Ngày 7/10/2023 đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và phong trào Hamas. Cuộc tấn công bất ngờ từ Dải Gaza khiến 1.200 người Israel thiệt mạng và khoảng 250 người bị bắt làm con tin, buộc chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn. Mục tiêu được tuyên bố rất rõ ràng: giải cứu con tin và xóa sổ Hamas.
Cuộc xung đột ở Gaza đang trở thành phép thử chính trị và trách nhiệm nhân đạo của chính quyền Israel. Nguồn: Financial Times
Tuy nhiên, sau gần hai năm, các mục tiêu ấy vẫn chưa đạt được. Ngược lại, xung đột đang dần cuốn cả Israel và Gaza vào một vòng xoáy không hồi kết, trong đó thiệt hại nhân đạo và sự bất ổn ngày càng gia tăng.
Khoảng cách giữa mục tiêu và kết quả
Thành phố Beit Hanoun, nằm ở phía Bắc Dải Gaza, là một trong những điểm đầu tiên bị Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tấn công sau ngày 7/10. Khu vực này đã trải qua ít nhất bốn chiến dịch càn quét lớn và được đặt dưới sự kiểm soát của lực lượng Israel như một “vùng đệm an ninh”. Thế nhưng, đầu tháng 7 vừa qua, Hamas vẫn có thể tổ chức một cuộc phục kích ngay tại đây, khiến năm binh sĩ Israel thiệt mạng và 14 người khác bị thương.
Vụ việc không chỉ gây chấn động dư luận mà còn làm dấy lên một câu hỏi: Nếu Hamas vẫn có khả năng tác chiến trong một khu vực như vậy, thì chiến lược quân sự của Israel đang thực sự hướng tới điều gì?
Bất chấp tuyên bố từ phía Thủ tướng Netanyahu rằng chiến thắng quân sự là con đường duy nhất để đảm bảo an ninh cho Israel và trả tự do cho các con tin, thực tế trên chiến trường và những đánh giá từ giới chức an ninh cho thấy tình hình phức tạp hơn nhiều. Phần lớn Dải Gaza đã bị tàn phá nghiêm trọng, hơn 75% dân số rơi vào cảnh mất nhà cửa nhiều lần, các thành phố như Khan Younis, Deir al-Balah và đặc biệt là Rafah gần như bị san bằng.
Theo thống kê từ giới chức y tế tại Gaza, số người thiệt mạng đã lên tới gần 60.000 người, phần lớn là dân thường. Trong khi đó, số con tin còn sống được cho là chỉ khoảng 20 người và chưa có ai được trả tự do kể từ tháng 3/2025.
Cùng lúc, lực lượng Hamas vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Theo đánh giá từ tình báo Israel và Mỹ, dù phần lớn lãnh đạo cấp cao và khoảng 20.000 chiến binh đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, Hamas vẫn tiếp tục tuyển mộ lực lượng mới, duy trì quyền kiểm soát tại nhiều khu vực không nằm dưới sự chiếm đóng của IDF và vẫn tiến hành các cuộc tấn công du kích từ mạng lưới hầm ngầm còn sót lại.
Tranh cãi ngày càng gay gắt
Cộng đồng quốc tế và các đồng minh phương Tây của Israel, bao gồm cả Mỹ, ngày càng tỏ rõ sự phản đối vì cái giá phải trả đối với sinh mạng của dân thường.
Không chỉ đối mặt với làn sóng chỉ trích từ bên ngoài, chiến dịch quân sự của Israel còn vấp phải sự phản đối từ chính nội bộ nước này. Các cựu quan chức an ninh, chuyên gia chiến lược và cả cựu Thủ tướng Ehud Olmert đã lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng xung đột đang đi chệch khỏi mục tiêu quân sự, biến thành một cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo.
Với nhiều người dân Israel, chiến dịch quân sự ở Gaza ngày càng trở nên vô nghĩa, khi cả binh lính, con tin và dân thường đều bị cuốn vào vòng xoáy xung đột. Họ cho rằng việc Thủ tướng kiên quyết kéo dài xung đột có thể nhằm duy trì sự tồn tại của liên minh cầm quyền. Cho đến nay ông Netanyahu vẫn đang phải đối mặt với sức ép từ phe cực hữu, những người luôn đe dọa sẽ rút khỏi liên minh nếu ông đồng ý ngừng bắn.
“Đây là một cuộc chiến tiêu hao, không có mục tiêu chiến lược rõ ràng”, ông Michael Milshtein, cựu sĩ quan tình báo IDF, bình luận.
Trong nội bộ quân đội Israel cũng xuất hiện sự chia rẽ. Tổng tham mưu trưởng Eyal Zamir cùng nhiều sĩ quan cấp cao được cho là ủng hộ một thỏa thuận ngừng bắn nhằm đưa một phần con tin trở về. Theo họ, việc mở rộng chiến dịch vào những khu vực còn lại có thể khiến sinh mạng con tin bị đe dọa và đẩy quân đội vào thế buộc phải kiểm soát toàn bộ Gaza - một viễn cảnh không chỉ rủi ro về mặt nhân đạo mà còn khiến Israel thêm gánh nặng hành chính và tài chính khổng lồ.
Cuộc chiến không người thắng
Từ góc nhìn chiến lược, có thể thấy rằng cả hai bên đều không đạt được mục tiêu rõ ràng. Hamas, dù tổn thất nặng nề, vẫn chứng tỏ khả năng tồn tại và phục hồi. Israel, dù giành quyền kiểm soát khoảng 3/4 diện tích Gaza, vẫn không thể đảm bảo an ninh cho binh sĩ, chưa kể việc quản lý lãnh thổ bị chiếm đóng là một gánh nặng kéo dài.
Các cuộc đàm phán tại Qatar về một lệnh ngừng bắn 60 ngày nhằm giải cứu con tin vẫn bế tắc, chủ yếu vì bất đồng về quy mô rút quân và việc liệu xung đột có thực sự kết thúc sau thỏa thuận tạm thời hay không.
Chiến lược “gây sức ép tối đa” của IDF - thông qua việc mở rộng chiến dịch quân sự và không kích hàng ngày - đến nay vẫn chưa mang lại kết quả rõ ràng. Các cuộc tấn công được cho là nhắm vào phần tử Hamas nhưng thường khiến nhiều dân thường thiệt mạng, làm xói mòn thêm hình ảnh quốc tế của Israel.
Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sẽ chỉ kết thúc xung đột khi Hamas bị giải giáp, các con tin được trả tự do và Gaza không còn là mối đe dọa đối với Israel. Song các nhà phân tích cảnh báo rằng đây là một mục tiêu không tưởng nếu không đi kèm giải pháp chính trị - ngoại giao.
Phép thử chính trị
Cuộc chiến tại Gaza giờ đây không còn là cuộc đối đầu quân sự thuần túy. Nó đang trở thành phép thử chính trị và trách nhiệm nhân đạo của chính quyền Israel. Với hơn hai năm xung đột, hàng chục nghìn sinh mạng mất đi, hàng triệu người sống trong cảnh đổ nát và đói nghèo, cái giá của chiến tranh đã vượt xa mọi tính toán chiến thuật.
Dư luận Israel dường như cũng đang dịch chuyển. Các khảo sát gần đây cho thấy phần lớn người dân ủng hộ việc đạt được một thỏa thuận để đưa con tin trở về. Rõ ràng, chiến thắng thực sự không thể chỉ đo bằng số lượng mục tiêu bị phá hủy hay chiến binh bị tiêu diệt, mà là khả năng mang lại ổn định lâu dài và chấm dứt vòng xoáy bạo lực cho cả hai phía.
Như lời của ông Michael Milshtein: “Đây là câu chuyện của một cuộc chiến nhiều thắng lợi chiến thuật nhưng hoàn toàn thiếu vắng thành tựu chiến lược”. Nếu không thay đổi cách tiếp cận, Gaza có nguy cơ trở thành biểu tượng cho thất bại của chính sách quân sự không có điểm dừng - không chỉ với Israel, mà còn với toàn bộ tiến trình hòa bình Trung Đông. Và để chấm dứt vòng xoáy, cả Israel, Hamas và cộng đồng quốc tế cần đặt lại câu hỏi cơ bản: Hòa bình - nếu còn là mục tiêu - sẽ được xây dựng bằng cách nào, và với quyết tâm thực sự ra sao?
Hồng Nhung