Việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức đang ngày càng được nhìn nhận như một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Trước thực trạng này, nhiều quốc gia châu Âu đã bắt đầu triển khai các biện pháp kiểm soát, bao gồm cả lệnh cấm điện thoại thông minh trong trường học. Tuy nhiên, một câu hỏi vẫn còn để ngỏ: liệu những hành động hiện nay đã đủ để bảo vệ thế hệ trẻ khỏi nguy cơ nghiện màn hình đang gia tăng?
Nghiện màn hình được định nghĩa là việc sử dụng điện thoại, máy tính bảng, máy tính, tivi hoặc máy chơi game một cách cưỡng chế, kéo dài và khó kiểm soát. Theo các thống kê gần đây, thanh thiếu niên trên toàn cầu đang dành trung bình hơn 7 giờ mỗi ngày trước màn hình - một con số đáng báo động.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra việc tiếp xúc với màn hình quá sớm, đặc biệt ở trẻ em dưới 3 tuổi, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển não bộ. Ở nhóm tuổi lớn hơn, nghiên cứu mới cho thấy trẻ từ 9 đến 11 tuổi nghiện màn hình có nguy cơ cao hơn trong việc phát triển các hành vi liên quan đến trầm cảm và tự tử.
Việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức đang ngày càng được nhìn nhận như một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Ảnh: Apartment Guide.
Từ năm 2024, các nền tảng kỹ thuật số tại châu Âu sẽ phải tuân thủ Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) - một bộ quy tắc chung nhằm thiết lập môi trường trực tuyến an toàn hơn, minh bạch hơn và ít rủi ro hơn cho người dùng, đặc biệt là trẻ em.
Một số nước đã áp dụng lệnh cấm điện thoại thông minh trong trường học. Tại Pháp, quy định này được triển khai từ năm 2018 nhưng hiệu quả chưa đồng đều. Tuy vậy, một số cơ sở giáo dục đã chủ động siết chặt thực thi.
Trường công lập Marcel Pagnol ở ngoại ô Lyon là một ví dụ. Tại đây, học sinh lớp 6 bắt buộc nộp điện thoại ngay từ lúc đến trường, trong khi học sinh các lớp lớn hơn chỉ được giữ thiết bị khi không sử dụng trong giờ học.
Hiệu trưởng nhà trường cho biết việc thu điện thoại từ đầu giờ sáng là biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế học sinh sử dụng sai mục đích. “Từ ngày 1/9, học sinh lớp 6 hầu như không gặp sự cố nào liên quan đến điện thoại. Tuy nhiên, ở các lớp lớn hơn, chúng tôi vẫn phải xử lý nhiều tình huống phức tạp, chủ yếu liên quan đến việc quay phim, chụp ảnh và chia sẻ nội dung không phù hợp.” - hiệu trưởng cho biết.
Nhiều học sinh ủng hộ các biện pháp giới hạn màn hình. Một em 12 tuổi chia sẻ trường học giúp em giảm bớt thời gian sử dụng điện thoại và cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Một giáo viên cho biết thời gian nghỉ giải lao không có điện thoại giúp giảm bắt nạt mạng - vấn đề đang ảnh hưởng đến gần 1/6 học sinh tại châu Âu, theo một khảo sát của WHO.
“Buổi dạ hội năm nay được tổ chức mà không cần điện thoại. Học sinh khiêu vũ vui vẻ, không lo bị quay phim, chụp hình rồi bị chỉnh sửa hay lan truyền” - cô Sophie Atallah, giáo viên tiếng Tây Ban Nha cho biết.
Không chỉ nhà trường, phụ huynh và cộng đồng cũng đang lên tiếng. Tại Lyon, bà mẹ hai con Marie-Alix đã viết một cuốn sách về chủ đề nghiện màn hình sau khi chứng kiến chính con mình gặp khó khăn. Nhóm Facebook bà thành lập hiện thu hút hơn 20.000 thành viên.
“Khi tôi trò chuyện với học sinh, có em nói: 'Em biết mình không nên dùng nữa, nhưng em không thể dừng lại'. Điều đó cho thấy mức độ lệ thuộc tương tự như các dạng nghiện khác” - bà chia sẻ.
Đọc thêm: Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo gia tăng khi Gaza thiếu viện trợ trầm trọng
Một số chính trị gia châu Âu cũng đang lên tiếng kêu gọi hành động. Nghị sĩ Kim Van der Sparrentak, thành viên nhóm Xanh tại Nghị viện châu Âu, đã nhiều lần thúc giục siết chặt quy định đối với các nền tảng kỹ thuật số lớn. Bà cho rằng cần cấm các thuật toán được thiết kế để giữ chân người dùng bằng cách tận dụng yếu tố gây nghiện.
“Không bộ não con người nào có thể xử lý được các thuật toán đó một cách lành mạnh” - bà cảnh báo.
Tùng Lâm