Giới thiệu khái quát những vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam (tiếp theo)

Giới thiệu khái quát những vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam (tiếp theo)
3 giờ trướcBài gốc
Lãnh đạo BĐBP Sóc Trăng trao Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia diễn tập chiến thuật cấp đồn Biên phòng năm 2024. Ảnh: Văn Long
8. Khoản 8, Điều 1, Dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 36) về điều kiện nghỉ hưu của sĩ quan
Dự thảo Luật bổ sung khoản 3 vào Điều 36 để quy định sĩ quan hết tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo quy định tại Điều 13, Luật này nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên thì được nghỉ hưu.
Lý do: Để phù hợp với chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài của Đảng, Nhà nước và "tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là ngành lao động đặc biệt", cụ thể: Ngày 31/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, điểm a, khoản 2, Mục I đã xác định mục tiêu đến năm 2025: "Xây dựng, hoàn thiện quy định của pháp luật và ban hành khung chính sách thu hút, trọng dựng nhân tài trong các lĩnh vực: Lãnh đạo, quản lý; kinh tế; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa, nghệ thuật; khoa học xã hội; thể dục, thể thao; quân sự, quốc phòng và an ninh quốc gia...".
Hiện nay, trong Quân đội có các sĩ quan có trình độ chuyên môn chuyên sâu được tuyển dụng từ bên ngoài vào làm công tác nghiên cứu khoa học, thiết kế, chế tạo vũ khí, khí tài quân sự, chuyên môn nghiệp vụ khác..., trong đó, nhiều đồng chí trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, làm việc ở các cơ quan, đơn vị ngoài Quân đội hoặc là lao động hợp đồng trong các đơn vị, doanh nghiệp Quân đội, có tuổi đời đã cao; nhưng khi hết tuổi theo cấp bậc quân hàm, phải chuyển ra sẽ không đủ 25 năm công tác trong Quân đội để nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2, Điều 36, Luật Sĩ quan. Ví dụ: Những đồng chí là nam sĩ quan trước khi vào Quân đội đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội khoảng 15 năm (tuổi đời là 34 tuổi), nếu công tác trong Quân đội thêm 20 năm nữa thì sẽ có 35 năm đóng bảo hiểm xã hội (tương đương sĩ quan có quân hàm cấp Trung tá, tuổi đời là 54 tuổi), nhưng khi chuyển ra sẽ không đủ điều kiện về tuổi đời để nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1, Điều 36, Luật Sĩ quan (điều kiện nghỉ hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội); đồng thời, chưa đủ 25 năm công tác trong Quân đội để nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2, Điều 36, Luật Sĩ quan.
Việc đề xuất bổ sung khoản 3, Điều 36, bảo đảm quy định sĩ quan đủ điều kiện nghỉ hưu phải đáp ứng đủ điều kiện về hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo cấp bậc quân hàm (theo Dự thảo Luật thì tuổi phục vụ cao nhất: Cấp úy: 50 tuổi; Thiếu tá: 52 tuổi; Trung tá: 54 tuổi; Thượng tá: 56 tuổi; Đại tá: 58 tuổi) và phải có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên (thông thường các trường hợp này đã có từ đủ 20 năm đến 35 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên). Không phải chỉ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội là đủ điều kiện nghỉ hưu.
Qua nghiên cứu quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội có một số quy định liên quan như:
- Khoản 4, Điều 4 (Chính sách của Nhà nước về lao động), Bộ luật Lao động quy định: "Có chính sách phát triển, phân bố nguồn nhân lực; nâng cao năng suất lao động... ưu đãi đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp yêu cầu của cách mạng công nghiệp, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
- Khoản 2, Điều 169, Bộ luật Lao động quy định: "Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ".
- Điều 54, Luật Bảo hiểm xã hội được sửa đổi, bổ sung tại Điều 219, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e, khoản 1, Điều 2 của Luật này nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2, Điều 169 của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp Luật Sĩ quan, Luật Công an nhân dân, Luật Cơ yếu, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có quy định khác.
Mặt khác, từ ngày 1/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành thì quân nhân có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, đủ điều kiện về tuổi đời theo quy định tại khoản 2, Điều 169, Bộ luật Lao động (nam: 56 tuổi 3 tháng, nữ: 51 tuổi 8 tháng) đủ điều kiện nghỉ hưu.
Vì vậy, việc bổ sung quy định như Dự thảo Luật nhằm bảo đảm quyền lợi của sĩ quan và thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và phù hợp với thực tiễn hiện nay.
9. Khoản 9, Điều 1, Dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 37) về quyền lợi của sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ và sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần
Bổ sung quy định sĩ quan nghỉ hưu được hưởng chế độ an điều dưỡng, chăm sóc khi mắc bệnh hiểm nghèo, chế độ thông tin, hỗ trợ tang lễ khi từ trần.
Lý do: Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 23/3/1988 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: "Đây là lớp người đã có cống hiến trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Cần chú trọng thực hiện tốt chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước về chăm sóc các đồng chí cán bộ quân đội về hưu..."; Điều 68, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 đã quy định: "Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh; bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh; thực hiện chính sách hậu phương quân đội; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức phù hợp với tính chất hoạt động của QĐND...". Mặt khác, khoản 3, Điều 2, Luật Quốc phòng xác định: Quân sự là hoạt động đặc biệt của xã hội về xây dựng lực lượng vũ trang, đấu tranh vũ trang, trong đó QĐND làm nòng cốt và khoản 7, Điều 37, Luật Sĩ quan hiện hành quy định: Sĩ quan tại ngũ từ trần thì thân nhân của sĩ quan đó ngoài chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội còn được trợ cấp một lần theo quy định của Chính phủ.
Trong thực tiễn, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy xã hội phát triển bền vững; trong đó có chính sách đối với cán bộ nghỉ hưu nói chung, cán bộ Quân đội nghỉ hưu nói riêng. Cụ thể: Từ năm 1982, ngoài thực hiện các chế độ, chính sách chung của Đảng và Nhà nước, cán bộ Quân đội nghỉ hưu luôn được quan tâm đến chế độ, chính sách (chế độ an điều dưỡng, khám chữa bệnh tại các bệnh viện Quân đội, cấp Báo QĐND, trợ cấp khó khăn, bệnh hiểm nghèo...), đó là một bộ phận quan trọng trong chính sách hậu phương quân đội và là chế độ, chính sách mang tính đặc thù, dành riêng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đã nghỉ hưu. Quá trình thực hiện đã phát huy hiệu quả, có tác dụng tích cực, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với bản thân và gia đình cán bộ Quân đội nghỉ hưu; tạo nên tình cảm tốt đẹp, sự gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ toàn quân với các thế hệ đi trước và sự tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; được các thế hệ cán bộ Quân đội, dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Thực hiện tốt chế độ, chính sách nêu trên đã tác động tích cực đối với cán bộ đang công tác trong Quân đội, góp phần làm cho quân nhân yên tâm công tác, xác định tốt trách nhiệm, quyết tâm nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, do chế độ, chính sách nêu trên chưa được cụ thể hóa trong Luật Sĩ quan; bên cạnh đó, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Bộ Quốc phòng không được giao dự toán ngân sách Nhà nước để đảm bảo thực hiện chế độ, chính sách nêu trên nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm, đời sống cán bộ Quân đội nghỉ hưu.
Việc quy định như Dự thảo Luật là tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Quân đội nói chung và sĩ quan Quân đội đã nghỉ hưu nói riêng; bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán trong thực hiện chính sách đối với cán bộ Quân đội nghỉ hưu; đồng thời, nhằm tạo thêm động lực cho cán bộ Quân đội nghỉ hưu tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các tổ chức ở địa phương, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò, trách nhiệm của người đảng viên trong lãnh đạo, tập hợp và vận động quần chúng thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vì: Cán bộ Quân đội nghỉ hưu là những người có nhiều cống hiến trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của Quân đội, nhiều đồng chí từng đổ xương máu ngoài chiến trường, trở về địa phương là những người có uy tín trong cộng đồng khu dân cư; có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Thông qua việc thực hiện quy định góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào phục vụ trong Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Vì vậy, việc quy định như Dự thảo Luật là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và thống nhất với quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ.
(Còn nữa)
BP
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/gioi-thieu-khai-quat-nhung-van-de-lien-quan-den-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-si-quan-qdnd-viet-nam-tiep-theo-post483482.html