Giờ học bồi đắp tình yêu quê hương

Giờ học bồi đắp tình yêu quê hương
3 giờ trướcBài gốc
Học sinh Trường TH Hy Cương tham gia rước kiệu trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024.
Theo thông lệ, trong mỗi năm học, Trường Tiểu học (TH) Hy Cương đã tổ chức hoạt động trải nghiệm tích hợp liên môn GDĐP - Kỹ năng sống cho học sinh tại Bảo tàng Hùng Vương, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Tại đây, học sinh được tham quan, tìm hiểu các hiện vật trưng bày; giao lưu, tìm hiểu một số kiến thức truyền thống lịch sử. Thông qua các hoạt động này nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và bồi đắp tình yêu quê hương đất nước trong mỗi học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường TH Hy Cương cho biết: Trên cơ sở hướng dẫn của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, ngay từ đầu năm học, Trường TH Hy Cương đã xây dựng kế hoạch GDĐP cụ thể. Theo đó, nội dung GDĐP được tích hợp với hoạt động trải nghiệm để học sinh có điều kiện mở rộng hiểu biết về truyền thống văn hóa lịch sử quê hương, các hoạt động được tổ chức phù hợp với nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi tiểu học. Để học sinh được trải nghiệm thực tế sâu hơn, hằng năm, vào dịp lễ, Tết, Nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương cho học sinh tham gia dâng hương ở Đình Cổ tích; tham gia các trò chơi dân gian; thi kể chuyện giới thiệu về Đền Hùng...
Hằng năm, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, học sinh Trường THCS Hy Cương đều tham gia các hoạt động như: Dâng hương, hát Xoan, lao động vệ sinh... tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Ngoài ra, Nhà trường còn trưng bày tư liệu ảnh giới thiệu về các địa danh thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Qua những chủ đề này, học sinh có những hứng thú để tìm hiểu những nội dung môn học GDĐP, từ đó hình thành tình yêu quê hương; từng bước phát triển phẩm chất và năng lực bản thân theo đúng định hướng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Để mỗi tiết học GDĐP thêm hấp dẫn, sinh động, nhiều năm học qua, Trường THCS Hy Cương đã tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm thực tế, tìm hiểu các điểm di tích ngay tại địa phương như: Đình Cổ Tích, đình Lũng và các điểm trong quần thể Khu Di tích lịch sử Đền Hùng như: Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân trên núi Sim, đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn, Bảo tàng Hùng Vương và đền thờ các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh (núi Hùng).
Học sinh còn tham gia vào đội nghi lễ dâng hương và đội Hát Xoan của địa phương vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng. Ngoài ra, Nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham quan một số điểm di tích lịch sử ngoài địa bàn như: Bảo tàng Quân khu 1 (Thái nguyên), Khu di tích K9 Đá Chông, Hà Nội. Qua những tiết học thực tế này, học sinh nhận thấy, đó không chỉ là niềm vinh dự khi được góp sức hay hiểu về giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử của địa phương, mà còn tự hào vì được sinh ra và lớn lên trên quê hương Hy Cương.
Em Vũ Mai Thanh Trúc - lớp 7C, Trường THCS Hy Cương cho biết: “Được học môn GDĐP, tham gia vào đội dâng hương, đội Hát Xoan của địa phương... giúp em hiểu rõ hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử của vùng Đất Tổ qua các thời kỳ, những nhân vật tiêu biểu thời Hùng Vương dựng nước, nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh... Môn học đã giúp chúng em hiểu biết hơn nữa về vị trí địa lý, địa giới và sự phân chia hành chính của địa phương, những giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian, những làng nghề truyền thống ở Phú Thọ... Từ sự hiểu biết này, em có thể tự tin giới thiệu, hướng dẫn bạn bè trên khắp các vùng miền về vùng quê yêu dấu nơi em được sinh ra - vùng đất Cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, theo Chương trình GDPT 2018, GDĐP là nội dung, môn học bắt buộc, để đáp ứng yêu cầu dạy và học, cũng như những môn học khác, các nhà trường trên địa bàn xã Hy Cương đã khắc phục một số khó khăn như: Chủ động về tài liệu, phương tiện, thiết bị dạy học, linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức thực hiện dạy học các chủ đề trong hoặc ngoài lớp học, đưa vào chương trình hoạt động trải nghiệm, dạy học tích hợp liên môn; gắn lý thuyết với thực hành...
Từ đó, giúp học sinh xâu chuỗi thông tin, cảm nhận rõ được những đặc điểm của từng vùng, miền... Qua đó, góp phần trang bị cho học sinh những kiến thức bổ ích; đồng thời, khơi dậy cho các em hứng thú học tập với bộ môn GDĐP, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống, có những việc làm hữu ích với bản thân, với gia đình, cộng đồng xã hội.
Ánh Dương
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/gio-hoc-boi-dap-tinh-yeu-que-huong-219909.htm