Gió có đổi chiều?

Gió có đổi chiều?
2 giờ trướcBài gốc
Lãi suất đô la hạ, giá cà phê đang tăng ngon trớn liệu có đổi chiều?
Tưởng lãi suất đô la Mỹ hạ thì giá cà phê tăng nhưng không phải vậy. Từ hôm Fed ra quyết định thì cũng là lúc giá hai sàn kỳ hạn cà phê rớt liên tiếp vào các ngày 19 và 20-9-2024.
Tăng bốc, giảm sốc
Trước ngày Fed họp 18-9, giá kỳ hạn hai sàn cà phê robusta London và arabica New York tăng lên cực điểm. Robusta kỳ hạn tháng 11-2024 lập kỷ lục cao lịch sử tại mức 5.486 đô la Mỹ/tấn và arabica kỳ hạn tháng 12-2024 lên mức cao nhất tính từ hơn chục năm tại mức 5.992,15 đô la/tấn.
Ngày 20-9, sàn New York quay ngoắt về mức 5.528 đô la/tấn còn robusta lùi về gần 5.008 đô la/tấn và đóng cửa tại 5.059 đô la/tấn với biên độ dao động trong ngày giữa cao và thấp nhất gần 300 đô la (xem hình minh họa).
Cường độ biến động về giá như vậy, nhất là độ rơi quá lớn không khỏi khiến giới kinh doanh giật mình. Thật ra, suy cho cùng, mức giảm “tức thì” sau khi Fed hạ lãi suất điều hành chẳng ăn thua gì so với những đợt tăng trước đó. Nếu tính trong vòng 52 tuần, giá robusta từ mức thấp nhất là 2.137 đô la/tấn đến cuối niên vụ tăng lên 5.486 đô la/tấn và arabica xuất phát từ mức thấp nhất 3.278 đô la/tấn tăng lên 5.992 đô la/tấn thì cú rớt mấy ngày đầu “hậu lãi suất cao” có bõ bèn gì!
Giải mã đợt giảm sau quyết định hạ lãi suất
Trước tiên, đấy là hiện tượng rất thường đối với người kinh doanh trên thị trường tài chính và hàng hóa thương phẩm. Câu “buy the rumors, sell the facts” (tạm dịch là mua theo tin đồn, bán theo dữ kiện) xem ra rất trúng với trường hợp giá cà phê vừa qua. Giá cà phê, nhất là thị trường robusta, dường như đã được “dàn cảnh” để những tay đầu cơ trên sàn càng dễ thực hiện ý định khuynh loát giá.
Thị trường cà phê thực sự được “trợ duyên” khi nhiều nhà xuất khẩu Brazil không thể thực hiện cam kết giao hàng trong năm 2023 và sau đó là một số thành phần trong hệ thống lưu thông phân phối cà phê xuất khẩu tại Việt Nam xù các hợp đồng trong năm 2024 do giá cao, giao hàng thì lỗ, chịu không thấu. Trên hầu hết phương tiện truyền thông và mạng xã hội, tin đồn Brazil và Việt Nam, hai nước sản xuất nhất và nhì thế giới, đều mất mùa rất đậm, không thể lấy đâu ra cà phê để giao… Một cuộc chạy đua săn lùng hàng do nhiều nhà kinh doanh phải mua bất kỳ giá nào đã đẩy giá tăng từng ngày.
Biến động địa chính trị tại Trung Đông bất ngờ chặn đường thông hàng cà phê từ Việt Nam và Indonesia trên vùng Biển Đỏ, giá dầu thô tăng cao, cước tàu biển lên vùn vụt, chi phí logistics được nước dâng cao, khiến tâm lý lo ngại thiếu cà phê tại vùng tiêu thụ lớn châu Âu càng căng thẳng. Cộng với Quy định chống phá rừng (EUDR) cấm tiêu thụ hàng nông sản có nguồn gốc từ phá rừng của EU có hiệu lực cuối tháng 12-2024 đã tạo nên áp lực kéo hàng về các cảng châu Âu trước hạn áp dụng làm tình hình thu mua căng như dây đàn.
Nhưng chính cái rạo rực về một đồng đô la rẻ, dễ đi vay, chính sách tín dụng mềm dẻo của các ngân hàng trung ương đã mồi thêm lửa cho giá cà phê kỳ hạn và một số nơi trên thế giới nóng khôn xiết. Tại Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê robusta hàng đầu thế giới, có lúc giá nguyên liệu tăng lên 135 triệu đồng mỗi tấn, giá xuất khẩu tính trên chênh lệch giữa cảng đi và cảng đến (differential) có lần chạm 1.500 đô la/tấn cộng thêm trên giá niêm yết sàn kỳ hạn London.
Thị trường cà phê đã “cấy” vào giá từ kỳ vọng lãi suất hạ 0,25%, rồi đến 0,50% thậm chí 0,75%, và giới đầu cơ trên các sàn kỳ hạn đã bung tiền ra mua khống không đắn đo. Cả thị trường đâu cũng thấy người mua, từ khu vực hàng thực (physicals) xuất nhập khẩu đến thị trường hàng giấy (paper market), thì khiến sao giá cà phê không tăng!
Đến lúc quay về với thực tế
Nói “dàn cảnh”, sẽ có người cho là quá đáng. Những tin đồn được tạo ra thường đi rất xa với sự thật. Sắp xếp thông tin mà chủ yếu là thông qua đồn đoán trên thị trường cà phê trong những ngày tháng qua theo lịch mà chặng cuối để buông là ngày Fed công bố quyết định hạ lãi suất đầu tiên và đồng thời có tin “hạn hán” trên các vùng cà phê Brazil “chuẩn bị” chấm dứt.
Tin đồn về Brazil mất mùa cà phê trong hai niên vụ trước và hiện nay 2024-2025 là hoàn toàn không có cơ sở. Chúng được diễn đạt theo cách mà thời đại kết nối hiện nay thường nói là “fake news”. Vì chỉ trong vòng tám tháng đầu năm nay, theo báo cáo tháng 8-2024 của Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), nước này đã xuất khẩu 31,892 triệu bao (bao=60 ki lô gam) là mức cao kỷ lục chưa từng thấy trong quá khứ và ghi nhận tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Về kim ngạch, xuất khẩu cà phê Brazil trong kỳ thu được 7,237 tỉ đô la Mỹ, tăng 47,2% so với cùng kỳ năm 2023 là 4,916 tỉ. Nếu tính theo niên vụ của riêng Brazil tính từ tháng 7 hàng năm, chỉ trong hai tháng đầu niên vụ 2024-2025, khối lượng xuất khẩu của nước này tăng 11,8% đạt 7,516 triệu bao so với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch đạt 1,892 tỉ đô la tăng 39,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về chủng loại xuất khẩu, arabica đạt 23,155 triệu bao chiếm 72,6% và tăng 25,7% so với cùng kỳ, còn robusta đạt 6,105 triệu bao tăng 212,2% và chiếm 19,1%. Tỷ lệ còn lại thuộc về cà phê chế biến và hòa tan.
Mỹ là nước nhập khẩu cà phê lớn nhất của Brazil trong kỳ với 5,066 triệu bao tăng 30,1% so với năm 2023, Đức mua 4,575 triệu bao tăng 69,1%. Đặc biệt, lần này, nhiều nước sản xuất cũng cậy nhờ cà phê Brazil như Mexico, Indonesia và Việt Nam. Trong tám tháng đầu năm 2024, Việt Nam mua từ Brazil 485.192 bao tăng 514,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện tượng cho thấy sự thật là chỉ hai ngày tiếp theo sau khi Fed hạ lãi suất (ngày 19 và 20-9), giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta rớt gần 280 đô la/tấn do như đã nói ở trên, người ta trước đó tin lời đồn Brazil hạn hán khốc liệt và… thế giới “dứt khoát” phải thiếu cà phê. Nhưng cũng chính thời điểm ấy, các mô hình dự báo thời tiết các vùng cà phê Brazil sẽ có mưa trong những ngày cuối tháng 9-2024. Thông thường, tại Brazil, tháng 10 là tháng cây cà phê mong mưa nhưng nay cuối tháng 9 được dự báo tin tốt lành.
Cú sốc giá cà phê chưa dừng lại
Cú sốc giá cà phê chưa dừng tại đây và nhiều nhà kinh doanh sẽ còn nhiều phen mất bình tĩnh nếu không tự mình nhận định và kiểm chứng thông tin đúng/sai trên thị trường cà phê. Các nước xuất khẩu cạnh tranh đang tranh thủ đưa hàng sang châu Âu và tồn kho tại đó đang lớn dần.
Tồn kho đạt chuẩn robusta đến ngày 19-9 tăng lên 54.080 tấn so với đầu niên vụ 2023-2024 là 42.780 tấn, arabica tăng gần gấp đôi lên 50.259 tấn so với 26.517. Tồn kho cà phê khả dụng châu Âu tháng 6-2024 đạt 8,41 triệu bao, tăng 4,5% so với tháng 5-2024.
Vị thế kinh doanh của các quỹ quản lý vốn trên hai sàn kỳ hạn đang có lượng hợp đồng dư mua (mua khống) với robusta 38.271 và arabica 61.453 hợp đồng tính đến ngày khóa sổ 17-9-2024 so với mức kỷ lục khối lượng hợp đồng mua khống được ghi nhận tương ứng là 49.043 và 71.811 hợp đồng. Ôm hợp đồng mua được lúc giá cao không chịu bán thanh lý thì trông chờ đến dịp nào?
Lại thêm một thực tế là các nhà nhập khẩu tự dặn lòng không thể mua đại trà với nhiều lý do, trong đó thủ tục nhập hàng vào châu Âu nhiêu khê do luật EUDR cũng hạn chế sức mua của thị trường hàng thực. Nhà nhập khẩu phải cẩn thận chọn bạn hàng uy tín.
Cho nên, cần thấy trước rằng thị trường cà phê có chiều hướng lắng xuống ngay khi Việt Nam vào mùa mới 2024-2025 cho đến khi giới kinh doanh tài chính các nước đủ thời gian tiêu hóa các thay đổi trong chính sách tiền tệ.
Kỳ vọng giá cà phê nội địa đứng vững như hiện nay (115-120 triệu đồng/tấn) và tăng trở lại mức kỷ lục xem ra không thực tế khi vào mùa.
Hiện thực thị trường sẽ “nắn” giá về mức nhà vườn thấy vui và sống khỏe một khi các tác nghiệp của ngân hàng về khung lãi suất mới (vẫn còn tiếp tục thay đổi) của luật EUDR nếu như các nước sản xuất không vì giá cà phê cao mà tăng diện tích và sản lượng, thì bấy giờ, chính mình đẩy giá xuống tự gây khó cho mình.
Nguyễn Quang Bình
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/gio-co-doi-chieu/