Giám đốc điều hành Vitol Russell Hardy. Ảnh AFP
Sau khi các tập đoàn thương mại hàng đầu châu Âu như Vitol, Trafigura và Gunvor ngừng giao dịch phần lớn dầu Nga sau xung đột ở Ukraine bùng nổ, Moscow buộc phải dựa vào mạng lưới trung gian mới để đưa dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ đến khách hàng ở châu Á, châu Phi và Trung Đông.
Torbjörn Törnqvist, CEO kiêm nhà sáng lập Gunvor, nhận định rằng ngay cả khi phương Tây nới lỏng trừng phạt, Nga có thể vẫn sẽ muốn duy trì mạng lưới trung gian này thay vì quay lại mô hình cũ.
“Họ hiện đã có hệ thống riêng và sử dụng mạng lưới do chính họ kiểm soát để đưa dầu ra thị trường. Tôi cho rằng họ sẽ không quay lại cách làm cũ, và trao toàn bộ quyền vận chuyển và tiếp thị cho các nhà giao dịch”, ông Törnqvist phát biểu tại Hội nghị Hàng hóa Toàn cầu của Financial Times ở Lausanne, Thụy Sĩ.
Trước xung đột, các công ty dầu của Nga như Rosneft thường bán dầu cho các nhà giao dịch châu Âu theo điều khoản FOB, nghĩa là các nhà giao dịch sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển dầu từ các cảng của Nga đến khách hàng nước ngoài, đồng thời thu lợi nhuận từ hoạt động này.
Tuy nhiên, trong tương lai, các công ty Nga như Rosneft có thể sẽ chuyển sang bán dầu theo phương thức giao tận nơi, tức là họ tự vận chuyển dầu đến tay khách hàng thông qua mạng lưới trung gian mà họ đã xây dựng trong ba năm qua. Điều này giúp Nga giữ lại phần lớn lợi nhuận thay vì chia sẻ với các nhà giao dịch phương Tây.
Nhận định từ Gunvor cho thấy có thể sẽ có một cuộc cạnh tranh mới giữa các tập đoàn thương mại châu Âu và các nhóm trung gian tại Dubai và Hồng Kông, những bên đã giúp Nga xuất khẩu dầu kể từ sau xung đột.
Sau khi Mỹ và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với Nga, hầu hết các công ty phương Tây đã rời bỏ thị trường Moscow. Tuy nhiên, Mỹ có khả năng nới lỏng các trừng phạt này nếu đạt được một thỏa thuận hòa bình.
Các Giám đốc điều hành của Vitol, Trafigura và Gunvor cho biết họ có thể sẽ quay lại giao dịch dầu thô Nga nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, nhưng cũng lưu ý rằng điều này có thể sẽ mất một khoảng thời gian.
CEO Russell Hardy của Vitol cho rằng thực tế có thể phải mất một hoặc hai năm để các lệnh trừng phạt được nới lỏng, nên công ty không vội vã chuẩn bị cho việc quay lại thị trường Nga. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng diễn biến có thể nhanh hơn dự kiến.
Ngoài ra, ông chỉ ra rằng mặc dù một số quan chức và lãnh đạo ngành năng lượng Mỹ có vẻ ủng hộ việc nới lỏng trừng phạt, nhưng tình hình ở châu Âu phức tạp hơn nhiều do có nhiều quốc gia với quan điểm khác nhau. “Có thể một số nước châu Âu sẽ quyết định nhập khẩu dầu Nga trở lại, trong khi những nước khác vẫn từ chối”, ông nói.
Richard Holtum, CEO của Trafigura, nhận định rằng với những tín hiệu từ Washington, Mỹ có thể là nước đầu tiên nới lỏng trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, công ty có thể thay đổi lập trường nếu cả Anh và EU cũng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. “Chúng ta sẽ chờ đợi một đợt gỡ bỏ trừng phạt, trước khi cân nhắc quay lại thị trường Nga”, ông Holtum nói.
Nh.Thạch
AFP