Tác giả: Thượng tọa Thích Tiến Đạt
Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024
Tóm tắt: Sinh thời Hòa thượng Phúc Điền hoằng dương Phật pháp ở triều Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Hòa thượng được biết đến với nhưng công hạnh nổi bật. Đó là trùng hưng nhiều ngôi già lam danh tiếng ở miền Bắc, như các chùa Pháp Vân, Đại Giác, Phú Nhi, Liên Trì, Liên Phái. Bên cạnh đó Hòa thượng còn day công sưu tầm, biên soạn, diễn nôm, trước tác nhiều bộ kinh sách cho Phật giáo. Những tác phẩm của Hòa thượng góp phần rất lớn trong việc gìn giữ, truyền bá tư tưởng của kinh sách Phật giáo. Ngày nay, tuy một số những trước tác diễn nôm của Hòa thượng chưa sưu tầm được đầy đủ, song những tác phẩm như Thiền uyển kế đăng lục là một trong những trước tác có giá trị đối với việc nghiên cứu hành trạng chư tổ.
Từ khóa: Kế đăng lục, Hòa thượng Phúc Điền, Bài tựa.
1. Giới thiệu tác giả và bộ sách Kế đăng lục
Hòa thượng Phúc Điền là một tác gia Phật giáo lớn ở thế kỷ 19 trong khoảng thời vua Minh Mạng - Tự Đức, nhờ sự trợ duyên của Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai, Hòa thượng đứng ra kiến tạo chùa Liên Trì, huyện Thọ Xương, Hà Nội, quy mô chùa to lớn bậc nhất Hà Thành lúc bấy giờ. Năm Tự Đức thứ 7 (1854) Hòa thượng nhận lời mời của sư tổ Phổ Minh sang kế tục trụ trì chùa Liên Phái. Từ đó Hòa thượng đứng ra tổ chức tôn tạo lại chùa, khiến cho chùa được quy mô, khang trang lộng lẫy. Trong quá trình tu tập nghiên cứu của mình, Hòa thượng Phúc Điền còn lui tới rất nhiều chùa khác như chùa Báo Thiên, chùa Địa Linh (Tây Hồ), chùa Hàm Long Hà Nội, chùa Hàm Long và chùa Thiên Phúc ở Bắc Ninh.
Hòa thượng Phúc Điền đã từng trụ trì cả hai chùa là Liên Phái và Liên Trì, rồi hình thành phát triển cơ sở ấn tống kinh sách với số lượng lớn. Tìm hiểu về cuộc đời của ngài Phúc Điền cho thấy có mối quan hệ giữa chùa Liên Trì - Liên Phái cùng với sự nghiệp khắc in kinh Phật của cả hai ngôi chùa này. Chùa Liên Trì từng là một trung tâm in ấn sách Phật giáo lớn ở miền Bắc thế kỷ 19, theo sách Thăng Long cổ tích khảo 昇龍古跡考 cho biết chùa được làm vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) do Tổng đốc Hà - Ninh Nguyễn Đăng Giai tổ chức xây dựng, tuy nhiên, người có công lao đóng góp vào việc tổ chức in ấn tại chùa là Hòa thượng Phúc Điền.
Vai trò lịch sử để hình thành kho mộc bản kinh sách Phật giáo chùa Liên Phái phải kể đến công lao của Hòa thượng Phúc Điền, đồng thời là ảnh hưởng quan trọng của Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai trong công cuộc ấn tống kinh sách, xiển dương đạo Phật.
Hòa thượng Phúc Điền có nhiều đóng góp trong công tác sưu tầm và tổ chức khắc ván nhiều bộ kinh sách quan trọng của Phật giáo, đặc biệt các bộ có liên quan đến lịch đại tổ sư, mà nhờ đó ngày nay chúng ta có thêm chút tư liệu về thiền tổ, thiền phái nước Nam vốn chỉ có một vài tư liệu. Một trong những bộ sách đó là Thiền uyển truyền đăng lục 5 quyển.
Truyền đăng lục phần do Hòa thượng Phúc Điền bổ sung là bộ thiền sử rất quý ghi chép về chư tổ Việt Nam tiếp nối từ cuối thời Trần, Lê tiếp đến đầu Nguyễn, đây là một giai đoạn còn nhiều khoảng trống về thông tin của chư tổ. Do đó, bộ sách này được coi là một pho Thiền sử quan trọng của Phật giáo Việt Nam.
Mộc bản tại chùa Liên Phái, Hà Nội - Ảnh: Lương Nguyên
2. Dịch nghĩa nguyên văn bài tựa của Hòa thượng Phúc Điền
(Bài tựa khắc mới bộ Truyền Đăng năm quyển)
Khắc ván bộ Truyền Đăng, trước trình bày (gia bản) nguồn gốc
Kế thế truyền đăng, bắt đầu từ đâu? Tây Thiên khởi nguồn từ tổ Ca-Diếp, tương ứng với thời Chu Mục Vương - Trung Quốc. Đông Độ, thủy tổ Đạt-Ma, thời Lương Vũ Đế - Trung Quốc. Nam Việt ta bắt đầu từ sơ tổ Vô Ngôn Thông, tương ứng thời Đường Huyền Tông - Trung Quốc. Sự thụ ký của Phật, việc truyền đăng của Tổ thì cũng giống như sử xanh đất nước, gia phả dòng họ, đều là để tiếp trước mở sau, thừa trên truyền dưới. Từ xưa đến nay (việc như thế) không đổi, là gốc lớn của cả ba nhà vậy. Gốc mà không truyền thì “đạo” chìm, “thống” (dòng giống) đứt. Khiến cho đời sau, ai noi theo để tiếp nối được đây?
Lão Tăng thường xem các ghi chép về “truyền đăng”. Trên thì có tăng, ni nối pháp của năm phái (ngũ gia tông phái: Vân Môn, Tào Động, Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Pháp Nhãn), dưới thì vua quan cư sĩ vào đạo; trong ấy trước hết nêu tên tuổi, quê quán, công án, đức hạnh; sau cùng là quán cơ chỉ dạy, thuật truyền pháp kệ, chi phái thầy trò. Những điều như vậy được chép đủ trong sách “Truyền Đăng Lục”.
Còn ở nước ta, xưa kia có (sách) “Thiền Uyển” là lục, “Tập Anh” là tên, ghi chép hành trạng của các bậc cao Tăng thạc đức của ba triều đại, (chỉ) lược nêu đại khái. Nhưng trong đó nhiều chỗ không thống nhất, rối loạn chẳng rõ ràng. Vì vậy (lão Tăng) hiệu đính chép lại rồi khắc ván lưu hành, để giữ lại bản xưa, (nên) xếp riêng làm quyển “Thượng”. Tiếp đến triều Trần có một quyển “Thánh Đăng Ngữ Lục”, (song) chỉ ghi chép ba vị Tổ đời Trần, có sự tích mà không có hình minh họa. Đến khoảng thời hậu Lê, Tổ sư Như Sơn, căn cứ theo bộ “Ngũ Đăng Hội Nguyên” soạn thành ba quyển, có hình ảnh, có sự tích. Bắt đầu từ Phật Uy Âm, kế đến liệt kê bảy đức Phật Thế Tôn. Sau đó trình bày hai mươi tám tổ Tây Thiên, sáu tổ Đông Độ. Cùng với phái Lâm Tế ở nước ta, đầu tiên từ ba vị tổ là Chuyết Công, Minh Lương và Chân Nguyên; rồi đến chính tông Tào Động, có hai vị là Hòa thượng Thủy Nguyệt và Tổ sư Tông Diễn. (Tuy nhiên) Pháp phái Lâm Tế, chỉ chép từ Chân Nguyên truyền đến Cứu Sinh Thượng Sĩ, còn sau đó trở xuống chưa được chép vào. Lão Tăng nhân đây tuân theo thứ tự kế đăng ở trên, tiếp tục biên thêm năm vị Tổ sư, có hình ảnh, có sự tích. Trong khoảng thời gian từ cuối thời Lê đến năm Mậu ngọ thuộc Thánh triều Tự Đức, trong thì có các bậc xuất trần Đại sĩ, phụng sứ cao lưu, vì đó tu hành; ngoài lại có các bậc minh quân đại thần, cư sĩ tại gia làm bậc hộ pháp. Đều được sắp xếp có thứ lớp như vảy cá. Xót xa nghĩ đến đèn Tổ lại tàn sắp tắt. Do vậy, lão Tăng dốc hết sức mình, vài phen lược chép, từ ba vị tổ đời Trần đến hai phái Lâm Tế - Tào Động, cả chân đế tục đế, soạn thành một tập, cùng ngoại khoa tạp lục, làm riêng thành quyển Hạ. Như thế khiến cho giáo pháp tương truyền, đèn Thiền tiếp nối.
Ngày mùng một tháng 11 năm Mậu Ngọ, niên hiệu Tự Đức thứ 11, giám tự chùa Bồ Sơn pháp danh Phương Viên cùng Tăng chúng môn đồ, thỉnh bộ sách này về bản tự để khắc ván. Cũng vào ngày 13 tháng ấy, giám tự chùa Liên Phái pháp danh Thanh Chiếu, mộng thấy thần Tăng đến bảo: “Ngươi hãy dẫn ta đến chùa Báo Thiên xem bộ Phật Tổ Thống Kỷ đã khắc ván xong chưa?” Đáp rằng: “Bộ này đã khắc xong. Ván in hiện để ở chùa Liên Phái”. Vị thần Tăng nói: “Ta hỏi bộ ‘Tục Phụ Thống Kỷ Tân Bản’ kia, đã khắc xong chưa?” Đáp: “Bản này hiện nay đang ở chùa Bồ Sơn khắc ván chưa xong”. Vị giám tự chợt tỉnh giấc. Ngay ngày hôm ấy liền đến chùa Báo Thiên, bạch lại đầy đủ mọi việc. Lão Tăng nghe vậy, vui mừng khôn xiết. Ấy thật nhờ thần Tăng chứng minh! Lại xin hiện tiền chư Tôn đức, phát tâm hoan hỉ, phát tâm bình đẳng. Hoặc có “có không được mất”, “phải trái tồn vong”, (thì) chớ đem những thứ “nhân ngã bỉ thử” ấy làm tâm vậy. Đấy thật là điều lão Tăng muôn phần trông đợi.
Ngày rằm tháng Giêng năm Kỷ mùi, niên hiệu Tự Đức thứ 12 (1859). Bồ Sơn, Đao điệp Hòa thượng Phúc Điền, kính soạn.
Giám tự pháp danh Phương Viên vâng mệnh khắc ván.
Chưởng lãnh binh tỉnh Sơn Tây, Lê Thuận Chiếu, pháp danh Đại Tuệ hưng công.
Môn nhân Văn Đường vâng mệnh viết chữ.
3. Nguyên văn bài tựa
Tác giả: Thượng tọa Thích Tiến Đạt
Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024