Biểu tượng của Deepseek. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Thế giới trí tuệ nhân tạo (AI) đang chứng kiến "cơn địa chấn" mang tên DeepSeek, một công ty khởi nghiệp AI đến từ Trung Quốc vừa cho ra mắt mô hình tư duy R1 tạo nên cuộc cách mạng về hiệu suất và chi phí. Với sức mạnh vượt trội, AI "R1" của DeepSeek không chỉ cạnh tranh về hiệu suất hoạt động với mô hình tiên tiến nhất của OpenAI mà còn tạo ra bước ngoặt về chi phí khi chỉ phải dùng đến khoản tiền chỉ bằng một phần nhỏ so với các phòng thí nghiệm AI hàng đầu tại Mỹ.
Chính sự đột phá đó đã giúp DeepSeek nhận được hàng loạt lời khen ngợi từ các “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ, từ Microsoft, Meta, Google đến Amazon.
Giám đốc điều hành (CEO) của Microsoft, ông Satya Nadella, công khai thừa nhận những đổi mới thực sự mà DeepSeek mang lại, đồng thời đề cao tính hiệu quả đáng kinh ngạc của mô hình AI mã nguồn mở này.
Microsoft thậm chí đã tích hợp mô hình R1 vào các nền tảng phát triển của mình như Azure và GitHub.
CEO Meta Mark Zuckerberg cũng bày tỏ sự thán phục trước cách DeepSeek tối ưu hóa hạ tầng AI. Ông cho biết Meta có thể học hỏi từ những cải tiến này và thậm chí áp dụng vào các sản phẩm của mình.
Trong khi đó, dù cổ phiếu có chút biến động khi DeepSeek ra mắt, nhưng Nvidia vẫn phải thừa nhận rằng R1 là “một bước tiến xuất sắc của AI”. Công ty này đánh giá cao cách tiếp cận của DeepSeek trong việc mở rộng quy mô của ký thuật “test-time scaling” - cho phép mô hình AI suy nghĩ nhiều hơn trước khi đưa ra câu trả lời, một trong ba phương pháp tối ưu hóa quan trọng trong ngành AI hiện nay.
CEO của Google – ông Sundar Pichai - cũng chia sẻ ấn tượng về AI của Deepseek, nhấn mạnh sự đổi mới của công nghệ này sẽ giúp giảm chi phí phát triển, mang lại lợi ích không chỉ cho Google mà còn cho toàn ngành công nghiệp.
Không chỉ các “ông lớn” công nghệ, DeepSeek còn thu hút sự chú ý từ các đối thủ trực tiếp trong ngành AI. CEO OpenAI - ông Sam Altman - dùng từ “đầy ấn tượng” để mô tả R1, nhất là khi xét về hiệu suất so với chi phí. Sự xuất hiện của DeepSeek đã tạo động lực để OpenAI đẩy nhanh tiến độ ra mắt các mô hình AI mới.
Ông Zack Kass - cựu Giám đốc OpenAI - gọi R1 là “bước đột phá”, nhấn mạnh rằng việc giảm chi phí tài nguyên quan trọng như AI là điều ai cũng mong muốn. Tương tự, CEO của Perplexity, ông Aravind Srinivas, cũng dành nhiều "lời có cánh" cho DeepSeek, khẳng định công ty này không đơn thuần sao chép công nghệ mà thực sự đổi mới theo cách riêng và một số cải tiến của DeepSeek ấn tượng đến mức các công ty lớn khác có thể sẽ học theo.
Việc ra mắt DeepSeek R1 không chỉ là thành tựu công nghệ mà còn có thể tạo ra bước ngoặt quan trọng trong ngành AI. Với các phương pháp phát triển được công khai, nhiều chuyên gia dự đoán một làn sóng AI mã nguồn mở mạnh mẽ sẽ bùng nổ trong thời gian tới.
Theo phân tích của công ty KPMG, DeepSeek có thể tái định hình toàn bộ ngành công nghiệp AI nhờ 3 yếu tố chính: hiệu suất cạnh tranh với các mô hình độc quyền hàng đầu, chi phí phát triển thấp và mô hình mã nguồn mở giúp cộng đồng toàn cầu có thể nghiên cứu, cải tiến.
Một báo cáo từ MIT Technology Review cho thấy các kỹ thuật học tăng cường (reinforcement learning) của DeepSeek đã giúp loại bỏ phần lớn nhu cầu phản hồi từ con người, giảm đáng kể chi phí phát triển. Điều này mở ra cơ hội để các công ty nhỏ và startup AI có thể cạnh tranh với những gã khổng lồ trong ngành, thúc đẩy một môi trường đổi mới và hợp tác chưa từng có.
Thanh Phương/TTXVN