Giới thiệu khái quát những vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam (tiếp theo)

Giới thiệu khái quát những vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam (tiếp theo)
8 giờ trướcBài gốc
Chú thích ảnh: Cán bộ BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu phát tờ rơi tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản chi tiết tại Trường Trung học phổ thông Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Quang Anh
Việc xem xét, thông qua dự thảo luật quan trọng này tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Báo Biên phòng giới thiệu khái quát những vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan.
III. Bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật
Dự thảo Luật đã trình Quốc hội (kèm theo Tờ trình số 403/TTr-CP ngày 4/9/2024 của Chính phủ) có bố cục 2 điều; nội dung sửa đổi, bổ sung tại 13 điều và thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại 5 điều, gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan (Điều 11); sửa đổi, bổ sung quy định tuổi phục vụ của sĩ quan tại ngũ và sĩ quan dự bị (Điều 13, Điều 38); sửa đổi, bổ sung quy định về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan là cấp tướng, cấp tá, cấp úy (Điều 15) và sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách của sĩ quan như: Tiêu chí, tiêu chuẩn xét thăng quân hàm sĩ quan vượt bậc và thăng quân hàm, nâng lương trước thời hạn (Điều 17, Điều 18); thanh toán tiền cho những ngày không nghỉ phép (Điều 32); chăm sóc sức khỏe đối với sĩ quan và thân nhân sĩ quan tại ngũ (Điều 33); điều kiện nghỉ hưu đối với đối tượng hết tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất (Điều 36); chế độ an điều dưỡng, chăm sóc khi mắc bệnh hiểm nghèo, chế độ thông tin, hỗ trợ tang lễ khi từ trần đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ (Điều 37); phong quân hàm sĩ quan dự bị (Điều 41); trách nhiệm của Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, chính quyền địa phương trong bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội (Điều 46, Điều 47). Nội dung cơ bản của dự thảo Luật như sau:
1. Khoản 1, Điều 1, Dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 11, Luật Sĩ quan) về chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan
Dự thảo Luật điều chỉnh tăng từ 11 lên 17 chức vụ cơ bản của sĩ quan; bổ sung cấp phó: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và các chức vụ là cấp phó của cấp trưởng đến Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó Đại đội.
Ly do: Thực hiện Kết luận số 35-KL/TW và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị (Công văn số 7512-CV/VPTW, ngày 7/8/2023 của Văn phòng Trung ương Đảng) về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân và QĐND; Quân ủy Trung ương xây dựng Đề án về Danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý trong QĐND Việt Nam (Đề án số 573-ĐA/QUTW ngày 16/10/2023), trong đó, quy định 17 nhóm chức vụ cơ bản, chia thành 27 bậc. Luật Sĩ quan hiện hành quy định có 11 chức vụ cơ bản, trong khi cơ cấu tổ chức, biên chế trong Quân đội có nhiều thành phần, lực lượng (có 6.277 chức vụ, 12.310 chức danh) dẫn đến khi xây dựng cần văn bản triển khai thực hiện không cụ thể hóa các chức vụ, chức danh cho phù hợp với thực tiễn Quân đội. Mặt khác, do Luật không quy định cấp phó nên việc quy định phụ cấp chức vụ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc bổ sung chức vụ cấp phó, điều chỉnh tăng từ 11 lên 17 chức vụ cơ bản của sĩ quan để làm cơ sở quy định các chức vụ, chức danh tương đương, phân định rõ cấp trên, cấp dưới và thực hiện chính sách cho sĩ quan là phù hợp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong giai đoạn mới.
2. Khoản 2, Điều 1, Dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 13 Luật Sĩ quan) về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan
Dự thảo Luật sửa đổi về hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm, cụ thể: Cấp úy từ 46 lên 50 tuổi, Thiếu tá từ 48 lên 52 tuổi, Trung tá từ 51 lên 54 tuổi, Thượng tá từ 54 lên 56 tuổi, Đại tá nam từ 57 lên 58 tuổi, nữ từ 55 lên 58 tuổi; cấp tướng nam 60 tuổi giữ nguyên, nữ từ 55 lên 60 tuổi.
a) Về nâng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ
Lý do: Để giữ gìn đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe và có thời gian phục vụ Quân đội dài hơn, giảm áp lực đào tạo cán bộ; phù hợp tính chất, nhiệm vụ của sĩ quan phải thường xuyên trực tiếp chỉ huy, quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong điều kiện khó khăn, gian khổ, đóng quân làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo... Đồng thời, bảo đảm cho sĩ quan cấp Trung tá trở xuống khi nghỉ hưu có đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu mức tối đa 75%, thể hiện chính sách ưu việt, làm cơ sở để thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực phục vụ Quân đội. Mặt khác, việc tăng hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan còn bảo đảm kịp thời phục vụ công tác nhân sự cán bộ cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
b) Việc sửa đổi quy định về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan nêu trên vẫn thấp hơn tuổi của người lao động nhưng đã tiệm cận cao nhất từ trước đến nay so với quy định của Bộ luật Lao động.
Lý do: Nếu tăng tuổi bằng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường của Bộ luật Lao động hoặc bằng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan Công an nhân dân sẽ không bảo đảm cho sĩ quan, nhất là sĩ quan ở các đơn vị đủ quân, sẵn sàng chiến đấu có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và gây ùn tắc, dôi dư trong đội ngũ sĩ quan. Mặt khác, việc quy định về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan như dự thảo Luật đã được Bộ Quốc phòng tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở các phương án tăng tuổi (tính toán ưu điểm, hạn chế của nhiều phương án), vừa phù hợp với tính chất, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức của Quân đội, vừa thực hiện chính sách cán bộ.
c) Dự thảo Luật quy định tuổi của nam sĩ quan, nữ sĩ quan bằng nhau và không xác định lộ trình tăng tuổi.
Lý do: Hiện nay, số lượng nữ sĩ quan chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 3% so với tổng số sĩ quan); hằng năm nguồn bổ sung đầu vào sĩ quan nữ từ tuyển sinh quân sự tại các học viện: Quân y, Hậu cần, Kỹ thuật quân sự, Khoa học quân sự, một số ít được tuyển chọn phong quân hàm sĩ quan và bố trí, sắp xếp ở những chuyên ngành Quân đội không đào tạo được nhưng còn thiếu so với biên chế, phù hợp với sức khỏe, giới tính và được quan tâm, tạo điều kiện để có thời gian chăm sóc gia đình. Theo quy định của Bộ luật Lao động, lộ trình tuổi nghỉ hưu của lao động nữ năm 2024 là 56 tuổi 4 tháng, sau đó mỗi năm tăng 4 tháng, đến năm 2029 là 58 tuổi, năm 2035 là 60 tuổi. Như vậy, tại thời điểm hiện nay, hạn tuổi phục vụ tại ngũ của nữ sĩ quan cấp Thượng tá trở xuống theo quy định tại dự thảo Luật vẫn thấp hơn tuổi nghỉ hưu của lao động nữ nên không quy định lộ trình tăng tuổi của nữ sĩ quan là phù hợp.
Đối với nữ sĩ quan cấp tướng và Đại tá, hiện nay, toàn quân có 1 đồng chí sĩ quan cấp tướng và khoảng 2% nữ sĩ quan cấp Đại tá so với tổng số sĩ quan cấp Đại tá, chủ yếu công tác ở cơ quan cấp chiến lược, các học viện, nhà trường, trung tâm nghiên cứu khoa học, bệnh viện, đơn vị văn hóa nghệ thuật... (không có nữ sĩ quan chỉ huy đơn vị chiến đấu) và có trình độ cao (Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Chuyên khoa II, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú), cơ bản thuộc đối tượng diện kéo dài 5 năm theo quy định của dự thảo Luật. Độ tuổi cao nhất trong số nữ sĩ quan cấp Đại tá hiện nay có 13 đồng chí 53 tuổi nên đến năm 2029 là 58 tuổi, phù hợp với tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động.
Vì vậy, dự thảo Luật không phân biệt tuổi phục vụ tại ngũ giữa nam với nữ và không quy định lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với nữ sĩ quan có quân hàm Đại tá là phù hợp với thực tiễn (vấn đề này đã được Chính phủ nhất trí tại Nghị quyết số 126/NĐ-CP ngày 1/9/2024 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024 và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhất trí với quy định tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan và không phân biệt tuổi nghỉ hưu của nam sĩ quan và nữ sĩ quan).
3. Khoản 3, Điều 1 Dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 15, Luật Sĩ quan) về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan
Sửa đổi, bổ sung Điều 15 để quy định số lượng cấp tướng ở từng cấp nhưng không quy định vị trí cụ thể từ cấp Trung tướng trở xuống; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng; giao Chính phủ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân, Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân.
Lý do: Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị: Luật sửa đổi, bổ sung không quy định những vấn đề cụ thể về tổ chức bộ máy và quân hàm cấp Trung tướng trở xuống trong lực lượng vũ trang mà giao Chính phủ và Bộ Quốc phòng quy định cụ thể theo thẩm quyền để linh hoạt, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ trong bố trí lực lượng (tại Văn bản số 10809-CV/VPTW ngày 6/8/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng) và phù hợp với quy định tại Điều 52, Điều 96 Hiến pháp năm 2013, Điều 18 Luật Tổ chức Chính phủ và Điều 7 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Mặt khác, việc sửa đổi như dự thảo Luật cũng để linh hoạt, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với một số đơn vị không thay đổi về tên gọi nhưng có sự điều chỉnh, phát triển về quy mô tổ chức, biên chế và bổ sung chức năng, nhiệm vụ phù hợp với chủ trương của Đảng về tổ chức QĐND Việt Nam trong tình hình mới và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
(Còn nữa)
B.P
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/gioi-thieu-khai-quat-nhung-van-de-lien-quan-den-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-si-quan-qdnd-viet-nam-tiep-theo-post483172.html