Tổng thống Biden (phải) cam kết viện trợ tối đa cho Ukraine trước khi ông Trump (trái) nhậm chức. (Nguồn: AFP)
Theo Bloomberg, ý định nêu trên giải thích cho các quyết định gần đây của ông Biden liên quan đến Ukraine, bao gồm cho phép sử dụng vũ khí tầm xa và phê duyệt gửi mìn chống bộ binh.
Tuy nhiên, hãng tin này thừa nhận các lựa chọn của Tổng thống Biden rất hạn chế, bởi phần lớn số tiền còn lại dành cho Kiev chỉ có thể được sử dụng cho các loại vũ khí có sẵn trong kho của Lầu Năm Góc. Do đó, Mỹ không thể phân bổ quá nhiều, nếu không sẽ gây nguy hiểm cho khả năng phòng thủ của chính “Xứ cờ hoa”.
Bloomberg tiết lộ chính quyền Tổng thống Biden đã cân nhắc khả năng công khai kêu gọi gửi lời mời chính thức Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song thừa nhận khả năng thành công của lời đề nghị này quá thấp.
Thay vào đó, chính quyền Washington hiện tại đang xem xét một số thỏa thuận song phương với Kiev trong lĩnh vực an ninh.
Nga tuyên bố việc cung cấp vũ khí cho Ukraine cản trở nỗ lực giải quyết xung đột và trực tiếp lôi kéo các quốc gia thành viên NATO vào cuộc xung đột.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố bất kỳ chuyến hàng nào chứa vũ khí dành cho Kiev đều sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Moskva.
Theo ông Lavrov, Mỹ và NATO đang trực tiếp can dự vào cuộc xung đột Ukraine, không chỉ thông qua việc cung cấp vũ khí mà còn huấn luyện nhân sự tại Anh, Đức, Italy và các nước khác. Điện Kremlin tuyên bố việc phương Tây bơm vũ khí cho Ukraine không góp phần thúc đẩy đàm phán.
(theo Sputniknews)
Văn Chu