánh dấu những bước trưởng thành mạnh mẽ của Việt Nam trong quá trình tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả, kiến tạo hòa bình bền vững cho thế giới, qua đó nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của cộng đồng và truyền thông quốc tế.
Trong quá trình đó có sự đóng góp quan trọng của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Chặng đường 11 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, từ Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (năm 2014) đến Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (từ năm 2017 tới nay) đã ghi lại nhiều dấu ấn với những bước tiến không nhỏ, đóng góp vào hoạt động đối ngoại của đất nước nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng. Kỷ niệm Ngày truyền thống Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (27/5/2014 - 27/5/2025) là dịp nhìn lại những kết quả của Quân đội nhân dân Việt Nam trong hành trình vì sứ mệnh nhân đạo quốc tế cao cả - tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Khẳng định tầm vóc Việt Nam trên bản đồ gìn giữ hòa bình thế giới
Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình và luôn trân quý, yêu chuộng hòa bình. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với những mục tiêu của Liên hợp quốc và bày tỏ mong muốn được góp sức vào công việc chung.
Từ sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Ngày 23/11/2012, Bộ Chính trị thông qua “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”. Tiếp đó, ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, trong đó đề ra định hướng “Chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, trong đó có việc tham gia các hoạt động ở mức cao hơn, như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…”
Ngày 27/5/2014, Bộ Quốc phòng công bố Quyết định thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (tiền thân của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam ngày nay) và cử 2 sĩ quan Quân đội đầu tiên đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trên cương vị sĩ quan liên lạc tại phái bộ UMISS (Nam Sudan). Đây là sự kiện đánh dấu sự tham gia chính thức của Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam nhấn mạnh, 11 năm là một quãng thời gian chưa dài so với chặng đường hơn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng đủ để chứng minh bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” trong môi trường quốc tế đa quốc gia với những bất ổn về an ninh và dịch bệnh.
Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, từ những sĩ quan đầu tiên làm nhiệm vụ cá nhân tại phái bộ UNMISS (Nam Sudan), đến nay, chúng ta đã triển khai thành công 1.083 lượt sĩ quan, quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam và sĩ quan Công an nhân dân với 2 loại hình đơn vị và cá nhân.
Qua 11 năm, Việt Nam đã triển khai 6 thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2 với biên chế 63 quân nhân (triển khai thê đội đầu tiên từ năm 2018 tại Bentiu, Nam Sudan); 3 thê đội Đội Công binh với biên chế 184 quân nhân (triển khai thê đội đầu tiên năm 2022 tại khu vực Abyei - một khu vực có xung đột phức tạp); cử 137 lượt sĩ quan cá nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam và 16 sĩ quan của Công an nhân dân đến các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), phái bộ UNMISS (Nam Sudan), phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi), Trụ sở Liên hợp quốc tại New York.
Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng khẳng định, với bản lĩnh, tác phong mẫu mực, tinh thần trách nhiệm cao, lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lãnh đạo Liên hợp quốc, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao. Các thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam ở Nam Sudan đã chăm sóc sức khỏe, điều trị với chất lượng cao cho nhiều lượt bệnh nhân là nhân viên Liên hợp quốc và người dân địa phương; tiến hành thành công các ca phẫu thuật phức tạp như phẫu thuật vi phẫu nối bàn tay cho đồng nghiệp Pakistan…, vận chuyển cấp cứu đường không nhiều ca sản phụ nguy hiểm.
Đội Công binh của Việt Nam cũng thể hiện được năng lực chuyên môn cao, góp phần làm thay đổi diện mạo của phái bộ Liên hợp quốc tại khu vực Abyei. Lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh, và các sĩ quan được triển khai ở hình thức cá nhân khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã giúp đỡ chính quyền sở tại và người dân địa phương làm đường xá; giúp các nhà trường xây dựng, cải tạo lớp học; tổ chức dạy học cho các em nhỏ; khoan giếng nước tặng người dân địa phương; tổ chức khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân; hướng dẫn người dân làm nông nghiệp để cải thiện cuộc sống… Chính những hành động mang tính nhân văn cao đẹp đó đã giúp gắn kết lực lượng mũ nồi xanh của Liên hợp quốc tại các phái bộ với người dân địa phương, đồng thời được lãnh đạo Liên hợp quốc và lãnh đạo phái bộ đánh giá cao.
“Chúng ta đã để lại hình ảnh đẹp, sâu sắc về người chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” - góp phần lan tỏa giá trị nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình”, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng nhấn mạnh.
Tầm nhìn tương lai
Thời gian tới, trước yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục duy trì các lực lượng tại địa bàn và cam kết tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thông qua việc tăng cường cả về số lượng, chất lượng nhân sự và trang thiết bị, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện đất nước; đồng thời, tăng tỷ lệ nữ quân nhân trong lực lượng.
Theo Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, lực lượng gìn giữ hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn dân, toàn quân về vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của nhiệm vụ cao cả này.
Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thường xuyên quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; nắm vững đường lối hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng của Đảng; mục tiêu, quan điểm, lập trường nhất quán của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, cả trên bình diện song phương và đa phương.
“Đối với các lực lượng trực tiếp tham gia, cần quán triệt, giáo dục có nhận thức sâu sắc và phân biệt rõ sự khác nhau về bản chất giữa lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với các lực lượng liên quân đa quốc gia; trang bị cho họ cơ sở lý luận, thực tiễn để tuyên truyền cho nhân dân nước sở tại hiểu rõ mục đích hoạt động của lực lượng “mũ nồi xanh” là phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và thế giới. Chú trọng xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ bản lĩnh chính trị, thái độ trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với các điều khoản, nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Đồng thời, xác định quyết tâm, vượt qua gian khổ, khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng nêu rõ.
Đồng thời, với vai trò là cơ quan chuyên môn, cơ quan tham mưu chủ chốt về lĩnh vực này, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tiếp tục chú trọng công tác huấn luyện, bồi dưỡng tạo nguồn, trong đó có sự kết hợp của các hoạt động hỗ trợ từ các đối tác quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình với việc nghiên cứu, xây dựng và tổ chức huấn luyện theo phương châm: “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, chuyên sâu”, gắn với tăng cường huấn luyện thực hành và diễn tập tổng hợp.
Nội dung huấn luyện tập trung vào đào tạo ngoại ngữ; huấn luyện chuyên môn chuyên ngành, kiến thức gìn giữ hòa bình, tiền triển khai kỹ năng sinh tồn, luật quốc tế, luật nhân đạo, kiến thức về đất nước, con người và các quy định của nước sở tại; tình hình phái bộ, những quy định, nhiệm vụ cụ thể của Liên hợp quốc...; coi trọng bổ sung kiến thức chuyên môn, chuyên ngành quân y, công binh...; bảo đảm cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đều được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết, thích ứng nhanh với môi trường làm việc tại các phái bộ.
Bên cạnh đó là việc phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương hoàn thiện dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 9. Khi được thông qua, Luật sẽ góp phần thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình liên hợp quốc, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, lâu dài, ổn định cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc...
11 năm mới chỉ là bước đầu của một chặng đường rất dài. Trong hành trình phía trước sẽ còn nhiều thử thách cần vượt qua, nhiều sứ mệnh phải hoàn thành, cùng biết bao cơ hội để cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tiếp tục khẳng định mình, để ngày càng có những đóng góp thiết thực hơn cho hòa bình trên thế giới, đồng thời khẳng định tính chính nghĩa và tính nhân văn cao cả, góp phần nâng tầm vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Hiền Hạnh (TTXVN)