Một ca cấp cứu được sơ cứu kịp thời của đội cấp cứu 115, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Công tác cấp cứu trước viện rất quan trọng và được các nhà chuyên môn rất quan tâm, bởi người bệnh được cấp cứu kịp thời để sống được hay không, có để lại ít di chứng hoặc giảm chi phí điều trị, thậm chí góp phần giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào công tác cấp cứu trước bệnh viện. Nếu một bệnh nhân nặng được xử trí cấp cứu trước viện tốt sẽ qua được cơn hiểm nghèo, để lại ít di chứng, thậm chí tránh được tử vong.
Đối với những nạn nhân bị tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động, tai nạn giao thông nếu được cấp cứu kịp thời ngay tại hiện trường hoặc tại nhà, tại nơi làm việc để ổn định tình trạng bệnh; được theo dõi, chăm sóc, được tiến hành các kỹ thuật cấp cứu trên đường vận chuyển tới bệnh viện thì bệnh nhân sẽ được an toàn hơn.
Theo bác sĩ Đào Ngọc Việt, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sơ cấp cứu là những trợ giúp y tế ban đầu ngay tại nhà, tại hiện trường khi người bệnh bị chấn thương, bị bệnh đột ngột trước khi được tiến hành điều trị chuyên khoa. Sơ cấp cứu giữ vai trò rất quan trọng bởi điều này không chỉ giúp cứu sống bệnh nhân, ngăn không cho tình trạng bệnh xấu đi mà còn thúc đẩy quá trình hồi phục bệnh.
Bệnh nhân H.V.T, xã Trung Môn (Yên Sơn), 58 tuổi, được người thân gọi 115 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng vã mồ hôi, đau thắt ngực trái, khó thở, tím tái,... Sau khi nhận thông tin, đội cấp cứu 115 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cử nhân viên y tế và phương tiện đến nhà, sơ cứu và đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu, điều trị.
Tại đây, bệnh nhân được các y bác sỹ thăm khám khẩn cấp, tình trạng bệnh nhân lơ mơ, mệt mỏi, mạch và huyết áp của bệnh nhân không đo được, chân tay lạnh, da niêm mạc tím tái, điện tim có hình ảnh ST chênh lên, các bác sỹ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp giờ đầu tiên, có chỉ định hồi sức và can thiệp cấp cứu ngay lập tức.
Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Thận nhân tạo chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân được cấp cứu ngoại viện kịp thời.
Kíp can thiệp đã khẩn trương đưa bệnh nhân lên phòng Can thiệp tim mạch. Sau khi can thiệp, bệnh nhân đã được cứu sống qua cơn nguy kịch, tim bệnh nhân có nhịp đều trở lại. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ, đây là trường hợp khá may mắn, khi nhận biết dấu hiệu sớm, nhân viên y tế Trung tâm Cấp cứu 115 có mặt kịp thời, nhận định tình hình ban đầu và chuyển đến bệnh viện kịp thời.
Được thành lập 7-1-2022, Trung tâm Cấp cứu 115 Tuyên Quang, trực thuộc Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa An Sinh có nhiệm vụ điều phối mọi hoạt động của mạng lưới cấp cứu ngoài viện; tổ chức cấp cứu người bệnh tại cộng đồng và vận chuyển người bệnh cấp cứu đến bệnh viện gần nhất…
Bác sĩ Phan Trường Sinh, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Tuyên Quang cho biết: Sau gần 3 năm đưa vào hoạt động Trung tâm đã tiếp nhận hàng ngàn lượt cuộc gọi đến số điện thoại cấp cứu 115. Những trường hợp cần được hỗ trợ y tế bao gồm các bệnh nội khoa, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tai nạn đả thương.
Sau khi tiếp cận người bệnh, nhóm y, bác sĩ cấp cứu ngoại viện sẽ khẩn trương thăm khám và thực hiện các phương pháp, thủ thuật nhằm cấp cứu người bệnh qua cơn nguy hiểm như: cấp cứu ngưng tuần hoàn hô hấp, đặt ống nội khí quản, cho thở oxy, xét nghiệm đường mao mạch, truyền dịch, cho thuốc, băng ép, xử trí vết thương, nẹp cố định gãy chân/tay. Khi tình hình bệnh nhân qua cơn nguy kịch, nhóm cấp cứu nhanh chóng đưa bệnh nhân về bệnh viện để tiếp tục cấp cứu và điều trị.
Anh Phan Văn T, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa), nhớ lại, anh bị viêm gan B từ nhiều năm nay, mới đây (tháng 9-2024) anh có biểu hiện chướng bụng, sốt cao, khó thở, tiểu ít. Tình hình trở nên trầm trọng vào rạng sáng hôm sau. Anh thấy tình trạng khó thở tăng lên, huyết áp tụt và sốc nhiễm khuẩn nên gia đình đã gọi tổng đội cấp cứu của Trung Tâm Y tế huyện Chiêm Hóa. Trong 10 phút cán bộ và xe cấp cứu của trung tâm đã đến và sơ cứu, đánh giá tình trạng của anh và chuyển về Trung tâm Y tế huyện. Tại đây, các bác sĩ đã hội chẩn liên chuyên khoa và đánh giá anh có tiên lượng rất nặng, may anh được cấp cứu kịp thời nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong.
Theo các bác sĩ, việc sơ cứu ngoài cộng đồng cũng như cấp cứu ban đầu càng sớm càng tốt. Việc đó sẽ giúp duy trì chức năng sống của nạn nhân trước khi được chuyển đến bệnh viện, giúp giảm những tổn thương không đáng có. Do đó, việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch.
Bài, ảnh: Minh Hoa