Nguyễn Filip đúng
Hơn 1 năm trước, ĐT Việt Nam thua liên tục Indonesia từ vòng loại World Cup đến Asian Cup. Bản thân Nguyễn Filip cũng trải qua một vài trận đầu tiên cùng “Những chiến binh sao Vàng”. Bầu không khí đi từ ngỡ ngàng đến thất vọng. Nhiều ngôi sao trong đội hình ĐT Việt Nam ban đầu khẳng định thất bại trước Indonesia chỉ là tai nạn hoặc sai lầm cá nhân.
Nguyễn Filip không ngại chia sẻ quan điểm về hạn chế của đồng đội Việt Nam.
Họ tin rằng trình độ đối phương, dù sở hữu các gương mặt nhập tịch, cũng không thể tạo ra khoảng cách lớn về năng lực. Song sau 3 thất bại liên tiếp, các tuyển thủ Việt Nam bắt đầu thấm thía 2 điều. Một, Indonesia đã lột xác hoàn toàn. Hai, khát vọng và đẳng cấp của ĐT Việt Nam ở giai đoạn này đã không còn lớn lao như thời hoàng kim vài năm về trước.
Chức vô địch AFF Cup 2024 có thể là liều giảm đau cho ĐT Việt Nam. Nhưng thất bại cay đắng 0-4 trước một Malaysia sao chép nguyên cách thành công của Indonesia một lần nữa phơi bày vấn đề lớn mà bóng đá Việt Nam đang đối diện. Đó là giới hạn về nội lực từ tầm vi mô đến vĩ mô. Chưa luận bàn đến những câu chuyện thượng tầng từ phát triển cấp độ ĐTQG, CLB hay sự khiêm tốn trong khâu đào tạo thế hệ trẻ kế cận, bản thân khát vọng và năng lực của các ngôi sao bên phía ĐT Việt Nam cũng là điều cần phải nói đến.
Suốt 1 năm qua, bóng đá Việt Nam không chứng kiến thêm một ngôi sao xuất ngoại. Văn Toàn từ Hàn Quốc trở về và đầu quân cho Nam Định. Công Phượng chấp nhận gia nhập CLB Bình Phước ở giải hạng Nhất sau giai đoạn mất hút ở Yokohama FC. Tuấn Hải khát khao sang nước ngoài nhưng không được CLB Nhật Bản ngó ngàng. Hoàng Đức khước từ các lời đề nghị của Thái Lan, Hàn Quốc hay châu Âu để gia nhập Ninh Bình với mức lót tay cả triệu đô.
Nhiều chuyên gia, HLV đã nói về câu chuyện giới hạn tham vọng của cầu thủ Việt Nam. Và bản thân chính người trong cuộc cũng đã nói thẳng câu chuyện này. Nguyễn Filip, thủ môn của ĐT Việt Nam và CLB Công an Hà Nội mới đây đã đưa ra quan điểm trên mạng xã hội. Anh nói: “Bóng đá ở Việt Nam có phần khác so với châu Âu. Khác ở đây có thể là tư duy, tinh thần thi đấu của cầu thủ. Trong đó, điểm khác biệt lớn nhất là tham vọng”.
Khi tôi ở CH Czech, mục tiêu của tất cả cầu thủ là được ra nước ngoài thi đấu, muốn chơi cho những giải đấu hàng đầu. Nhưng ở Việt Nam thì khác. Hầu hết cầu thủ đều muốn thi đấu trong nước. Như những gì tôi quan sát, chỉ khoảng 5 cầu thủ mong muốn ra nước ngoài chơi bóng. Nhưng ngẫm lại, tôi cũng hiểu. Các cầu thủ có mọi thứ ở đây. Họ không phải học một thứ ngôn ngữ khác nếu chỉ chơi bóng tại Việt Nam, đúng không? Thêm nữa, các cầu thủ muốn ở lại đây vì họ là những ngôi sao lớn, với thu nhập rất ổn định. Khi người ta đối xử với bạn như một ngôi sao lớn, dù chỉ nổi tiếng ở Việt Nam thôi, bạn cũng sẽ nghĩ mình là một tên tuổi sáng giá rồi. Nhưng khi ra khỏi Việt Nam, ở nước ngoài, tôi tin không ai biết bạn là ai cả”.
Chia sẻ bước đầu của Nguyễn Filip về một vấn đề không mới nhưng luôn nóng của bóng đá Việt Nam được người hâm mộ tán đồng, từ trên truyền thông đến mạng xã hội.
Cầu thị và bảo thủ
Nhưng đó không phải là điều duy nhất trong tư tưởng của một số cầu thủ Việt Nam. Sự bảo thủ trong việc phát triển kỹ năng mới là điều còn nguy hiểm hơn cả việc chậm trễ xuất ngoại. Vốn là một thủ môn phát triển từ bóng đá châu Âu, Nguyễn Filip khẳng định bản thân luôn tham vọng và muốn trở thành người giỏi nhất.
“Tôi vẫn còn nhiều thứ cần phải đạt được. Đó có thể là sự khác biệt. Bạn có thể nói chuyện với HLV thủ môn của tôi. Tôi luôn muốn anh ấy chỉ ra lỗi sai của bản thân mình. Tôi muốn tìm xem mình có mắc lỗi gì không. Thậm chí khi anh ấy nói rằng không vấn đề gì cả thì tôi vẫn phản hồi lại rằng: “Không đâu. Tôi có thể làm tốt hơn như thế”, Nguyễn Filip bày tỏ.
Nhưng điều đó không xảy ra với số đông cầu thủ Việt Nam. “Tôi thấy nhiều người Việt Nam, không chỉ là cầu thủ, không thích bị chỉ trích. Họ không thích bạn chỉ ra lỗi sai của họ. Từng có lần, tôi hét lên với đồng đội trong lúc thi đấu”, Nguyễn Filip không ngại nói ra câu chuyện này. “Ở châu Âu, chuyện đó là hoàn toàn bình thường. Nhưng ở trường hợp kể trên, một số bạn tỏ ra khó chịu và chúng tôi nảy ra tranh cãi. Khi ấy, tôi đáp lại rằng: Được thôi. Nếu bạn không muốn mình tốt hơn thì đó không phải là việc của tôi nữa. Nhưng hãy làm tròn nhiệm vụ trong trận đấu là được. Hoặc đôi lúc tôi thấy họ giả vờ như không nghe hoặc không hiểu những gì tôi nói”.
“Tất nhiên, chẳng ai thích bị chỉ trích cả. Nhưng nếu bạn muốn mình trở thành người giỏi nhất, muốn tiến bộ và vươn lên thì tôi nghĩ bạn cần lắng nghe. Tôi cũng không thích bị chê. Nhưng sau mỗi trận đấu, tôi luôn cố gắng tìm ra những sai lầm để cải thiện. Chắc chắn trong thi đấu, những lỗi phát sinh có thể xảy ra. Giả sử nếu chúng tôi thắng 1-0, các bạn sẽ hay nghe thấy những câu kiểu: Cậu chơi tốt lắm, kết quả ổn rồi. Nhưng khi tự thấy mình mắc lỗi, tôi sẽ nói: Không, tôi chưa hài lòng với những gì mình thể hiện”, Nguyễn Filip bày tỏ.
Anh khép lại luồng quan điểm: “Bất cứ ai cũng có thể mắc lỗi. Nhưng điều quan trọng là thái độ sau đó. Có người chẳng quan tâm và họ coi mắc lỗi chẳng sao cả. Nhưng tôi thì khác. Tôi cố gắng hết sức để tránh lặp lại sai lầm. Và tôi bực mình khi thấy người khác mắc lỗi, họ lại nói: Kệ đi, chẳng sao đâu. Tôi thấy chuyện đó xảy ra khá thường xuyên nữa”.
Sau cùng, nếu chỉ thi đấu ở V.League, nhiều ngôi sao Việt Nam sẽ chẳng bao giờ nhận ra hoặc thừa nhận những hạn chế về năng lực bản thân. Nhưng khi bước ra câu chuyện ở đấu trường quốc tế, giới hạn về đẳng cấp của cầu thủ Việt Nam lập tức phơi bày. Thất bại khi xuất ngoại hay tâm lý hoảng loạn, thi đấu sai chiến thuật trước Indonesia hay Malaysia trong thời gian qua là ví dụ tiêu biểu như thế.
Nhưng liệu cầu thủ Việt Nam có tỉnh mộng sau chia sẻ thẳng và thật của Nguyễn Filip?
An Khánh