EU sẽ họp để bàn về mối quan hệ với Mỹ sau khi ông Donald Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử ở nước này hôm 5/11. (Nguồn: Getty Images)
Hãng tin AFP cho hay, trong thư mời gửi các thành viên Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Michel nhấn mạnh cuộc họp này sẽ tập trung vào ba vấn đề chính: quan hệ với Mỹ, an ninh và địa chính trị, đặc biệt là cuộc xung đột tại Ukraine và các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Theo ông, mối quan hệ với Mỹ là một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển chung của liên minh và các quốc gia thành viên cần tiếp tục hợp tác để thúc đẩy các ưu tiên trong khuôn khổ Kế hoạch chiến lược, hướng tới một châu Âu mạnh mẽ và có chủ quyền.
Cuộc họp diễn ra chỉ một ngày sau chiến thắng của ông Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trên hết", trong cuộc bầu cử ở cường quốc số một thế giới này.
Theo hãng tin AP, trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã đe dọa mọi thứ, từ chiến tranh thương mại với châu Âu, rút khỏi các cam kết của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho đến sự thay đổi cơ bản trong việc ủng hộ Ukraine trong xung đột với Nga.
Tất cả các vấn đề này đều có thể gây ra hậu quả có chưa từng thấy cho các quốc gia trên khắp châu Âu, đặc biệt là EU với 27 quốc gia.
AP cho rằng, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ thay đổi sau cuộc bỏ phiếu hôm 5/11 ở Mỹ, và dưới thời "ông Trump 2.0", nó có thể là một cơn địa chấn chính trị.
Ngoài ra, một trong những chủ đề chính của cuộc họp là việc thảo luận về tình hình tại Gruzia sau cuộc bầu cử gần đây. Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ tìm kiếm một phương án giải quyết phù hợp cho những thách thức mà Gruzia đang đối mặt, đồng thời bàn về các phương hướng hỗ trợ nước này trong quá trình xây dựng nền dân chủ ổn định.
Cuộc họp sẽ tập trung vào tình hình ở Trung Đông, đặc biệt là vấn đề Israel và Palestine, chú trọng đến một đạo luật mới của Israel ngăn chặn Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA). Đạo luật này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ EU-Israel nếu được thực thi.
Theo dự kiến, trong cuộc họp ngày 8/11, các lãnh đạo EU sẽ dành thời gian thảo luận về một vấn đề không kém phần quan trọng: việc tăng cường năng lực cạnh tranh của châu Âu.
Theo Chủ tịch Michel, trong suốt 20 năm qua, tỷ trọng GDP của EU trong nền kinh tế toàn cầu đã giảm đi một nửa và đây là một tín hiệu cảnh báo lớn đối với các quốc gia thành viên. Tình hình hiện nay đang rất nghiêm trọng và cần phải có hành động khẩn cấp để đảo ngược xu hướng này.
Chủ tịch Michel đã nhắc lại lời cảnh tỉnh từ các báo cáo của cựu Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi và cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta rằng, EU đang đứng trước nguy cơ không thể cạnh tranh được với các nền kinh tế khác nếu không có các biện pháp kịp thời.
Các cuộc thảo luận tại cuộc họp sẽ có sự tham gia của các chuyên gia nổi tiếng như Giáo sư Mario Draghi và Chủ tịch ECB Christine Lagarde, với mục tiêu đưa ra các chiến lược cụ thể nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tận dụng sức mạnh của thị trường chung và hỗ trợ tăng trưởng bền vững.
Cùng với đó, các lãnh đạo sẽ tìm cách đưa ra các giải pháp tài chính để đáp ứng những tham vọng kinh tế của EU và xem xét các công cụ tài chính hiện có.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, thông qua sự hợp tác và sức mạnh tập thể, EU sẽ có thể đưa ra các quyết định quan trọng và đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết những thách thức lớn, từ đó tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Cuộc họp không chính thức tại Budapest sẽ là một cơ hội quan trọng để các lãnh đạo châu Âu củng cố mối quan hệ với các đối tác quốc tế, đồng thời tìm ra các giải pháp chiến lược cho các vấn đề trọng yếu đối với sự phát triển của EU trong những năm tới.
Bảo Minh