Giới thiệu khái quát những vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam

Giới thiệu khái quát những vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam
5 giờ trướcBài gốc
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy, BĐBP Nghệ An phối hợp cùng các lực lượng tổ chức tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới. Ảnh: Lê Thạch
I. Sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan
1. Cơ sở chính trị
QĐND Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Để xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam vững mạnh đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận có nội dung liên quan đến xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND cần được tiếp tục thể chế hóa, như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược quốc phòng Việt Nam; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/1/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/1/2014 của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; Kết luận số 35-KL/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở...
Trong đó, Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị giao: "Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo phối hợp với các cơ quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến công tác quốc phòng, quân sự; sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan đến cơ cấu, chức vụ, trần quân hàm của sĩ quan cấp tướng".
Kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 10809-CV/VPTW ngày 6/8/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng, trong đó, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV theo quy trình một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn và một số cơ chế, chính sách đặc biệt đối với sĩ quan QĐND Việt Nam.
2. Cơ sở pháp lý
Từ khi Luật Sĩ quan năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 và năm 2014 có hiệu lực thi hành đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, như: Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Bộ luật Lao động, Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm xã hội..., nên cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội “là ngành lao động đặc biệt”.
3. Cơ sở thực tiễn
Thứ nhất, Luật Sĩ quan hiện hành (Điều 11) chỉ quy định 11 chức vụ cơ bản của sĩ quan là cấp trưởng, không quy định chức vụ cơ bản là cấp phó, nên chưa cụ thể hóa được các chức danh, chức vụ theo Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị; chưa quy định đầy đủ các chức danh, chức vụ có thẩm quyền chỉ huy, quản lý trong Quân đội nên chưa khẳng định được vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ của chức vụ có thẩm quyền và phân định quyền hạn cấp trên, cấp dưới trong chỉ huy, ra mệnh lệnh, chấp hành điều lệnh, điều lệ, kỷ luật Quân đội. Mặt khác, cũng không quy định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó nên việc xác định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó và sĩ quan không giữ chức vụ chỉ huy, quản lý gặp khó khăn; chưa đồng bộ với cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng tại Nghị định số 01/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ.
Thứ hai, Điều 13, Luật Sĩ quan quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan (cấp úy 46; Thiếu tá 48; Trung tá 51; Thượng tá 54; Đại tá nam 57, nữ 55 và cấp tướng nam 60, nữ 55) chưa tận dụng được nguồn nhân lực có bản lĩnh, năng lực, kinh nghiệm, sức khỏe; chưa bảo đảm chế độ, chính sách cho một bộ phận sĩ quan khi nghỉ hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Thứ ba, khoản 1, Điều 15, Luật Sĩ quan quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan, trong đó, có sĩ quan cấp tướng; tuy nhiên, một số đơn vị đã có sự điều chỉnh, phát triển về quy mô tổ chức, biên chế, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và được điều chỉnh chức danh, chức vụ nhưng chưa được quy định cụ thể trong Luật; do đó, cần phải rà soát, bổ sung, điều chỉnh, bảo đảm cân đối giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, thể hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động, sản xuất.
Khoản 4, Điều 15, Luật Sĩ quan quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; tuy nhiên, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, điều chỉnh tổ chức Quân đội, một số đơn vị không thay đổi về tên gọi nhưng có sự điều chỉnh, phát triển về quy mô tổ chức, biên chế và bổ sung chức năng, nhiệm vụ đã gặp vướng mắc trong đề nghị cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan là cấp tướng, do chưa có sự thống nhất cách hiểu để các đơn vị này được xem là “đơn vị thành lập mới”, nên không thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại khoản 4 nêu trên.
Thứ tư, một số nội dung của Luật Sĩ quan chưa giao cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết như tiêu chí, tiêu chuẩn được xét thăng quân hàm vượt bậc và thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn, phong quân hàm sĩ quan dự bị; một số chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương... quy định chưa cụ thể nên hiệu quả triển khai thực hiện Luật chưa cao.
Từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan là cần thiết.
II. Mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật Sĩ quan
1. Mục đích
- Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan.
- Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bảo đảm bí mật cơ cấu tổ chức của Quân đội.
- Bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế công tác của cán bộ Đảng và Quân đội.
2. Quan điểm
- Bảo đảm QĐND Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, thống lĩnh của Chủ tịch nước, quản lý của Chính phủ, điều hành của Thủ tướng Chính phủ và chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phù hợp với thực tiễn xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, hiện đại.
- Việc sửa đổi, bổ sung Luật trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung vướng mắc, bất cập.
- Việc sửa đổi, bổ sung Luật phải giữ được chất lượng, vị thế, uy tín của đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam; không quy định những vấn đề cụ thể về tổ chức bộ máy và quân hàm cấp Trung tướng trở xuống để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tính chất nhiệm vụ của Quân đội; cân đối giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất.
- Việc sửa đổi, bổ sung Luật phải bảo đảm giữ vững sự ổn định, tăng cường sức mạnh tổng hợp, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; phối hợp với Công an nhân dân giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
(còn nữa)
B.P
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/gioi-thieu-khai-quat-nhung-van-de-lien-quan-den-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-si-quan-qdnd-viet-nam-post483087.html