Quang cảnh hội thảo. Ảnh: THÚY LIỄU
Trong giai đoạn 2023 - 2024, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp trên cây trồng, gia súc, gia cầm và thủy sản. Hầu hết các mô hình đều thành công và đem lại nguồn thu nhập tốt cho hộ thực hiện. Từ hiệu quả đó, hộ dân tiếp tục duy trì, phát triển và đơn vị đã nhân rộng mô hình tại các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh. Nổi bật trong số đó là các mô hình trồng vú sữa hữu cơ; trồng ngò gai theo hướng hữu cơ; ứng dụng xi phông tự động nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất; nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh gắn với tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng hệ thống sông trong ao nuôi cá rô phi trong ao tôm; nuôi ba ba; nuôi vọp dưới tác rừng; nuôi cá đăng quầng mùa nước nổi; nuôi dê…
Tại hội thảo, đại biểu đã thông tin thêm nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, một số sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận OCOP như: mô hình nuôi ong lấy mật; mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng; mô hình trồng nấm bào ngư; mô hình nuôi cua trong hộp nhựa… Qua đó, đại biểu cũng mong muốn để phát triển thêm nhiều mô hình cần đầu tư hỗ trợ thêm các nguồn vốn; tăng cường hỗ trợ cho hộ dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Võ Văn Bé cho rằng, thông qua việc triển khai thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhằm lựa chọn mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu để đưa đến hộ dân thực hiện, đặc biệt là đưa mô hình kinh tế đem lại hiệu quả tốt nhất, phù hợp từng điều kiện tự nhiên tại các địa phương, triển khai đến hộ dân, góp phần giúp hộ tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tranh thủ các nguồn vốn xây dựng nhiều hơn nữa các mô hình nông nghiệp triển khai đến địa phương; chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cho địa phương thực hiện mô hình; hỗ trợ hộ dân tham gia thực hiện mô hình thành công…
THÚY LIỄU